Hành trình đưa điện "lên núi, xuống biển"

Hành trình đưa điện "lên núi, xuống biển"
Điện lực Quan Hóa - Công ty Điện lực Thanh Hóa kiểm tra, bảo dưỡng đường dây tại bản Ho, xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa. Ảnh: Đức Dũng - TTXVN
Điện lực Quan Hóa - Công ty Điện lực Thanh Hóa kiểm tra, bảo dưỡng đường dây tại bản Ho, xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa. Ảnh: Đức Dũng - TTXVN

Quan Hóa là một huyện vùng cao, biên giới, cách trung tâm tỉnh Thanh Hóa 140 km về phía Tây và có chung 4,8 km đường biên giới với nước bạn Lào tại xã Hiền Kiệt. Đường lên xã Hiền Kiệt, vào tới bản Ho, bản Cháo của huyện Quan Hóa phải vượt qua gần 10 km đường núi đá, nhiều đoạn ổ gà, ổ voi.

Trưởng bản Ho, xã Hiền Kiệt ông Vi Văn Lâm cho biết, trước đây, điện chưa về tới bản, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, phải dùng máy phát điện để thắp sáng; trời mưa là cả bản tối đen như mực. “Nay điện đã về bản. Người dân đã có điện sử dụng máy bơm tưới, máy xát, tủ lạnh. Muốn ăn thịt, cá cũng có thể bảo quản được. Không như trước đây, mua đồ gì cũng chỉ để được trong ngày”, Trưởng bản Vi Văn Lâm vui vẻ nói.

Bản Ho có 91 hộ dân sinh sống. Điện về, nhà nhà đã có đèn thắp sáng, tivi màu theo dõi tin tức… Lũ trẻ cũng có điều kiện để học tập dưới ánh đèn. Nhưng để có được niềm vui tưởng như đơn giản là cả chặng đường gian nan kéo đường dây và nỗi lo về đảm bảo cung cấp và an toàn lưới của ngành điện. Đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo không chỉ là nâng cao tỷ lệ phủ điện cho các hộ chưa có điện mà còn tập trung cho cải tạo, nâng cấp lưới điện hiện có để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.
 
Ngành điện hướng dẫn trực tiếp về sử dụng điện an toàn cho người dân tại cột công tơ. Ảnh: Đức Dũng - TTXVN
Ngành điện hướng dẫn trực tiếp về sử dụng điện an toàn
cho người dân tại cột công tơ. Ảnh: Đức Dũng - TTXVN

Trước yêu cầu đó, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho hay, EVN đã chỉ đạo các Tổng công ty điện lực và các công ty điện lực rà soát tình hình thực tại về cơ sở hạ tầng điện của tất cả các xã trên toàn quốc. Đồng thời, EVN phối hợp chặt chẽ kế hoạch, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các địa phương, xây dựng kế hoạch đầu tư cải tạo nâng cấp và xây dựng mới lưới điện.

Ngoài ra, tuyên truyền, nâng cao kiến thức và hiểu biết về sử dụng điện trong nhân dân, đảm bảo sử dụng điện an toàn và hiệu quả. Nhờ có sự tham gia đóng góp tích cực từ phía người dân như: góp công sức, phần đền bù, bảo vệ hành lang lưới điện và các công trình điện, tạo động lực cho việc hoàn thành mục tiêu cung cấp điện của đơn vị.

Theo báo cáo của EVN, do đặc điểm lưới điện nông thôn được hình thành từ thập kỷ 90, được xây dựng đa số không đủ các yêu cầu về kỹ thuật an toàn, chất lượng cung cấp điện. Từ năm 2008, theo yêu cầu của các địa phương, việc chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức quản lý điện nông thôn không đủ năng lực quản lý đã diễn ra mạnh mẽ trên cả nước. Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp của tất cả các xã, các Tổng công ty điện lực tập trung sửa chữa cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện để vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định, liên tục tới các hộ dân.

Để lưới điện nông thôn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mỗi xã cần từ 5-10 tỷ đồng. Đứng trước khó khăn này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tìm kiếm, làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài, sử dụng các nguồn vốn vay ODA, nguồn vốn của EVN và nguồn vốn ngân sách cấp để thực hiện chương trình. Tổng số vốn đầu tư của EVN cho lưới điện phân phối cung cấp ở khu vực nông thôn trong 10 năm là hơn 89.200 tỷ đồng, riêng nguồn vốn vay ODA của các tổ chức quốc tế khoảng 63.300 tỷ đồng.

Nhờ đó, từ chỗ chỉ quản lý bán điện trực tiếp tại 2.126 xã, đến nay EVN đang quản lý bán điện tại 8.122 xã, chiếm tỷ lệ 92% số xã và hơn 93% hộ dân trong toàn quốc.

