Đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến hộ nghèo

Đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến hộ nghèo
Gia đình bà Nguyễn Thị Thơm trồng cây na thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
Gia đình bà Nguyễn Thị Thơm trồng cây na thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN

Tiếp sức cho hộ nghèo

Gia đình anh Lương Văn Man, thôn Phân Lân Hạ, xã Đạo Trù huyện Tam Đảo trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2009, được vay 15 triệu đồng được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đảo, anh Man mua một một con bò sinh sản về chăn nuôi. Sau khi thoát nghèo, năm 2012, anh Man tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng và năm 2014 anh được vay 50 triệu đồng. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi , đến nay, gia đình anh Man đã có trang trại chăn nuôi thỏ với quy mô nuôi 1.000 con thỏ, thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/năm. Trang trại của gia đình anh Man còn giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức  lương bình quân 4,5 triệu đồng/ người/tháng và 6 lao động thời vụ.

Tại thôn Đồng Bụt, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, gia đình anh Chu Văn Dương là một trong những trường hợp thoát nghèo tiêu biểu. Năm 2010, được vay 40 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, gia đình anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà và quy hoạch trồng cây na dai. Hiện nay, ngoài hai trang trại chăn nuôi với hơn 6.000 con gà, gia đình anh Dương trồng 700 gốc na dai đã cho thu hoạch. Trừ chi phí mỗi năm, gia đình anh thu lãi gần 300 triệu đồng. Thu nhập của gia đình được nâng lên, anh Dương còn thường xuyên giúp đỡ các hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn trong xã vươn lên thoát nghèo.

Ông Triệu Quang Trí, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đảo cho biết: Tính đến cuối tháng 9 năm 2018, tổng dư nợ trên địa bàn huyện là trên 399 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an ninh xã hội trên địa bàn huyện Tam Đảo.

Phát huy hiệu quả đồng vốn

Ông Tạ Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Hiện, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 2.440 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 137 điểm giao dịch cấp xã, phường, thị trấn; thực hiện ủy thác cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị xã hội. Việc triển khai, quản lý vốn vay giải quyết việc làm được thực hiện chặt chẽ ngay từ cơ sở. Các thôn, xóm tổ chức họp bình xét đối tượng vay vốn. Quá trình quản lý vốn vay có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền. Định kỳ hằng tháng, hằng quý, cán bộ Ngân hàng kiểm tra tình hình vốn cho vay, tăng cường công tác thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn vay để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, để giúp các hộ dân hình thành thói quen tiết kiệm, tích lũy vốn, tái đầu tư sản xuất, Ngân hàng đã tổ chức huy động vốn trong dân thông qua các tổ Tiết kiệm và vay vốn. Thông qua việc lập hợp đồng tiết kiệm, thu nhỏ lẻ theo cùng kỳ với việc thu lãi, các tổ vay vốn này đã giúp các hộ trả dần nợ lãi vay, giảm bớt gánh nặng trả nợ.

Người dân đến thực hiện giao dịch với Ngân hàng chính sách xã hội tại xã Bồ Lý (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
Người dân đến thực hiện giao dịch với Ngân hàng chính sách xã hội tại xã Bồ Lý (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN

Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục theo quy định, duy trì và nâng cao chất lượng giao dịch xã cố định hàng tháng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Cùng với đó, đơn vị chỉ đạo các Phòng Giao dịch cấp huyện cử cán bộ tín dụng đến từng thôn, xóm kết hợp với cán bộ ở cơ sở thực hiện “gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nắm rõ danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; từ đó, chủ động xây dựng phương án giải ngân phù hợp với từng giai đoạn, từng địa phương, từng đối tượng.

Ông Tạ Ngọc Thảo cho biết thêm, khi tham gia vay vốn, người nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn được tiếp cận những cách thức sản xuất kinh doanh, cách thức sử dụng vốn vay sao cho đạt hiệu quả cao nhất nhờ các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau từ các thành viên trong tổ.

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng. Sau hơn 15 năm hoạt động, đến nay tổng nguồn vốn của ngân hàng đạt trên 2.266 tỷ đồng, tăng 18 lần so với khi mới thành lập năm 2002. Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp hơn 142.000 lượt hộ nghèo, hơn 17.000 lượt hộ cận nghèo, gần 6.000 lượt hộ mới thoát nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2017 xuống còn 2,93%.

Nguyễn Thị Thảo

Có thể bạn quan tâm