Đồng Tháp chọn hoa, cây cảnh là ngành hàng chủ lực

Đồng Tháp chọn hoa, cây cảnh là ngành hàng chủ lực
Người dân phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc chăm sóc hoa,cây cảnh. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Người dân phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc chăm sóc hoa,cây cảnh.
Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Hoa, cây cảnh là mặt hàng chủ lực Trồng hoa, cây cảnh đã trở thành nghề truyền thống của người dân Sa Đéc. Đây là một trong ba vùng sản xuất hoa nổi tiếng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, Sa Đéc có hơn 500 ha sản xuất hoa cảnh với hơn 2.300 hộ dân sống bằng ngành nghề này. Theo ước tính của phòng Kinh tế Sa Đéc, năm 2017, giá trị sản xuất hoa cảnh hơn 1.450 tỷ đồng, chiếm 76% giá trị sản xuất ngành trồng trọt, chiếm 61,4% so với giá trị nông, lâm thuỷ sản trên địa bàn thành phố. Thành phố Sa Đéc cung cấp hơn 2.500 chủng loại hoa, cây cảnh quanh năm cho nhiều vùng trong cả nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia và Trung Quốc,...  Đó là các loại hoa chủ lực như hồng, cúc, vạn thọ... hoa cắt cành, cây trang trí nội thất, trang trí công trình đô thị. Bên cạnh các loại hoa, cây cảnh truyền thống hàng năm, gần đây còn xuất hiện nhiều loại hoa mới có nguồn gốc từ ôn đới như thạch thảo, ly, hoa chuông (tiểu la lan), hồng leo,... Để phục vụ thị trường Tết Mậu Tuất 2018, nhiều loại hoa mới “lạ” và “độc” như dưa kiểng PePiNo (dưa hấu Nam Mỹ), cúc đại đoá,...  cùng các chủng loại có kích thước "mini" như hướng dương, cúc đồng tiền,... Đây chính là nét mới tại làng hoa, cây cảnh Sa Đéc nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu trang trí của người dân trong dịp tết đến, xuân về. Ông Đỗ Văn Thậm, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Sa Đéc cho biết, việc sản xuất hoa, cây cảnh Sa Đéc trong 5 năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học, cấy mô, xử lý ra hoa, sâu bệnh và bảo quản sau thu hoạch từng bước được ứng dụng rộng rãi. Nhờ đó, chất lượng hoa, cây cảnh cũng dần được cải thiện. Theo ông Thậm, sản xuất nông nghiệp nói chung, ngành hàng hoa, cây cảnh nói riêng có ứng dụng công nghệ cao là một xu hướng tất yếu. Khi đó, người dân không chỉ được hỗ trợ kiến thức kỹ thuật ươm trồng, bảo quản và vận chuyển hoa, cây theo mô hình của nước tiên tiến, mà còn được tiếp cận các nguồn giống chất lượng cao và hệ thống logictics trong phân phối, tiêu thụ. Qua đó, giúp nâng cao giá trị hoa, cây cảnh trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Ông Phạm Hữu Phước, Giám đốc trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp bày tỏ, năm 2017, Trung tâm cung ứng gần 400.000 cây giống cấy mô, cao gấp 20 lần so với năm 2008. Ưu điểm giống cấy mô ít bệnh, cây sinh trưởng nhanh, có khả năng chống sâu bệnh, hoa trổ đồng loạt, kích thước đồng đều. Vì thế, chất lượng hoa được cải thiện, người dân tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận. Mục tiêu đến năm 2020, đơn vị sẽ sản xuất từ 1 - 2 triệu cây/năm để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người trồng hoa cảnh. Mặt khác, từ năm 2013 đến nay, công nghệ nhà màng, nhà lưới với hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun, quạt đối lưu,... đã, đang được đầu tư phục vụ cho sản xuất ngành hàng hoa cảnh theo hướng công nghệ cao. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Sa Đéc có 1 đơn vị nhà nước, 3 doanh nghiệp tư nhân cùng hàng loạt cơ sở sản xuất hoa cảnh nhỏ lẻ đã đầu tư hình thức công nghệ nhà màn, nhà lưới này. Sau 6 tháng áp dụng công nghệ nhà màng trên diện tích 300 m2 với chi phí gần 85 triệu và 3 năm sử dụng 1.500 m2 nhà lưới, anh Nguyễn Hữu Khanh, chủ cơ sở sản xuất hoa, cây  cảnh Hữu Khanh tại xã Tân Khánh Đông nói, mặc dù so với nhà lưới, tổng mức đầu tư nhà màng cao gấp 5 - 7 lần, song về lợi thế thì vượt trội hơn hẳn. Trồng cây trong nhà màng, nông dân trồng có thể ngăn mưa, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng,... Nhờ đó, người trồng chủ động xử lý ra hoa đúng thời điểm, cây được cách ly nên giảm được sâu bệnh, thuốc hoá học, mang lại sản phẩm chất lượng và chi phí sản xuất thấp. Loại hình công nghệ này thích hợp với các loại cây trồng khó tính và chịu mát: cúc đồng tiền, thược dược, ly, cát tường... Thời gian tới, theo định hướng quy hoạch phát triển bền vững và lâu dài, với nguồn lực sẵn có, chính quyền và người dân Sa Đéc sẽ từng bước hình thành vùng nguyên liệu hoa để chiết xuất tinh dầu, ẩm thực, dược phẩm, mỹ phẩm từ hoa nguồn hoa bản địa. Hướng đi này sẽ góp phần khẳng định chất lượng đặc trưng và nâng tầm giá trị của hoa, cây cảnh Sa Đéc.Gắn kết sản xuất với phát triển du lịch Năm 2014, làng hoa Sa Đéc được bình chọn là một trong 10 làng hoa được yêu thích nhất Việt Nam. Hiện tại, làng hoa kiểng Sa Đéc là một trong 6 điểm du lịch trọng điểm của tỉnh theo Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020. Ông Võ Thanh Tùng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Sa Đéc nói, tư duy gắn kết sản xuất tập trung quy mô, chất lượng cao với phát triển tiềm năng du lịch là bước đi chủ động trong lộ trình xây dựng điểm nhấn và quảng bá hình ảnh làng hoa, cây cảnh Sa Đéc. Với mục tiêu mang đến cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống của người nông dân trồng hoa tại làng hoa Sa Đéc, đầu năm 2017 việc hình thành du lịch homestay trên địa bàn thành phố đã tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia phát triển du lịch, nhất là người dân trồng hoa cây cảnh. Đến thời điểm hiện tại, mô hình tham quan du lịch homestay ngôi nhà hoa ếch (phường Tây Quy Đông), ngôi nhà Tre (Tân Khánh Đông),... đã góp phần nâng cao thu nhập ngoài sản xuất hoa, cây cảnh. Qua đó giới thiệu thêm về cảnh quan thiên nhiên, con người và tiềm năng phát triển du lịch của địa phương. Ngoài ra, địa phương sẽ kết hợp phát triển du lịch 3 làng nghề gồm hoa – cây cảnh, bột, lúa - gạo…hình thành điểm đến mang đặc trưng của vùng đất bên dòng Sa giang. Qua đó quảng bá các sản phẩm truyền thống sẵn có của Sa Đéc đến khách du lịch trong và ngoài nước. Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, trên địa bàn thành phố Sa Đéc hiện có 2 di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia là nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê, chùa Kiến An Cung và các di tích văn hoá lịch sử cấp tỉnh. Để phát triển mang tính chiều sâu, làng hoa Sa Đéc cần được tăng cường kết nối với các điểm du lịch đặc trưng tại địa phương và các tour tuyến như Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thành phố Cao Lãnh), làng chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò), Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông), Khu di tích Xẻo Quýt (huyện Cao Lãnh),... Theo phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, điều quan trọng là phải thường xuyên trùng tu, tôn tạo các điểm du lịch kết nối, hình thành các nét riêng tại mỗi điểm dừng chân; nâng cao dần chất lượng phục vụ theo hướng chuyên nghiệp. Đồng thời, phải giúp người dân hiểu và ý thức biện pháp bảo vệ môi trường từ khâu trồng đến chăm sóc, bảo quản các công trình, hạn chế những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch để du lịch phát triển bền vững. Hoa, cây cảnh được xem là lợi thế riêng của thành phố Sa Đéc, là một ngành hàng mang nhiều tiềm lực kinh tế của Đồng Tháp. Với nền tảng vững chắc và lợi thế tiềm năng sẵn có, thành phố Sa Đéc được kỳ vọng sẽ trở thành “thành phố hoa” tại thủ phủ đất sen hồng trong tương lai và là một trong những đầu tàu kinh tế quan trọng, tạo đà để phát triển cho ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh nhà.

Chương Đài

Có thể bạn quan tâm