Bên cạnh việc cải tạo nâng cấp lưới điện các vùng nông thôn trên đất liền, EVN đã tiếp nhận và quản lý bán điện huyện đảo cuối cùng vào tháng 8/2017, kết thúc quá trình tiếp nhận bán điện tại các huyện đảo, hoàn thành việc quản lý bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo.

Sau khi tiếp nhận và bán điện trực tiếp trên các huyện đảo, EVN đã đầu tư nguồn và lưới điện trên huyện đảo, tăng giờ phát điện thay vì 6h/ngày lên 24/24h và bán điện cho các hộ dân trên đảo theo thời gian tiếp nhận cũng như qui định của UBND tỉnh và đồng giá như trong đất liền kể từ 01/6/2014 theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Đối với các huyện, xã đảo gần bờ, sau khi tiếp nhận bán điện, EVN đã triển khai hàng loạt các dự án đưa điện lưới Quốc gia ra các huyện đảo, xã đảo vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh - xã hội vừa góp phần giữ vững an ninh quốc phòng chủ quyền biển đảo, dù quá trình này gặp rất nhiều khó khăn về khảo sát thiết kế và tổ chức thi công xây lắp trên biển.

Có thể kể đến như, dự án đưa điện lưới quốc gia đến huyện đảo Cô Tô (11/2012-10/2013) có tổng vốn đầu tư 1.106 tỷ đồng, xây dựng gần 40 km đường dây 110 kV, 25 km cáp 22 kV đi ngầm dưới biển, 14 trạm biến áp và khoảng 35 km đường dây trung và hạ thế cấp điện cho khoảng 1.600 hộ dân thị trấn Cô Tô và xã Thanh Lân thuộc huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Hay, dự án đưa điện lưới Quốc gia ra huyện đảo Phú Quốc bằng cáp ngầm xuyên biển 110 kV Hà Tiên - Phú Quốc có chiều dài 57,33 km với tổng mức đầu tư 2.336 tỷ đồng. Dự án cấp điện lưới quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm (2013-2014) tổng vốn đầu tư hơn 652,5 tỷ đồng, hạng mục chính là đường cáp ngầm 22 kV dưới lòng biển từ đất liền ra huyện đảo Lý Sơn dài hơn 26,5 km...

Chia sẻ về chặng đường đưa điện đến vùng núi và hải đảo xa xôi, Trưởng ban Quản lý đầu tư EVN Lê Thành Chung cho hay, thực tế tại nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, người dân sống thưa thớt, có dự án kéo điện cả chục km chỉ cho vài chục hộ sử dụng. Hóa đơn tiền điện/hộ gia đình nhiều khi chưa tới 20.000 đồng. Để thu được tiền, nhân viên điện lực phải đi nửa ngày mới tới nơi thì việc cân đối hiệu quả kinh tế với ngành điện thật khó khăn. Tuy nhiên, EVN vẫn nỗ lực thực hiện thành công nhiều dự án, mang lại hiệu quả xã hội và được người dân ghi nhận.

Tính trong 10 năm (2010-2019), với những nỗ lực đầu tư lưới điện nông thôn mới, khu vực miền núi, hải đảo, quy mô nguồn và lưới điện được mở rộng, tổng công suất của toàn hệ thống điện đến tháng 6/2019 đạt 53.326 MW, tăng gấp 2,55 lần so với năm 2010; trong đó, năng lượng mặt trời đạt 4.464 MW; hệ thống lưới điện tăng gần 1,8 lần so với năm 2010. Sản lượng điện tiêu thụ bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.057 kWh/người/năm, tăng gấp 1,8 lần năm 2010. Hiệu quả vận hành hệ thống điện được nâng cao, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ 10,15% năm 2010 xuống còn 6,83% năm 2018.

Nhờ đó, đến cuối năm 2018, cả nước đạt 100% xã và 99,47% hộ dân, tương ứng 27,41 triệu hộ dân có điện; trong đó, tỷ lệ số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,05%. Mức độ phủ điện cao hơn một số nước trong khu vực như Philippines 93%, Indonesia 98,1%, Ấn Độ 92,6%, Lào 93,6%.

Ông Văn Tiến Hùng, Chuyên gia Năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, đây là một thành tựu to lớn của Việt Nam nói chung và EVN nói riêng. Với điều kiện kinh tế tương tự như Việt Nam, rất ít quốc gia có thể làm được như Việt Nam là đưa điện đến tất cả các xã và trên 99% số hộ được sử dụng điện. Đây là thành quả mà Việt Nam đã làm được và là hình mẫu để nhiều quốc gia học tập, làm theo.

Để tiếp tục đưa điện đến số hộ dân còn lại trên cả nước, ông Hùng cho rằng, EVN sẽ cần tới một lượng vốn đầu tư rất lớn, cũng như sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ cũng như các tổ chức trong và ngoài nước./.
Đức Dũng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm