Đường xuân Sín Thầu

Đường xuân Sín Thầu
Sín Thầu là xã biên giới vùng cao nằm ở cực Tây của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN
Sín Thầu là xã biên giới vùng cao nằm ở cực Tây của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) nằm ở vị trí ngã ba biên giới Việt Nam- Lào- Trung Quốc, vị trí “chóp cùng” của cực Tây Tổ quốc luôn có sức hút mạnh mẽ đối với người dân cả nước; nơi đây có 7 bản với hơn 300 hộ dân, hơn 1.340 nhân khẩu, trong đó người Hà Nhì chiếm đến 96% dân số trong tổng số 7 cộng đồng dân tộc. Đặc biệt, xã biên viễn Sín Thầu có diện tích rộng hơn 16.200ha, có 35km đường biên giáp Lào, Trung Quốc với 15 cột mốc, đây được ví là vùng đất “một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe”, có cột mốc số 0 “3 cạnh” kỳ vĩ, đẹp bậc nhất, nhì trong hệ thống các cột mốc biên giới của bán đảo Đông Dương, nằm trên đỉnh Khoan La San trong “vùng rừng lạnh” của dãy núi Pu Đen Đinh, cao hơn 1.860 mét so với mực nước biển.

Xuất phát từ thành phố Điện Biên Phủ, sau hành trình chinh phục 196km tuyến quốc lộ 12, 4H huyết mạch với vô số cung đường quanh co, uốn lượn, nhiều đèo dốc, lắm hủm sâu, vượt bao biết bao bản làng của cộng đồng các dân tộc Thái, Mông, Khơ- Mú... trên đường đi, chúng tôi đặt chân tới trung tâm huyện Mường Nhé khi trời nhá nhem tối. Chúng tôi ngủ lại ở đồn Biên phòng Mường Nhé để mau chóng lấy lại sức khỏe, nghe những câu chuyện kể đậm chất lính và được các chiến sĩ trẻ trong đơn vị chia sẻ những kinh nghiệm đi rừng, đường núi. Qua trò chuyện, các chiến sĩ đồn Biên phòng Mường Nhé đã “phác thảo” cho chúng tôi về mảnh đất này. Mảnh đất “tiền đồn, chiến lược” Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) có diện tích tự nhiên hơn 157.000ha, có hơn 110 km đường biên giới giáp Lào và Trung Quốc; cả huyện có gần 20 xã với gần 36.000 nhân khẩu, thuộc 13 dân tộc sống. Đường đến Sín Thầu sẽ đi qua các xã dọc tuyến biên giới với hành trình khoảng 80km. Thời gian chạy xe máy đến xã Sín Thầu ít nhất phải cần gần 2 giờ đồng hồ, tùy thuộc vào khả năng, kỹ năng điều khiển xe máy, sử dụng “số” xe máy để chinh phục những con dốc, đoạn cua không bị “hụt” vận tốc...

Sáng sớm, khi bản làng còn chìm trong hơi lạnh, bao bọc bởi một màu trắng của hơi nước, mây mờ, những dải mây trắng còn trườn mình, ôm ấp những dãy núi trùng điệp trước mắt, chúng tôi tạm biệt các chiến sĩ đồn Biên phòng Mường Nhé, hoàn tất hành trang, chuẩn bị nguồn lương khô, những chai nước uống dự phòng và hào hứng lên đường.

Sau khoảng 10km dọc con đường đầy hoa dã quỳ nở muộn, đi qua những bản làng bình yên, quần tụ như những chiếc bát úp nằm san sát nhau bên đường, bên lưng chừng núi, dưới thung sâu, chúng tôi cũng đến trung tâm xã Chung Chải. Đây là xã vùng cao biên giới, có diện tích tự nhiên rộng hơn 21.000ha. Toàn xã có hơn 1.130 hộ với gần 5.740 nhân khẩu thuộc 5 dân tộc sinh sống ở 15 bản; xã có gần 20 km đường biên giới tiếp giáp với nước Lào. Trước đây, xã đứng trước vô vàn khó khăn như: trình độ dân trí không đều, phong tục tập quán của người dân còn lạc hậu; sản xuất chủ yếu là tự cung, tự cấp, tỷ lệ đối nghèo cao; tình hình di dịch cư tự do diễn ra phức tạp, phá rừng trái phép là nương rẫy và tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội khác. Song, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, chung tay đoàn kết của các cấp chính quyền địa phương bằng các chính sách, chương trình dự án hỗ trợ như chương trình 135, chương trình 30a, Đề án 79, Chương trình xây dựng nông thôn mới… bản làng ở xã Chung Chải hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, khởi sắc hơn.

Ông Phùng Khừ Xá, Phó Chủ tịch UBND xã Chung Chải hồ hởi cho biết: Hiện nay, các lĩnh vực giáo dục, y tế, cải cách thủ tục hành chính, an sinh xã hội… trên địa bàn cũng có những kết quả, bước phát triển mới; toàn xã có hơn 500 ha lúa nương và lúa ruộng; gần 200 ha ngô, sắn; hơn 60ha đậu tương, lạc, khoai; gần 7ha diện tích nuôi thủy sản; gần 13.000 gia súc, gia cầm… Để có “bức tranh” sinh động đó, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã có những nhóm giải pháp để thúc đẩy kinh tế, tăng thêm thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Xã đặc biệt quan tâm đến an ninh- quốc phòng bằng việc thường xuyên phối hợp với các lực lượng đóng chân trên địa bàn để nắm chắc tình hình an ninh chính trị, xây dựng kế hoạch hiệp đồng với lực lượng biên phòng, các lực lượng khác thường xuyên tuần tra, kiểm tra tuyến biên giới, các khu vực trọng điểm trên địa bàn và khu vực giáp ranh với các xã.

Sín Thầu đang thay đổi từng ngày. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN
Sín Thầu đang thay đổi từng ngày. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Rời khu “thị tứ” khá sầm uất, là nơi nhộn nhịp nhất của xã Chung Chải với nhiều hoạt động bán buôn, trao đổi hàng hóa, nông sản và nhiều quán ăn, dịch vụ sửa chữa xe máy, chúng tôi tiếp tục hành trình.

Cái nắng và sức nóng như đổ lửa giữa buổi trưa trên con đường miền rừng hoang hoải được xoa dịu bởi những cành đào rừng đang bung nở sắc hoa phớt hồng, xuất hiện hai bên đường đi. Ở những độ cao khá nhau, con đường trước mắt chúng tôi như một dải lụa mềm, lượn mình vắt qua những dãy núi, lúc e ấp ẩn mình sau những thảm rừng xanh, rồi lại xuất hiện phía xa xa như mời gọi. Sự mệt mỏi của chúng tôi cũng nhanh chóng tan biến mỗi khi bắt gặp từng tốp người Mông đang hồ hởi dùng ngựa thồ hàng xuống chợ, chị em phụ nữ Mông khuôn mặt ửng hồng, xúng xính trong những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống, phối màu rất khéo léo, độc đáo. Dưới chân núi, những làn khói bếp bay lên từ một vài ngôi nhà của cộng đồng người Mông hòa quyện với cảnh núi đồi trùng điệp đã tạo nên một ấn tượng khó phai.

Gần 1 giờ đồng hồ mê mải, chúng tôi đã chạm cửa ngõ xã Leng Su Sìn. Tại đây chúng tôi dễ dàng cảm nhận được nhịp sống sôi động của “điểm chợ” có lợi thế gần trung tâm xã. Đón chúng tôi ngay con dốc đi vào trụ sở xã, Phó Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) Lỳ Xè Chừ cho biết, là địa bàn trọng yếu, chiến lược trên con đường biên giới cực Tây Tổ quốc, Leng Su Sìn có diện tích gần 18.000ha, đường biên giới giáp Lào dài gần 8km với 3 cột mốc giới; xã có 7 bản, hơn 530 hộ với hơn 2.500 khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm 75%, Hà Nhì chiếm hơn 22%. Những năm qua, ngoài đẩy mạnh xây dựng bản làng văn hóa bình yên với quy ước, hương ước chặt chẽ; địa phương còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển diện tích gieo trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa những giống cây con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Toàn xã hiện có hơn 530 ha lúa nước, lúa nương; hơn 50ha ngô, gần 10ha rau màu các loại; tổng đàn gia súc của xã có hơn 1.400 con, hơn 3.700 gia cầm... Đặc biệt hơn, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tăng cường thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về quốc phòng; duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu; tăng cường công tác phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới và địa bàn nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững.

Đêm ngủ lại ở Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, chúng tôi cảm nhận màn đêm của núi rừng biên giới như đậm đặc và đen hơn; cái rét của miền núi biên viễn cũng sắc và dễ khiến chân tay tê buốt hơn. Trước lúc ngủ say, chúng tôi cũng kịp nghe những chiến sĩ trong đơn vị kể những câu chuyện về truyền thống hiếu học của người Hà Nhì, về quá trình người Hà Nhì xuôi ngược những con suối để tìm đất khai hoang, lập bản rồi định cư từ hàng chục năm trước. Trong vô vàn “kỳ tích” của người Hà Nhì nơi mảnh đất biên viễn này, việc con chữ được “gieo mầm”, bén rễ và phát triển; việc người Hà Nhì biết trồng lúa nước là những “bước ngoặt” mang tính “vĩ đại” nhất. Thành công này đã có một phần đóng góp không nhỏ công, sức, trí tuệ và tình yêu thương của các chiến sĩ biên phòng đồn Biên phòng Leng Su Sìn đối với người Hà Nhì nói riêng, các cộng đồng dân tộc khác nói chung. Biểu tượng của tình quân- dân thắm thiết nơi cực Tây Tổ quốc này là hình ảnh anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ- người đã mang cái “tâm” của người lính cùng với biết bao thế hệ người lính Đồn biên phòng Leng Su Sìn với sắc xanh tỏa sáng vùng biên cương. Hơn một nửa thế kỷ trôi qua, trong tim mỗi người dân Hà Nhì nơi ngã ba biên giới vẫn khắc ghi vẹn nguyên những hình ảnh, tình cảm về người anh hùng cách mạng Trần Văn Thọ- người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước và cho quê hương Điện Biên nói chung, miền đất cực Tây nói riêng.

Bình minh của vùng đất ngã ba biên giới Sín Thầu nay đã khoác một diện mạo mới. Già làng bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) Pờ Á Sinh chia sẻ, người Hà Nhì (còn có tên gọi khác như U Ní, Xá U Ní) sinh sống tại 4 xã vùng giáp biên của huyện Mường Nhé là Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn, thuộc hai nhóm Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Cồ Chồ. Từ những năm 1967- 1968, người Hà Nhì đã tìm đến vùng đất ngã ba biên này, ngược xuôi dòng Mo Pí để tìm đất lập cư, định bản. Cho đến năm 1970, những bản làng đầu tiên như Tả Kố Khừ, Tá Miếu, Pờ Nhù Khồ được lập nên, rồi đến các bản Tả Kố Ky, Tá Sú Lình, Lỳ Mà Tá…

Ký ức về cuộc sống khó khăn của bản làng những ngày đầu mới thành lập được già làng Pờ Á Sinh nhớ lại: Hồi đó, dòng Mo Pí cho tôm cá nhiều lắm, nhưng người dân chưa biết đến phương thức đánh bắt như bây giờ; giao thông đi lại rất khó khăn, từ bản này sang bản khác phải cắt rừng mà đi, mất cả ngày đường mới tới; rừng thiêng nước độc, mỗi khi có người ốm đau thì phải cõng, khiêng ra tận trung tâm Mường Nhé. Đêm, bản làng chìm trong màn đêm và hơi lạnh, đâu đó chỉ leo lét một vài ánh đèn dầu hắt hiu rồi mọi nhà mau chóng đóng cửa cài then để tránh nạn thổ phỉ và thú rừng. Bây giờ thì bản làng đã khác rồi, đường sá đi lại thuận lợi, hàng hóa được thông thương, trao đổi, con cháu được học hành đàng hoàng, cái đói cái nghèo không còn đeo bám dân bản nữa; cuộc sống hôm nay ai cũng cảm thấy phấn khởi, sung sướng.

Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu Pờ Chinh Phạ cho biết: Có được kết quả hôm nay, là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền đã cụ thể hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Những chương trình trọng điểm như 30a, 135, xây dựng nông thôn mới ngày càng phát huy hiệu quả. Điều đặc biệt ở vùng đất biên viễn Sín Thầu, người dân luôn đoàn kết, gắn bó, mỗi người dân luôn ý thức được bản thân là “cột mốc sống” trong việc gìn giữ an ninh biên giới, tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền lãnh thổ biên giới.

