Góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ em

Góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ em
Tỷ lệ suy dinh dưỡng cao

Theo chỉ dẫn của chị Nguyễn Thị Ánh-Chuyên trách dinh dưỡng Trạm Y tế xã Kông Yang, chúng tôi tìm đến làng Bà Băh-nơi có tỷ lệ trẻ em SDD cao nhất xã (60%). Cơn mưa chiều bất chợt càng khiến khung cảnh làng vốn vắng vẻ trở nên ảm đạm, hầu như nhà nào cũng cửa đóng, then cài. “Giờ này mọi người đều đi rẫy hết rồi, trẻ con cũng ít ở nhà, một số đi học hoặc theo cha mẹ vào rẫy”-chị Bleng, cộng tác viên y tế làng Bà Băh giải thích.
 
Hướng dẫn thực hành nấu ăn cho trẻ. Ảnh: Lê Lan
Hướng dẫn thực hành nấu ăn cho trẻ. Ảnh: Lê Lan

Lý giải nguyên nhân trẻ em của làng có tỷ lệ SDD cao, cộng tác viên y tế Bleng cho rằng, nguyên nhân chính là do tập tục người dân trong làng (chủ yếu là người dân tộc Bahnar) thường mang con lên rẫy, thậm chí cho ngủ lại luôn ở rẫy. Các bà mẹ cũng ít quan tâm đến bữa ăn của trẻ nhỏ, nhiều em bé chỉ mới 5-6 tháng tuổi đã cho ăn cơm trong khi bữa ăn hầu như chẳng có gì, chủ yếu là cơm và nước canh. Có trường hợp một gia đình có 3 con nhỏ thì bị SDD cả 3. “Mỗi lần đến đợt tiêm vắc xin mình phải đi 2-3 lần mới gặp được phụ huynh để nhắc nhở. Nhưng rồi cũng chỉ có 12-13 người chịu cho con đi tiêm trong khi làng có trên 110 trẻ dưới 5 tuổi”-chị Bleng tâm sự.

Kông Chro hiện có tổng số 5.906 trẻ em dưới 5 tuổi nhưng có đến 27,91% SDD cân nặng và 34,61% SDD chiều cao. Tỷ lệ trẻ em SDD những năm gần đây tuy có giảm, nhưng không đáng kể, tỷ lệ trẻ em SDD thấp còi chiếm tỷ lệ cao hơn so với trẻ em SDD nhẹ cân. Chẳng hạn, nếu tỷ lệ SDD năm 2012 theo cân nặng là 30,67%, theo chiều cao là 38,82% thì đến năm 2013 tỷ lệ SDD theo cân nặng giảm còn 29,92% và SDD chiều cao giảm còn 37,87%... Theo chị Phùng Thị Thùy Vân-cán bộ chuyên trách dinh dưỡng Trung tâm Y tế huyện Kông Chro, khó khăn lớn nhất trong công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ trong việc chăm sóc con cái, đảm bảo chế độ dinh dưỡng khi mang thai là do tỷ lệ hộ nghèo trong huyện còn cao (28,45%), điều kiện kinh tế khó khăn. Người phụ nữ địa phương hầu như không được nghỉ ngơi trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ vì phải làm việc nương rẫy…

Góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng

Với mục tiêu nâng cao công tác truyền thông về dinh dưỡng, buổi trình diễn, thực hành dinh dưỡng do Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tổ chức tại thôn 1, xã Kông Yang đã giúp thay đổi nhận thức của phần lớn các bà mẹ nơi đây. Có mặt tại buổi thực hành dinh dưỡng, chị Võ Thị Kim Tuyền (thôn 1, xã Kông Yang) cho biết: Trước mình không biết nên nhà có gì thì cho con ăn nấy, chưa biết cách cân đối các thực phẩm cho phù hợp vì vậy dù con trai mình đã 29 tháng tuổi nhưng nặng 10 kg, giờ nghe các bác sĩ tập huấn mình đã hiểu hơn nhiều, bữa ăn của bé phải đủ chất (tinh bột, đạm, vitamin, chất béo…) và phải bổ sung thêm rau, củ hay các món có nhiều canxi như tôm, cua… Còn chị Tạ Thị Kiều (ở cùng thôn với chị Tuyền) đang mang thai ở tháng thứ 8, chia sẻ: Lớp tập huấn cho tôi biết thêm một kiến thức rất bổ ích, đó là khi sinh em bé nên cho bé bú càng sớm càng tốt, đặc biệt là những hướng dẫn chăm sóc bé rất cần thiết đối với bà mẹ mới mang thai lần đầu như tôi. Dắt theo cả 2 đứa con bị SDD đến xem trình diễn nấu ăn cho trẻ nhỏ, chị Võ Thị Mỹ (thôn 1, xã Kông Yang) cho biết: Nhà mình làm rẫy hầu như không còn nhiều thời gian chăm con, vì vậy đứa lớn dù 5 tuổi chỉ được 12 kg, còn đứa bé 3 tuổi chỉ 8 kg. Được các bác sĩ trực tiếp hướng dẫn, tư vấn cách nấu ăn cho bé, mình sẽ cố gắng dành thời gian và thực hành nấu thật ngon để bé ăn nhiều.

Được biết, trong thời gian tới, Dự án giảm nghèo Tây Nguyên sẽ triển khai 5 nhóm hỗ trợ sinh kế an ninh lương thực và dinh dưỡng tại Kông Chro. Đây được xem là một “cú huých” góp phần giảm tỷ lệ SDD cho trẻ em của huyện. Theo đó, đối tượng tham gia các nhóm hỗ trợ sinh kế an ninh lương thực và dinh dưỡng phải 100% là phụ nữ, trong đó ưu tiên cho phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi hoặc những gia đình có con bị SDD. Các nhóm sẽ được hỗ trợ một khoản tiền (khoảng 5 triệu đồng/nhóm) để trồng các loại cây lương thực, như lúa, bắp và các loại hoa màu có giá trị dinh dưỡng cao, như đậu, vừng, khoai lang hoặc chăn nuôi gia súc nhỏ như heo, gà… Từ đó, lấy các sản phẩm làm thức ăn chế biến cho trẻ nhỏ và gia đình. Đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ, chuyên đề về dinh dưỡng, tư vấn chăm sóc sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức cho các bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ.

Hy vọng, cùng với việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia chống SDD trẻ em thì việc triển khai các nhóm cải thiện sinh kế an ninh lương thực và dinh dưỡng thuộc Dự án giảm nghèo Tây Nguyên sẽ góp phần giúp Kông Chro giảm tỷ lệ SDD của trẻ em.    

Có thể bạn quan tâm