Đồng Tháp tích cực phòng chống sạt lở bờ sông

Đồng Tháp tích cực phòng chống sạt lở bờ sông
Sạt lở nghiêm trọng “nuốt chửng” 5 ngôi nhà tại ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Sạt lở nghiêm trọng “nuốt chửng” 5 ngôi nhà tại ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Ông Huỳnh Văn Nguyên - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi Trường tỉnh Đồng Tháp cho biết: Để bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu trong tỉnh, Đồng Tháp ưu tiên phân bổ vốn thực hiện nhiều dự án trọng điểm có mục tiêu như: Nâng cấp hệ thống đê kè chống sạt lở bảo vệ các khu dân cư;  dự án Phòng chống sạt lở sông để bảo vệ dân cư tại các khu vực xung yếu xã An Hiệp, huyện Châu Thành với tổng kinh phí 175 tỉ đồng, được thực hiện từ năm 2017-2020; tiểu dự án Kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự từ nguốn vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với kinh phí 271 tỉ đồng; dự án Nâng cấp tuyến đê bao, kè chống sạt lở, xây dựng hệ thống cống dọc sông Tiền, thành phố Cao Lãnh hơn 800 tỉ đồng (giai đoạn 2016-2020)...

Ngoài các dự án phòng chống sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu tỉnh Đồng Tháp còn có các giải pháp là các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án ứng phó cụ thể cho từng khu vực đang sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở . Phương án phải bám sát theo phương châm “Bốn tại chỗ” và yêu cầu “Ba sẵn sàng”. Lực lượng chức năng theo dõi sát tình hình sạt lở, cắm biển báo và thông tin tuyên truyền để nhân dân biết chủ động phòng tránh; vận động và hỗ trợ các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm di dời nhà cửa, cơ sở sản xuất kinh doanh đến nơi an toàn; ứng phó kịp thời và khắc phục nhanh các hậu quả do sạt lở gây ra; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực xảy ra sạt lở. Ngoài các cụm tuyến dân cư đã thực hiện ở giai đoạn 2, tỉnh tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng thêm các cụm tuyến dân cư phục vụ tái định cư các hộ dân vùng sạt lở mới phát sinh; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè chống xói lở đã có quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức nạo vét các bãi bồi để tăng diện tích mặt cắt ướt lòng dẫn, giảm tốc độ dòng chảy; tăng cường công tác, quản lý, kiểm tra, giám sát việc khai thác cát sông, đặc biệt tại các khu vực đang diễn ra sạt lở nghiêm trọng. Việc khai thác cát, nạo vét công trình thủy lợi, sông, kênh, rạch được thực hiện đảm bảo chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở bờ. Dự án “Đo đạc, giám sát đánh giá ổn định bờ sông Tiền và thiết lập hành lang sạt lở tại khư vực đông dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” được nhanh chóng hoàn thành.

Ghi nhận từ cơ quan chức năng, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ngày càng nhiều và nguy hiểm, số lượng các điểm sạt lở tăng, vành đai sạt lở mở rộng (đặc biệt là bờ sông Tiền thời gian qua có nhiều điểm sạt lở nguy hiểm) gây thiệt hại lớn; ước tính mỗi năm tỉnh Đồng Tháp mất từ 30 đến 50 ha đất ven sông do tình trạng sạt lở gây ra. Đặc biệt từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu, nhất là tại các huyện Thanh Bình, Hồng Ngự.

Ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp ghi nhận: Trong năm 2018 đã xảy ra 49 vụ sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu tại 21 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố, với tổng chiều dài sạt lở 28,5 km; diện tích sạt lở hơn 17 ha làm thiệt hại hơn 40 tỉ đồng, Tỉnh đã vận động và hỗ trợ 343 hộ trong vùng sạt lở nguy hiểm di dời đến nơi an toàn, còn 6.014 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn. Hiện nay hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu có 85 điểm đang sạt lở và nguy cơ sạt lở.
Nguyễn Văn Trí

Có thể bạn quan tâm