Ngày Dân số Việt Nam 26/12:

Giảm sinh để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở miền núi Nghệ An

Giảm sinh để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở miền núi Nghệ An
Anh Vi Văn Lâm ở bản Lìm, xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu) sinh ra trong gia đình có bốn người con, kinh tế khó khăn, ba chị gái lấy chồng sớm, bản thân anh đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương anh lập gia đình. Sinh hai con trai, vợ chồng anh Vi Văn Lâm quyết định dừng lại để nuôi dạy con cho tốt và tập trung làm kinh tế. Các con trai của anh Lâm đều học giỏi, gia đình làm kinh tế trang trại trồng cây lâu năm, nuôi gia súc… mang lại thu nhập cao, xây dựng được nhà cửa khang trang. Anh Vi Văn Lâm cho biết: Vợ chồng tôi thống nhất chỉ dừng lại ở hai con, không sinh thêm nữa để tập trung nuôi dạy con học hành đàng hoàng và chăm lo phát triển kinh tế vững vàng.

Bà Vi Thị Nhâm - mẹ anh Vi Văn Lâm chia sẻ: Sinh nhiều con thì vất vả, kinh tế không bằng các gia đình khác nên khi con trai lấy vợ chúng tôi cũng nói với con là chỉ sinh hai đứa thôi để nuôi dạy cho tốt và chăm chỉ làm ăn.

Quỳ Châu là huyện miền núi nghèo, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nhờ sự vào cuộc của các cấp, ngành cùng chính quyền địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đối tượng 15-49 tuổi có chồng nên công tác dân số đạt kết quả tốt. Trong năm 2019, 21 khối, xóm, bản tại huyện Quỳ Châu không có người vi phạm sinh con thứ 3 trở lên.
 
Sinh hoạt Câu lạc bộ Người cao tuổi lồng ghép công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Sinh hoạt Câu lạc bộ Người cao tuổi lồng ghép công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Ông Lương Văn Năm - Chủ tịch UBND xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu cho biết: Trước đây, việc sinh nhiều con là tập quán, quan niệm của người dân vùng cao, điều này là gánh nặng cho gia đình, xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước tình hình đó chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên, sâu rộng xuống tận các xóm bản, nhận thức của người dân ngày càng nâng lên. Sự đồng thuận ngày càng cao của các cấp, các ngành và người dân trong thực hiện công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Ở xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp, đồng bào người Thái chiếm 22%; xã có 3/15 xóm thuộc diện 135 vùng đặc biệt khó khăn. Thế nhưng xóm Đồng Ban nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên, toàn bộ 130 hộ với trên 500 nhân khẩu trong xóm sống đoàn kết, thân ái. Tuy là người dân tộc thiểu số nhưng bà con đều nhận thức được thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình để nuôi dạy con tốt, tập trung phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng rừng.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân đã có 5 năm phụ trách công tác kế hoạch hóa gia đình của 19 bản trong xã Đồng Hợp. Hàng tuần, chị đều xuống địa bàn để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, hạn chế sinh con thứ 3. Nhờ  chị nhiệt tình thuyết phục, giải thích, nhiều gia đình đã chấp hành tốt. Chị Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ: Các cộng tác viên dân số đã tuyên truyền các biện pháp tránh thai tới tận đối tượng, vận động thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, giúp các cặp vợ chồng thực hiện biện pháp tránh thai hiệu quả.

Thực tế cho thấy, do địa bàn vùng cao, địa hình chia cắt nên công tác tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình gặp nhiều khó khăn. Chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, hạn chế sinh con thứ 3 song hiệu quả thực hiện chưa cao, nguyên nhân do nhận thức của đồng bào còn thấp, phong tục lạc hậu. Một số gia đình thích đông con, không nhận thức được sinh nhiều con sẽ tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình. Đa số những hộ gia đình đông con đều thuộc hộ nghèo, xã phải lập danh sách để Nhà nước hỗ trợ thiếu đói. 
 
Chị Vi Thị Hương (xóm Đồng Ban xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp) dừng lại ở hai con để nuôi dạy tốt và phát triển kinh tế trang trại. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Chị Vi Thị Hương (xóm Đồng Ban xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp) dừng lại ở hai con để nuôi dạy tốt và phát triển kinh tế trang trại. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Theo thống kê từ Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An, hiện nay tổng tỷ suất sinh, số con trung bình của người miền núi trong tỉnh Nghệ An giảm, nhiều huyện đạt mức sinh thay thế. Tại 5 huyện miền núi cao và 5 huyện miền núi thấp trong tỉnh đều đạt chỉ số tốt so với các huyện đồng bằng, thành thị ven biển và thành phố.

Ông Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An cho biết. Điều đáng mừng là chất lượng dân số ở miền núi ở Nghệ An từ việc khám thai, sàng lọc trước sinh, sơ sinh… được người dân tham gia rất tốt. Đồng bào ở miền núi sinh đẻ rất tự nhiên, không có chọn lọc nên tại nhiều địa phương tỷ lệ trẻ em gái cao hơn nhiều so với bé trai. Chi cục tiếp tục tuyên truyền, thực hiện các biện pháp kế hoạch để hạ mức sinh thay thế, đồng thời đẩy mạnh nâng cao chất lượng dân số ở miền núi.

Thời gian tới, Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An tiếp tục xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các hoạt động về dân số; tăng cường tuyên truyền, triển khai cung cấp gói dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh, sơ sinh; vận động lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến vùng đông dân có mức sinh cao và vùng khó khăn, vùng cao. Công tác truyền thông được thực hiện rộng rãi từ tỉnh đến thôn bản, vận động, thuyết phục người dân hạn chế sinh con thứ 3 để nuôi dạy con tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần đưa kinh tế xã hội địa phương phát triển.

Bích Huệ
TTXVN

Có thể bạn quan tâm