:

Dự án "Mở đường đến tương lai" - Nguồn đào tạo nữ trí thức trẻ dân tộc thiểu số

Dự án "Mở đường đến tương lai" - Nguồn đào tạo nữ trí thức trẻ dân tộc thiểu số
Quỹ làm thay đổi cuộc đời các em Quỹ học bổng Vừ A Dính được thành lập năm 1999, mang tên Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Vừ A Dính. Sau 20 năm hoạt động, Quỹ đã trao trên 80.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có tinh thần hiếu học, rèn luyện tốt. Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính cho biết, dự án "Mở đường đến tương lai" do Quỹ học bổng Vừ A Dính phối hợp với Tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) cấp học bổng 7 năm học (3 năm Trung học Phổ thông và 4 năm Đại học) cho 100 nữ sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích học tập tốt. Tổng giá trị học bổng dành cho mỗi nữ sinh lên đến hơn 220 triệu đồng. Theo bà Trương Mỹ Hoa, từ những nữ sinh rụt rè, nhút nhát ngày nào, các em nay đều đã trưởng thành, bản lĩnh, trình độ nhận thức xã hội được nâng cao. Các em đã có được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và sự nghiệp sau này. Dù mỗi em có ước mơ và định hướng phát triển riêng nhưng hầu hết các nữ sinh có nguyện vọng trở về đóng góp cho sự phát triển của dân tộc mình.
B Nước Thị Diễm (dân tộc Cơ tu, Quảng Nam) tham gia lễ phát động chung tay giảm thải sử dụng túi ni lông của Công sở Hội An. Ảnh: TTXVN phát
B Nước Thị Diễm (dân tộc Cơ tu, Quảng Nam) tham gia lễ phát động chung tay giảm thải sử dụng túi ni lông của Công sở Hội An. Ảnh: TTXVN phát
Từ năm 2010 đến nay, dự án đã tài trợ cho 96 nữ sinh, trong đó 46 em của giai đoạn 1 (2009-2010) đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng (62% có việc làm). Đặc biệt, em Lý Ngọc Huệ (dân tộc Hoa, Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên Đại học Nông Lâm) tốt nghiệp loại xuất sắc. Hai em Mã Thị Chanh, Hoàng Thị Tâm (dân tộc Nùng, tỉnh Lạng Sơn) vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Giai đoạn 2 (2017-2024), dự án hỗ trợ 50 nữ sinh của 23 dân tộc thiểu số từ 26 tỉnh, hầu hết đạt học lực giỏi, khá trong năm học 2018-2019. Nổi bật là em Tô Thị Như Ý (dân tộc Khmer, Sóc Trăng) đạt điểm trung bình 9.0 và giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học. Em Nguyễn Thị Mùi (dân tộc Tày, Thái Nguyên) đạt học sinh giỏi và giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Em B Nước Thị Diễm (dân tộc Cơ Tu, Quảng Nam) đoạt Huy chương Bạc Olympic tiếng Anh cấp tỉnh. Nữ sinh Nguyễn Thị Mùi (dân tộc Tày, Thái Nguyên) chia sẻ, gia đình em có 5 người, cuộc sống rât khó khăn. Khi học hết lớp 9, Mùi được cô giáo giới thiệu tham gia phỏng vấn nhận học bổng Vừ A Dính. Em là một trong 50 nữ sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn may mắn được nhận học bổng này. Năm học vừa qua, học kỳ I, em đạt loại khá. Định hướng nghề tương lai, Mùi cho hay sẽ nỗ lực học giỏi tiếng Anh để đi du học, sau này trở về đóng góp cho quê hương. Em B Nước Thị Diễm (dân tộc Cơ Tu, Quảng Nam) cho biết, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bốn thành viên, hoàn cảnh rất khó khăn. Do vậy, em đã nỗ lực vươn lên, học giỏi nhiều năm liền và đoạt các giải thưởng do Trường Trung học Cơ sở dân tộc nội trú huyện Nam Giang tổ chức. Đến năm học lớp 9, nhờ sự quan tâm sâu sắc của thầy cô giáo và thành tích học tập tốt, em được nhà trường giới thiệu đăng ký nhận học bổng Vừ A Dính. Đây là vinh dự, niềm tự hào của em và gia đình. Nhờ có học bổng, em được tiếp tục đến trường, không phải bỏ học để đi làm phụ giúp gia đình và thoát được hủ tục tảo hôn của người Cơ tu, em Diễm cho hay.Những “quả ngọt” Nữ sinh Vàng Thị Hơn, người La Chí (Hà Giang) cho biết, em sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Xín Mần, huyện nghèo của tỉnh Hà Giang. Đối mặt với nguy cơ bỏ học cao, Vàng Thị Hơn may mắn nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang vào tháng 8/2009. Đến tháng 5/2010, em tiếp tục được nhận hỗ trợ từ Quỹ học bổng Vừ A Dính. Nhờ đó, Vàng Thị Hơn đã tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Phú Thọ loại giỏi và trở về công tác trong ngành Y tế địa phương từ năm 2017.
Vàng Thị Hơn, người dân tộc La Chí (Hà Giang) khám bệnh cho đồng bào tại bệnh viện huyện Xín Mần (Hà Giang). Ảnh: TTXVN phát
Vàng Thị Hơn, người dân tộc La Chí (Hà Giang) khám bệnh cho đồng bào tại bệnh viện huyện Xín Mần (Hà Giang). Ảnh: TTXVN phát
Vàng Thị Hơn chia sẻ, dù có nhiều điều kiện để làm việc tại các thành phố lớn, nhưng em quyết định trở về công tác ở địa phương để chăm sóc sức khỏe cho bố mẹ, người dân. Em Palăng Thị Hải Yến, dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam) lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện miền núi Tây Giang. Từ khi nhận được học bổng Vừ A Dính, Hải Yến yên tâm học tập và tốt nghiệp Đại học Huế, ngành Luật kinh tế. Hiện nay, Hải Yến đã trở về làm việc tại Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tây Giang. Đánh giá về hiệu quả dự án “Mở đường đến tương lai”, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cho biết, dự án đã đi vào chiều sâu, mang lại kết quả, hiệu ứng tốt. Nhiều nữ sinh dân tộc thiểu số tham gia dự án ở giai đoạn I đến nay đã trở thành những nữ trí thức trẻ, có năng lực vững vàng, trở về giúp đỡ bản làng và dân tộc mình ngày càng phát triển hơn. Hội Phụ nữ các cấp rất cần những cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số. Đây chính là nguồn lực mà Hội có thể sử dụng được. Theo bà Trương Mỹ Hoa, trong giai đoạn ưu tiên thực hiện bình đẳng giới, dự án mang lại kết quả cụ thể, đồng thời, đây cũng chính là nguồn đào tạo lực lượng trí thức trẻ người dân tộc là phụ nữ cho các vùng xa xôi, hẻo lánh. Đặc biệt, dự án đã giúp khoảng 50% nữ sinh dân tộc thoát khỏi hủ tục tảo hôn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng đi lấy chồng sớm.
Hoàng Hải

Có thể bạn quan tâm