Hậu Giang tăng cường tuyên truyền cho người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Hậu Giang tăng cường tuyên truyền cho người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Đại diện các tập thể nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Đại diện các tập thể nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đánh giá cao những nỗ lực của ngành thủy sản trong bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trong thời gian qua. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan quan tâm đến quy hoạch ngành thủy sản để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh; chú ý đến quản lý các loài thủy sản ngoại lai, các địa phương nếu phát hiện loài ngoại lai phải báo cho ngành thủy sản để tiến hành xử lý. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì thực hiện việc tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phối hợp Sở Tư pháp triển khai luật thủy sản và các văn bản liên quan. Sở Tài chính phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu lập quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản từ việc huy động nguồn tại các cơ sở chăn nuôi có xả thải ra môi trường. Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng nghiên cứu thành lập khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn. Các địa phương tiến hành rà soát kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho ngành thủy sản thực hiện nhiệm vụ; chỉ đạo công tác tuyên truyền theo nội dung của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; quan tâm mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao; tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy sản trái phép. Trao đổi về những thuận lợi và khó khăn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho rằng, thời gian qua, việc tuyên truyền đã mang lại một số hiệu quả đáng kể, đa số người dân hiểu được tác hại của việc sử dụng xung điện, lưới có kích thước mắt lưới nhỏ để khai thác thủy sản; kiểm tra, xử lý vi phạm đã đánh động được một số cá nhân, góp phần hạn chế vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, khối lượng thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn ít, chưa có chuyên trang, chuyên đề tuyên truyền trên báo, đài địa phương; nhiều trường hợp khai thác thủy sản không đúng quy định chưa được xử lý nghiêm; các cấp, ngành chưa vào cuộc đồng bộ, quyết liệt trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ông Long cho biết thêm. Từ 2014 - 2018, tỉnh Hậu Giang tổ chức 40 cuộc tuyên truyền, triển khai văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các hộ dân làm nghề khai thác thủy sản với 2.000 người tham dự, ở cấp huyện tổ chức được trên 3.840 cuộc với 43.184 lượt người dự; tổ chức trên 1.580 cuộc kiểm tra, phát hiện 356 trường hợp vi phạm quy định về khai thác thủy sản. Ngoài ra, tỉnh thực hiện 10 đợt thả giống với gần 13 tấn thủy sản được thả về tự nhiên, các địa phương cũng vận động cá nhân, tổ chức trên địa bàn thả trên 1 tấn cá. Từ năm 2016 đến nay, Hội thủy sản tỉnh định kỳ tổ chức thả giống phóng sinh vào sáng thứ 7 hằng tuần với số lượng 40 - 50 kg/tuần. Thời gian tới, tỉnh Hậu Giang tiếp tục tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các quy định của pháp luật, các hành vi cấm sử dụng trong khai thác thủy sản; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc khai thác thủy sản trái pháp luật và các hành vi gây suy giảm nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền hướng dẫn về bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân trên địa bàn tỉnh.... Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tặng bằng khen cho 5 tập thể, 8 cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2014 - 2018.
Hồng Thái

Có thể bạn quan tâm