Hậu Giang đầu tư trên 67 tỷ đồng phòng chống hạn và xâm nhập mặn

Hậu Giang đầu tư trên 67 tỷ đồng phòng chống hạn và xâm nhập mặn
Kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh.
Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Tỉnh chuẩn bị xây dựng đập thời vụ cải tiến và đắp đập thời vụ khi độ mặn ngoài sông, kênh chính đạt mức 1,5‰, ngăn các dòng kênh vào đồng ở khu vực bị nhiễm mặn, không cho nước mặn lên đồng. Các hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn, mặn được kiểm tra, rà soát và có kế hoạch sửa chữa, đảm bảo đủ nước sinh hoạt vùng hạn, mặn. Chính quyền các địa phương trong tỉnh vận động người dân sử dụng dụng cụ tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước sinh hoạt mùa hạn, mặn. Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, vùng có nguy cơ hạn, tỉnh kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, trạm bơm điện, bơm dầu, có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa công trình để trữ nước ngọt trên đồng. Đồng thời, tỉnh đắp đập thời vụ, đóng các cửa cống; nạo vét các tuyến kênh cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng bị bồi lắng để trữ nước ngọt. Đối với vùng nguy cơ mặn, tỉnh có kế hoạch nâng cấp, tu bổ sửa chữa công trình ngăn mặn, trữ nước ngọt, không để mặn xâm nhập sâu vào nội đồng; nạo vét các tuyến kênh cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng đã bồi lắng, lấy nội đồng là chính để trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố khảo sát thực hiện xây dựng, cập nhật số liệu diện tích bị hạn. Cơ quan này chủ động chống hạn kịp thời bằng các nguồn lực, biện pháp. Kế hoạch đóng, mở các cửa cống thuộc tiểu Dự án Ô Môn - Xà No; Đê bao Long Mỹ - Vị Thanh được tiến hành. Khi độ mặn ngoài kênh đạt mức 1,5‰ phải đóng cửa cống theo diễn biến của mặn.
Kiểm tra cống ngăn mặn tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Kiểm tra cống ngăn mặn tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh.
Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Ước tính, tỉnh Hậu Giang có khoảng 28.000 - 34.000 ha vụ Đông Xuân và Hè Thu nguy cơ ảnh hưởng bởi hạn ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, một phần của huyện Phụng Hiệp, một phần của huyện Vị Thủy, thị xã Ngã Bảy. Khoảng 12.000 - 16.000 ha vụ Đông Xuân và Hè Thu nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn chủ yếu ở huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh và một phần huyện Vị Thủy, một phần huyện Phụng Hiệp. Theo dự báo các ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn năm 2019 đến sớm, gay gắt. Nhiều khả năng nước mặn xâm nhập vào tỉnh theo các hướng: từ biển Đông theo sông Hậu vượt qua kênh Cái Côn, Mái Dầm và từ Đại Hải (tỉnh Sóc Trăng) qua các trục kênh cấp 2 uy hiếp huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy, một phần huyện Phụng Hiệp. Từ các trục kênh chính qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu ảnh hưởng đến huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và một phần huyện Phụng Hiệp. Từ biển Tây theo sông Cái Lớn và sông Nước Trong ảnh hưởng đến huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy. Những ngày qua, nồng độ mặn đo được trên địa bàn tỉnh Hậu Giang diễn biến bất thường. Theo số liệu quan trắc, trên địa bàn huyện Long Mỹ, nồng độ mặn những ngày sau Tết Nguyên đán đo được dao động 0,1‰ - 0,2‰; nồng độ mặn tại thành phố Vị Thanh từ 0,1‰ - 0,3‰. Đến ngày 18/2, nồng độ mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ tăng đột ngột, độ mặn đo được tại các cống dao động từ 1‰ - 1,4‰ và đến ngày 20/2 giảm xuống còn từ 0,4‰ - 0,9‰. Ông Lê Hồng Việt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ cho biết, nồng độ mặn tại các sông trên địa bàn huyện tăng cao do nguồn nước trong nội đồng xuống thấp vì đã bước vào mùa khô khiến nước mặn từ phía Kiên Giang xâm nhập vào. Ngành nông nghiệp huyện chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó trước. Đối với diện tích lúa tại địa phương, hiện còn 1 tháng nữa mới đến thời điểm thu hoạch nên người dân chủ động làm bờ bao, trữ nước. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo, thời gian tới, người dân kiểm tra, sửa chữa bờ bao, thực hiện lấy nước, tích trữ nước, chủ động nguồn nước trong sản xuất, đặc biệt là đối với xã Lương Nghĩa, xã Vĩnh Viễn A. Ngành nông nghiệp kiểm tra độ mặn thường xuyên, chuẩn bị đóng cống, đập khi độ mặn lên cao, bảo vệ sản xuất người dân.
Hồng Thái

Có thể bạn quan tâm