Gia Lai xoa dịu nỗi đau chiến tranh

Gia Lai xoa dịu nỗi đau chiến tranh
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 13 nghìn nạn nhân da cam, trong đó khoảng 50% nạn nhân là những người bị nhiễm trực tiếp khi tham gia kháng chiến. Số còn lại là những nạn nhân thế hệ thứ 2, thứ 3. Đa số các gia đình nạn nhân da cam đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Do đó, họ rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền cũng như các nhà hảo tâm để có thể nguôi ngoai nỗi đau do chiến tranh để lại.

Thành lập Phòng xông hơi giải độc cho người có công

Bằng nguồn hỗ trợ kinh phí của địa phương và các nhà hảo tâm, năm 2011, Trung tâm phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam tỉnh Gia Lai đã đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng Nhà xông hơi, giải độc, phục vụ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cộng đồng. Từ năm 2011 đến nay, đã có gần 800 lượt người được chăm sóc trị liệu tại đây. Đây là phương pháp khử độc tố trong cơ thể con người có hiệu quả, vừa vận động chạy bộ theo sức, tắm hơi và uống vitamin khoáng chất, dần phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe.

Nhà xông hơi giải độc đã được xây dựng hoàn chỉnh có sức chứa 24 chỗ ngồi gồm 2 phòng, một phòng dành cho nam và một phòng dành cho nữ. Hệ thống thiết bị sử dụng trong các phòng xông hơi đều được làm đúng quy cách, nguyên liệu đều nhập ngoại.

Mỗi đợt xông hơi giải độc có thời gian kéo dài đến 21 ngày liên tục. Trước và sau khi xông, các đối tượng đều được cán bộ y tế kiểm tra theo dõi sức khỏe và cho thuốc uống. Những đối tượng ở xa đến thực hiện chương trình xông hơi được bố trí ăn ở tại chỗ theo yêu cầu.

Phòng xông hơi giải độc, nơi hàng trăm lượt đối tượng có công với cách mạng được chăm sóc miễn phí tại Hội nạn nhân chất dộc da cam/Dioxin tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN
Phòng xông hơi giải độc, nơi hàng trăm lượt đối tượng có công với cách mạng được chăm sóc miễn phí tại Hội nạn nhân chất dộc da cam/Dioxin tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho người có công, người nhiễm chất độc da cam, Trung tâm phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam tỉnh Gia Lai còn tạo việc làm cho nhân thân của họ để giúp họ tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Y sỹ Phạm Thị Lũy là người hướng dẫn, chăm sóc hàng trăm lượt đối tượng có công với cách mạng đang xông hơi giải độc tại Phòng xông hơi giải độc của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai. Chị Lũy là y sỹ quân đội, có thời gian công tác tại chiến trường nước bạn Campuchia. Chị có chồng là cựu chiến binh, một đối tượng nhiễm chất độc da cam cũng đang xông hơi giải độc tại đây. Chị Lũy tâm sự, do hiểu được tình trạng sức khỏe yếu, cảnh đau đớn của chồng mỗi khi trái gió trở trời nên chị đã xin về làm y sỹ chăm sóc những người có công với cách mạng nhiễm chất dộc da cam tại Trung tâm này, vừa có điều kiện chăm sóc, gần gũi chồng khi ông đến sinh hoạt tại Hội Nạn nhân chất độc da cam.

Chị Lũy tâm sự: Tôi đồng cảm sâu sắc và mong muốn chồng mình cũng như đồng đội có sức khỏe để vượt lên nỗi đau thể xác cũng như tinh thần sau những cống hiến trong chiến tranh.

Ông Dương Minh Châu, thương binh, sống tại huyện Chư Sê, đang trong quá trình xông hơi giải độc tại Phòng xông hơi giải độc, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai cho biết: Trước đây, mỗi khi trái gió trở trời, chân tay ông nhức mỏi, đầu đau nhức. Ông đã xông hơi, giải độc được 10 ngày và thấy sức khỏe có tiến triển tốt hơn trước. Ông mong rằng, tỉnh Gia Lai có nhiều đợt hỗ trợ xông hơi giải độc nữa để đồng đội của ông có cơ hội tiếp cận phương thức chăm sóc sức khỏe tốt hơn nhằm nguôi ngoai nỗi đau sau chiến tranh. 

Nuôi dạy trẻ em nhiễm chất dộc da cam, khuyết tật

7 năm miệt mài làm cô nuôi dạy trẻ tại Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh Gia Lai, cô giáo H’Khuin, người dân tộc Jrai (sinh năm 1988) hàng ngày chăm sóc 20 trẻ tại đây. Các em không được bình thường như những trẻ khác nên những ngày đầu nhận lớp đối với cô H’Khuin thật khó khăn. Dành tất cả tình yêu thương, hy sinh cả thời gian, công sức, nhưng đôi lúc điều cô nhận lại là những đợt cào xé chảy máu, bầm người của những em học sinh chưa quen với môi trường xã hội. Nhưng đến thời điểm này, có lẽ cô H’Khuin còn thân thiết hơn cả bố mẹ ở nhà, nên các em, ai cũng dần quấn quýt, thương yêu.

Lớp học tình thương tại Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Gia Lai đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 20 cháu bé khuyết tật. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN
Lớp học tình thương tại Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Gia Lai đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 20 cháu bé khuyết tật. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Tốt nghiệp Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, năm 2012, H’Khuin được nhận vào Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh Gia Lai, dạy chữ cho các em nhỏ là nạn nhân chất độc da cam.

Nhớ những ngày đầu nhận lớp, các em thậm chí còn không nhận thức được yêu cầu vệ sinh cá nhân, vừa dạy chữ, dạy kỹ năng, cô H’Khuin còn như một bảo mẫu chăm sóc sức khỏe cho các em. Sau 7 năm miệt mài cùng sự yêu thương, nay các em đã biết viết chữ, đọc thơ, làm toán cộng trừ nhân chia những số đơn giản.

Chị Nguyễn Thị Lành có con đang theo học tại đây, chia sẻ: Con tôi đã 15 tuổi, trước đây vì thiểu năng nên không thể tự chăm sóc bản thân. Gia đình đi làm hết, gửi cháu cho cô H’Khuin nuôi dạy. Từ khi được học hành, dạy dỗ, con tôi rất tiến bộ, biết xếp đồ đạc và phụ mẹ trông em, nấu cơm.

Bà H’Ngia, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Gia Lai cho biết: "Chúng tôi gây dựng nơi đây như một mái nhà chung, là nơi tập trung những mảnh đời thiếu may mắn sau cuộc chiến tranh, không chỉ trong tỉnh và cả những tỉnh lân cận. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách chăm sóc người có công và nạn nhân chất dộc da cam trên địa bàn, những đối tượng này phần nào được xoa dịu nỗi đau mất mát. Chúng tôi cũng đang cố gắng nhờ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để chung sức chăm lo, hỗ trợ người có công, nạn nhân nhiễm chất độc da cam có cuộc sống ổn định hơn để hòa nhập với cộng đồng tốt hơn.

Chiến tranh qua đi, nhưng nỗi đau còn ở lại. Có những người hy sinh tuổi thanh xuân, gồng mình gánh chịu bom đạn, nhiễm độc trực tiếp nơi chiến trường thì cũng có những tấm lòng cao cả dành thời gian, tâm huyết để xoa dịu nỗi đau sau chiến tranh. Những nghĩa cử cao đẹp ấy cần được tôn vinh và lan tỏa trong xã hội.
Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm