Hà Tĩnh: Làng hoa đào rộn ràng vào Tết

Hà Tĩnh: Làng hoa đào rộn ràng vào Tết
Chị Hà Thị Thủy, thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, chăm sóc đào Tết. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN
Chị Hà Thị Thủy, thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, chăm sóc đào Tết. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Có mặt tại làng đào Hưng Thắng trong những ngày này, khắp các đường làng, ngõ xóm là những nụ đào chúm chím chờ bung nở. Đã thành thông lệ hàng năm, từ mùng Năm tháng Chạp, du khách và thương lái từ khắp nơi đổ về đây chọn mua và đặt cọc đào.

Theo người dân nơi đây, cây đào được trồng từ lâu đời ở xã Cẩm Hưng theo tập quán tự nhiên. Từ năm năm trở lại đây, nắm được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, nhiều hộ dân chú ý đầu tư kỹ thuật, chăm chút cắt tỉa, tạo dáng. Giống đào ở Cẩm Hưng được ưa chuộng bởi cây có bông hoa to, màu tím đậm, nhiều nhánh, nụ.

Đến thăm vườn anh Phan Xuân Thủy – hộ trồng nhiều đào nhất thôn Hưng Thắng khi vợ chồng anh đang tỉa bớt lá cho cây đào. Đây là một trong những bí quyết riêng về kỹ thuật của người trồng đào nếu muốn đào nở đúng dịp Tết.

Anh Thủy vui mừng cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, nhà tôi tỉa lá theo đợt không tỉa đại trà như mọi năm để dự phòng thời tiết thay đổi, đào nở sớm hoặc muộn hơn so với dịp Tết”.

Vườn đào của gia đình anh Phan Xuân Thủy có hơn 300 gốc đào, Tết năm nay có 200 gốc từ 2 - 3 tuổi cho thu hoạch. Theo anh Thủy, nhiều khách hàng và thương lái đến chọn đào từ rất sớm, từ cuối tháng 11 âm lịch đã có người đến vườn xem và chọn đào vì dễ chọn được cây có thế đẹp. Những năm gần đây, xu hướng của khách sành chơi đào là chọn mua cây có nhiều nhánh lẻ như: 3 nhánh, 5 nhánh, 7 nhánh, 9 nhánh… Cây càng nhiều nhánh lẻ càng đắt tiền. Thời điểm này, gia đình anh đã bán được 12 gốc đào với số tiền hơn 15 triệu đồng.

Dẫn chúng tôi tới thăm các vườn đào trên địa bàn, ông Hà Huy Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Hưng chia sẻ: Tại xã Cẩm Hưng, chỉ có hai thôn Hưng Thắng – quê hương của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập trồng được cây đào Tết. Thấy người dân Hưng Thắng trồng được đào, một số thôn lân cận cũng từng đưa giống về nhân rộng nhưng không hiểu sao, cây đào không phát triển được. Ngoài thôn Hưng Thắng, thôn Hưng Trung cũng nhân rộng được giống đào.

Anh Phan Xuân Thủy, thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng, tỉa lá cho cây đào để kịp nở vào đúng thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN
Anh Phan Xuân Thủy, thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng, tỉa lá cho cây đào để kịp nở vào đúng thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Theo chị Hà Thị Thủy – một trong những hộ trồng nhiều đào ở thôn Hưng Thắng, cây đào không khó trồng có thể sống ở nhiều loại đất. Tuy nhiên để đào phát triển tốt phải trồng đào ở vùng đất tơi xốp, cao ráo và không trũng nước. Sau mỗi lứa đào bán đi, đất được xới lên và tạo thành từng luống cao để trồng lứa mới.

Không chỉ đón khách hàng đến tận vườn mua sắm, hiện nhiều hộ trồng đào trên địa bàn tìm kiếm thị trường thông qua thương lái trong và ngoài tỉnh. Chính quyền địa phương đang liên hệ tìm kiếm đầu mối để xin mặt bằng trưng bày, buôn bán đào Tết ở thị trấn Cẩm Xuyên, Thành phố Hà Tĩnh để tạo thuận lợi đối với người trồng đào tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Hoạt, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, từ nhiều năm nay, cây đào cho nguồn thu nhập lớn đối với người dân hai thôn Hưng Thắng và Hưng Trung. Thôn Hưng Thắng hiện có hơn 200 hộ trồng đào, thôn Hưng Trung khoảng 20 hộ trồng…Trong tổng số 220 hộ trồng đào, khoảng 60 hộ thu nhập mỗi năm hơn 50 - 100 triệu đồng từ cây đào. Không chỉ mang lại thu nhập cho người dân, cây đào còn tô điểm cho cảnh đẹp của quê hương, nhất là vào những dịp đầu xuân năm mới khi đón các đoàn khách viếng thăm mộ Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Hoàng Ngà

Có thể bạn quan tâm