Theo ông Pờ Chinh Phạ, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, mảnh đất biên viễn này là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, nơi đây là “thủ phủ” của dân tộc Hà Nhì- một trong 19 cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên và là một bộ phận hợp thành nên 54 dân tộc anh em của cả nước. Trải qua hàng chục năm phát triển, người Hà Nhì nơi đây vẫn giữ được những sắc thái văn hóa độc đáo của dân tộc qua đời sống sinh họat hằng ngày và qua các lễ hội đang được bảo tồn, trao truyền qua các thế hệ, như: Lễ tết tháng 2 (Gạ ma thú); lễ cầu mưa; lễ cúng rừng... Đặc biệt, tết Khù Sự Chà (còn có tên gọi khác “Hồ Sự Chà”- tết cơm mới) là tết cổ truyền có không gian gian hóa đặc sắc nhất của người Hà Nhì diễn ra vào tháng 12 hằng năm. Người Hà Nhì rất trọng tình, mến khách.

Ông Pờ Chinh Phạ cho biết thêm, hiện toàn xã có gần hơn 5.3000 con gia súc, gia cầm, hơn 7ha diện tích nuôi trồng thủy sản; tổng lương thực bình quân đầu người của xã đạt hơn 400kg/người/năm; thu nhập bình quân của bà con đạt gần 30 triệu đồng/năm;7/7 bản đã có y tế bản, cô đỡ thôn bản; xã đạt gần 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ký ức về xã “bốn không” (đường, điện, trường, trạm) đã được xóa bỏ, nhiều năm qua Sín Thầu tự hào bởi có thành tích “4 không” khác mà khó xã nào trong huyện Mường Nhé có được: là xã duy nhất trong huyện không có người nghiện, không có tình trạng phá rừng, không di dịch cư tự do và không tuyên truyền đạo trái phép.

 Tuy nhiên, cái tạo nên “sức hút” của vùng Sín Thầu đối với mọi người dân cả nước chính bởi nơi đây: Mặt trời lặn sau cùng trên đất Việt, điểm cực Tây Tổ quốc nằm ở A Pa Chải (xã Sín Thầu), vùng đất “một tiếng gà gáy, ba nước Việt- Trung- Lào cùng nghe”; Cột mốc số 0 “3 cạnh” nằm ở độ cao hơn 1.860 mét so với mực nước biển, trên đỉnh Khoan La San của dãy núi Pu Đen Đinh là nơi phân định ranh giới, cương thổ của 3 nước Việt Nam- Lào- Trung Quốc.

Để chạm tay được vào cột mốc số 0, từ bản Tá Miếu, phải chinh phục được con đường mòn trong “khu rừng lạnh” với 3 đỉnh núi cao ngất, 2 vùng “yên ngựa” phủ kín bởi những tràng cỏ, lau lách cao quá đầu người và những km luồn mình dưới đại ngàn thâm u, ẩm ướt với những tảng đá sắc lẹm, trơn trượt án ngữ lối đi. Hành trình đến khi nhìn thấy các bản Tả Kố Khừ, Tá Miếu, Lỳ Mà Tá... dưới núi mờ nhòa do hơi nước bủa vây là lúc sắp vỡ òa cảm xúc vì được chạm tay vào mốc 0. Hành trình chinh phục mốc 0 ít nhất cần đến hơn 3 giờ leo núi, rất vất vả, nhưng bù lại người chinh phục sẽ được hòa vào không gian tuyệt đẹp của cánh rừng già với những cây cổ thụ có rêu mốc, cây ký sinh bám đầy gốc, cành, ngọn như được ướp trong mây mù từ thời thượng cổ; kỳ hoa dị thảo muôn sắc, đa dạng hình thù cũng xuất hiện trên đường đi. Cột mốc số 0 là mốc đại, làm bằng đá hoa cương, có chiều cao 2 m, hình khối tam giác đặt trên trụ hình lục lăng với ba mặt quay về hướng ba quốc gia Việt Nam – Lào - Trung Quốc. Trên mỗi mặt có hình Quốc huy của quốc gia đó, tên quốc gia bằng chữ viết riêng và năm đặt cột mốc - năm 2005”.

Đến Sín Thầu dịp xuân, được hòa mình vào không gian văn hóa trong những lễ hội, trò chơi dân gian đậm sắc màu truyền thống của những cộng cư sinh sống trên địa bàn; được ngắm cảnh núi rừng tắm đẫm sương đêm uy nghi và trầm mặc; được trải nghiêm không gian sinh sống của đồng bào vùng cao trọng tình, mến khách; chứng kiến sự đổi thay của vùng biên cương và chạm tay vào mốc số 0, nghe câu chuyện về người Hà Nhì bảo vệ đường biên, cột mốc, chúng tôi càng thêm yêu mảnh đất Cực Tây miền biên viễn của Tổ quốc hơn.
          Văn Dũng- Hải An

Có thể bạn quan tâm