Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Gỡ khó cho các làng nghề nông thôn Cà Mau

Gỡ khó cho các làng nghề nông thôn Cà Mau
Con thuyền vươn ra biển - biểu tượng của vùng Đất Mũi Cà Mau bên cạnh Cột cờ Hà Nội. Ảnh: Thế Anh-TTXVN
 Con thuyền vươn ra biển - biểu tượng của vùng Đất Mũi Cà Mau bên cạnh Cột cờ Hà Nội. Ảnh: Thế Anh-TTXVN
Xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn là nơi có nhiều cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh đặc sản bánh phồng tôm. Hiện, xã đang từng bước hình thành làng nghề truyền thống này. Qua thống kê, toàn xã Hàng Vịnh có 2 công ty, 1 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 3 cơ sở và nhiều hộ sản xuất kinh doanh bánh phồng tôm. Riêng năm 2018, xã Hàng Vịnh đã đưa ra thị trường trên 100 tấn bánh thương phẩm, mang lại lợi nhuận cao cho người dân, đồng thời giải quyết khá lớn nhu cầu lao động ở nông thôn. Chủ tịch UBND xã Hàng Vịnh Trương Thanh Trúc phấn khởi, đặc sản bánh phồng tôm thời gian qua được bà con trên địa bàn sản xuất tiêu thụ số lượng lớn, kể cả ngoài tỉnh và ngoài nước. Đây cũng là đặc sản được địa phương chọn thực hiện chương trình OCOP.  “Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả mang lại trong thời gian tới, địa phương hiện vẫn đang gặp phải nhiều bất cập. Bởi hiện nay xã có rất nhiều cơ sở sản xuất nhưng giá cả bán ra không đồng đều. Nơi thì bán 50.000 đồng/kg nhưng cũng có nơi bán ra là 60.000 hay 70.000-80.000 đồng/kg cũng có”, ông Trương Thanh Trúc chia sẻ và nêu nguyên nhân, do có nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất nhưng chưa đồng bộ về mặt thương hiệu và giá cả, gây ảnh hưởng đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Trước thực trạng sản xuất thiếu liên kết, giá cả đầu ra chưa thống nhất, ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn cho rằng, phải tăng cường tuyên truyền, vận động bà con vào tổ hợp tác, nói chung là kinh tế tập thể. Vì sản xuất manh mún như thế sau này thực hiện chương trình OCOP gặp khó khăn. Nói về vấn đề này, ông Phạm Trường Giang, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Năm Căn cho rằng, mặc dù bánh phồng tôm của xã Hàng Vịnh đã và đang có thị trường tiêu thụ rộng rãi ở các tỉnh, thành trong nước, xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), nhưng chưa đăng ký sở hữu trí tuệ, hướng tới cần vận động các cơ sở thực hiện. “Xã Hàng Vịnh có nhiều cơ sở sản xuất bánh phồng tôm, nhưng chưa liên kết thành lập hợp tác xã để có tiếng nói chung. Sắp tới, đề nghị các đơn vị này đăng ký sở hữu trí tuệ, giống như thương hiệu cua Năm Căn để quản lý. Xem đây là thương hiệu chung của tập thể, đặc trưng cho đơn vị hành chính để không mất nhãn hiệu này”, ông Phạm Trường Giang nhấn mạnh. Huyện Năm Căn đang tích cực phấn đấu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ, du lịch có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy vai trò nội lực của địa phương, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, nhà nước sẽ hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, định hướng vùng sản xuất nguyên liệu. Tất cả các sản phẩm tham gia chương trình OCOP đều phải có nhãn mác rõ ràng, có bao bì, đóng gói hợp quy chuẩn theo quy định của pháp luật, là sản phẩm khi lưu hành trên thị trường phải có chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu bảo hộ, có mã vạch hàng hoá, chứng chỉ hợp quy và an toàn thực phẩm… Tính liên kết luôn là lực cản trong tổng thể phát triển của nền kinh tế tỉnh Cà Mau. Trước thực tế đó, thời gian qua ngành nông nghiệp địa phương đã chủ động kết nối với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, mở hướng tiêu thụ cho hàng nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Kết quả bước đầu đã hình thành được một số hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đối với ngành hàng tôm và lúa chất lượng cao. Nhiều hợp đồng cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh đã được triển khai thực hiện. Trong nỗ lực đó, đầu tháng 12 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã tổ chức Diễn đàn kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực và giới thiệu sản phẩm tiềm năng OCOP tỉnh Cà Mau. Diễn đàn đã thu hút gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh cùng các hiệp hội có liên quan tham dự. Ngoài việc giới thiệu tiềm năng, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thông qua diễn đàn lần này, Cà Mau mong muốn các đại biểu, doanh nghiệp, hợp tác xã, các hiệp hội có liên quan quan tâm đến liên kết, tiêu thụ sản phẩm và tìm ra nhiều đầu mối để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Trong khuôn khổ diễn đàn, các doanh nghiệp, hiệp hội đã giới thiệu về xu hướng tiêu dùng của ngành hàng thực phẩm hiện nay; yêu cầu của thị trường và tổ chức sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh; nhu cầu thị trường trong và ngoài nước về sản phẩm nông nghiệp sạch; kết nối đưa nông sản an toàn tiêu thụ tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu chung của Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2030 là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn… Theo Đề án, đến năm 2020, Cà Mau sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP với 3 nội dung chính theo 3 cấp chính quyền; tiêu chuẩn hóa ít nhất 25 sản phẩm, dịch vụ hiện có của tỉnh; công nhận, chứng nhận 2 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao và ít nhất 10 sản phẩm đạt hạng từ 3 - 4 sao; phát triển, nâng cấp ít nhất 22 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP… Bên cạnh đó, về chính sách hỗ trợ OCOP gồm các chính sách về lồng ghép, tích hợp còn áp dụng chính sách mang tính đặc thù của địa phương. Đề án vạch ra lộ trình với từng mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể theo từng giai đoạn đến năm 2025, năm 2030. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình OCOP từ nay đến 2030 gần 694 tỷ đồng.
Huỳnh Anh

Có thể bạn quan tâm