Động lực thúc đẩy nông dân thoát nghèo

Động lực thúc đẩy nông dân thoát nghèo
Nhiều hộ nông dân xã Vũ Nông (Nguyên Bình) trồng cây trúc sào đem lại hiệu quả kinh tế
Nhiều hộ nông dân xã Vũ Nông (Nguyên Bình)
trồng cây trúc sào đem lại hiệu quả kinh tế
Hội Nông dân tỉnh tập trung triển khai các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, tổ chức lớp học hiện trường ứng dụng các tiến độ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiếp cận với nguồn vốn vay..., đem lại hiệu quả thiết thực. Trong năm 2015, các cấp Hội phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 29.233 lượt hội viên, nông dân; hướng dẫn, xây dựng 48 mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới và bảo vệ môi trường ở nông thôn. Hỗ trợ 18 hộ nghèo 189 triệu đồng để tu sửa chuồng trại và mua 18 con bò cái sinh sản. Các cấp Hội đang quản lý 848 tổ Tiết kiệm và vay vốn, với 22.700 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay, với tổng dư nợ trên 640 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 4.844 lượt người vay, tổng dư nợ trên 158 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh đã vận động Quỹ “Hỗ trợ nông dân” được 3 tỷ 326 triệu đồng. Từ nguồn vận động cấp huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, cho 2.151 hộ vay thực hiện 546 dự án. Nguồn vốn Trung ương ủy thác 5 tỷ 760 triệu đồng, cho vay thực hiện 15 mô hình, dự án. Nguồn Quỹ cấp tỉnh đang đầu tư xây dựng 24 mô hình, dự án với số vốn 4 tỷ 130 triệu đồng, 263 hộ vay. Hằng năm, Hội Nông dân các địa phương tham gia ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp tỉnh cung ứng cho hội viên, nông dân vay phân bón với phương thức chậm trả. Năm 2015 đã cho nông dân vay 1.034 tấn phân bón các loại, trị giá 6 tỷ 300 triệu đồng.

Từ năm 2013 đến nay, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng 4 mô hình dự án giảm nghèo tại 4 huyện, với kinh phí 2 tỷ đồng, trong đó, đầu tư 1 tỷ đồng triển khai 2 dự án phát triển chăn nuôi dê và nuôi bò sinh sản tại 2 xã Nam Quang (Bảo Lâm), Hồng Trị (Bảo Lạc); mô hình trồng cây thanh long tại huyện Nguyên Bình với kinh phí 1 tỷ đồng... Chỉ đạo các cấp Hội phối hợp xây dựng mỗi năm hơn 100 mô hình phát triển kinh tế gia đình; Hội Nông dân tỉnh xây dựng mỗi năm trên 10 mô hình, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tham quan, học tập để vận dụng vào phát triển sản xuất có hiệu quả. 

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạch An Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: Hưởng ứng phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, nông dân các xã, thị trấn đã đổi mới phương thức sản xuất, mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng nhiều mô hình kinh tế phù hợp với thế mạnh của từng địa phương. Đến nay, huyện đã thành lập 50 tổ Tiết kiệm và vay vốn với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện có tổng dư nợ trên 44 tỷ đồng cho 1.634 hộ vay; thành lập 39 tổ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với 477 hộ vay, tổng dư nợ trên 11 tỷ 100 triệu đồng. Hội đang quản lý trên 2 tỷ 170 triệu đồng nguồn Quỹ “Hỗ trợ nông dân”. Đã đầu tư cho 16 dự án tại 16 xã, thị trấn với 226 hộ nông dân vay hỗ trợ mua giống, vật nuôi, cây trồng; cho vay 5 dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản; 1 dự án chăn nuôi lợn nái tại xã Lê Lai; mô hình phát triển lợn nái sinh sản tại xã Đức Xuân... Từ việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, năm 2015 trên địa bàn huyện đã có 1.656/2.097 hộ nông dân đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp.

Từ các chương trình hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, bộ mặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng đổi mới và phát triển. Trong năm 2015, toàn tỉnh có 23.366 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp. Tiêu biểu như các hội viên: Hoàng Văn Hiệu, xã Đức Hồng (Trùng Khánh); Nông Văn Chiến, xã Nam Tuấn (Hòa An); Nông Thị Dung, phường Ngọc Xuân (Thành phố)... Có 2 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại “Lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2015”; 2 hội viên xuất sắc và 2 doanh nghiệp tham gia bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. 

Trong những năm tiếp theo, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phát triển các mô hình, dự án trọng điểm. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân, xây dựng lực lượng nông dân trong tỉnh có trình độ, năng lực tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm