Đóng điện nâng công suất Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm - Ninh Thuận

Đóng điện nâng công suất Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm - Ninh Thuận
Đơn vị thi công thực hiện thao tác kỹ thuật cuối cùng để đóng điện Ảnh: Công Thử - TTXVN
Đơn vị thi công thực hiện thao tác kỹ thuật cuối cùng để đóng điện
Ảnh: Công Thử - TTXVN
Dự án do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư; đơn vị thi công là Công ty cổ phần Xây lắp điện 1, tiến hành khởi công vào cuối tháng 9/2019. Theo đó dự án tiến hành thay thế 2 máy biến áp 220/110/22 kV – 125 MVA hiện hữu bằng 2 máy biến áp 220/110/22 kV – 250 MVA; đồng thời hoàn thiện hệ thống điều khiển - bảo vệ phù hợp với máy biến áp thay mới. Bên cạnh đó bổ sung, trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy phù hợp với máy biến áp 220 kV-250 MVA lắp mới. Ngoài ra dự án còn được trang bị hệ thống đo đếm điện năng theo quy định. Theo lãnh đạo Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, mục tiêu của dự án được thực hiện là nhằm truyền tải công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở khu vực phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận lên lưới điện quốc gia; đảm bảo cung cấp điện ổn định lâu dài, tin cậy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận cũng như các tỉnh, thành trong khu vực; đồng thời tăng cường độ ổn định, vận hành an toàn, linh hoạt trong lưới điện. Sau khi đóng điện, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia sẽ giao cho Công ty Truyền tải điện 3 trực tiếp vận hành. Ông Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc thực hiện thay thế 2 máy biến áp 220/110/22 kV – 125 MVA hiện hữu bằng 2 máy biến áp 220/110/22 kV – 250 MVA sẽ giúp giải tỏa được khoảng 500 MW công suất điện hiện nay của tỉnh. Tính đến thời điểm này, Ninh Thuận đã có 18 dự án chính thức đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 1.180 MW; trong đó có 15 dự án điện mặt trời, công suất 1.063 MW và 3 dự án điện gió, công suất 117 MW. Tuy nhiên do quá tải đường truyền, 10 dự án với công suất 359 phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất, nhất là các dự án điện gió, điên mặt trời ở khu vực phía Nam của tỉnh. Nếu Chính phủ quan tâm, xem xét và đồng ý chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời kết hợp hạ tầng truyền tải trạm biến áp 500 KV Thuận Nam và đường dây đấu nối do nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện thì Ninh Thuận cơ bản giải quyết được bài toán giải tỏa công suất điện năng lượng của tỉnh hiện nay cũng như sau này.
Công Thử

Có thể bạn quan tâm