Đồng Nai phát triển mô hình “Phòng sinh gia đình”

Đồng Nai phát triển mô hình “Phòng sinh gia đình”
Nhân viên y tế tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Nhân viên y tế tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Sinh nở là việc trọng đại trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ. Người mẹ phải chịu nhiều đau đớn trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày để hạ sinh đứa trẻ. Vì vậy, tâm lý chung của các thai phụ khi lên bàn sinh là muốn có người thân, đặc biệt là chồng bên cạnh để động viên, an ủi, chia sẻ sự đau đớn với mình trong lúc “vượt cạn”. Thấu hiểu được những lo lắng, sợ hãi của sản phụ trong quá trình vượt cạn, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đã lên ý tưởng xây dựng phòng sinh với không gian gần gũi tạo cảm giác thoải mái, an toàn cho sản phụ trong quá trình sinh nở.

Phòng sinh gia đình được sử dụng cho những sản phụ sinh thường, khi sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ, Bệnh viện sẽ tư vấn để sản phụ sử dụng dịch vụ này. Điểm khác biệt so với phòng sinh truyền thống là sản phụ sẽ được sinh con trong 1 phòng riêng biệt có bác sĩ chuyên gia và hộ sinh theo dõi liên tục từ đầu cho tới khi sinh con an toàn, hướng dẫn cho mẹ cách chăm sóc bé, cách cho con bú như thế nào... Đặc biệt, người thân của sản phụ sẽ được vào phòng sinh, ở bên cạnh, động viên tinh thần cho sản phụ cùng với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh của Bệnh viện.

Theo bác sĩ Phan Văn Huyên, mỗi "Phòng sinh gia đình" được bố trí không gian thoáng mát, có đầy đủ tiện nghi như một phòng ở gia đình. Bàn sinh hiện đại, sạch sẽ, kín đáo, bảo đảm tính riêng tư; có bàn ghế thư giãn với trà, mứt gừng, hoa tươi; mùi xông phòng thơm dịu nhẹ từ hương thơm của tinh dầu thiên nhiên và nhạc nhẹ.

Bác sĩ Phan Văn Huyên cho biết, "Phòng sinh gia đình" từ khi bắt đầu được triển khai tại Bệnh viện đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân, rất nhiều gia đình đã đăng ký và sử dụng dịch vụ. Phòng sinh gia đình không chỉ mang ý nghĩa về mặt y tế là có sự chăm sóc tận tình, theo dõi sát để không xảy ra những tai biến cho sản phụ, mà còn mang nhiều ý nghĩa về mặt nhân văn như khi cho người thân, gia đình của sản phụ vào phòng sinh sẽ làm cho sản phụ yên tâm hơn, bớt sợ hãi vì có người thân luôn bên cạnh. Đặc biệt là để người chồng thấy được sự vượt cạn của phụ nữ rất khó khăn, đau đớn để sau này yêu thương vợ mình nhiều hơn.

Đây được xem là một mô hình dịch vụ y tế tốt đưa tới sự hài lòng đối với người bệnh. Dịch vụ này mong muốn các sản phụ an tâm hơn trong quá trình sinh nở; đồng thời để chồng, người thân hiểu được quá trình “vượt cạn” khó khăn của người phụ nữ, chia sẻ nhiều hơn, kể cả lúc sinh và sau sinh, cũng như trong cuộc sống thường ngày.
Lê Xuân

Có thể bạn quan tâm