Đồng bào vùng biên Sơn La phát triển sản xuất nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Đồng bào vùng biên Sơn La phát triển sản xuất nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi
Người dân đến làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội huyện Sốp Cộp. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Người dân đến làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội huyện Sốp Cộp. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Sau nhiều lần chuyển đổi hình thức sản xuất, đến nay gia đình ông Lò Văn Sai ở bản Cống, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, đã tìm ra mô hình được đánh giá sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước. Năm 2018, gia đình ông đầu tư hơn 400.000.000 đồng để trồng mới 6ha xoài và nhãn với hơn 6.000 gốc. Ngoài ra, gia đình ông còn có 1ha xoài đã cho thu hoạch từ 2 năm nay.

Ông Lò Văn Sai cho biết, được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sốp Cộp, ông đã đầu tư nuôi ngựa. Với tiêu chí lấy ngắn nuôi dài, sau khi bán đàn ngựa, ông tiếp tục dùng số tiền đó và vay thêm từ Ngân hàng Chính sách và xã hội để chuyển sang trồng xoài, nhãn như hiện nay. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ông đã khá hơn trước.

Nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi người dân ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp đã mạnh dạn trồng cây ăn quả. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi người dân ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp đã mạnh dạn trồng cây ăn quả. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Đối với gia đình anh Lò Văn Ân ở bản Cống, xã Mường Lạn, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp gia đình anh thoát nghèo, có của ăn của để. Anh Lò Văn Ân cho hay, trước đây gia đình anh rất khó khăn. Sau đó, nhờ được tuyên truyền, vận động nên anh mạnh dạn vay 50.000.000 đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi trâu, bò. Sau 4 năm chăm sóc, đàn gia súc hiện đã tăng lên nhiều lần so với trước. Tận dụng diện tích đất dôi dư, anh trồng thêm cây ăn quả, nhờ vậy kinh tế gia đình phát triển, cuộc sống không còn khó khăn như trước.  
Mô hình chăn nuôi gia súc của một hộ dân ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Mô hình chăn nuôi gia súc của một hộ dân ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Theo ông Lò Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Lạn, thời gian qua người dân trên địa bàn đã được tiếp cận các nguồn vốn xã hội, vốn ưu đãi, trong đó hộ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Sau khi tiếp cận nguồn vốn vay, người dân đầu tư trồng cây, chăn nuôi đại gia súc, từ đó nguồn vốn này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, do là nguồn vốn ưu đãi nên mức vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho các hộ vẫn ở mức thấp. Chính quyền địa phương mong muốn có những chính sách để mức vay cao hơn, từ đó người dân có thể đầu tư vào những mô hình sản xuất quy mô lớn, tạo thu nhập cao hơn.

Người dân ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp chăm sóc vườn xoài. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Người dân ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp chăm sóc vườn xoài.
Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Huyện Sốp Cộp hiện có hơn 2.300 hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội. Số vốn vay để phát triển sản xuất của những hộ này là gần 92 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trung Hải - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sốp Cộp cho biết, hàng năm đơn vị phối hợp với Ban giảm nghèo các xã thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn. Sau đó, đơn vị phối hợp với Ban giảm nghèo các xã bình xét cho vay, nhờ đó nguồn vốn nhanh chóng được triển khai đến người dân.

Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục bám sát số hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, nắm bắt nhu cầu của người dân để thực hiện tốt kế hoạch lập nguồn vốn hàng năm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân để họ nắm bắt được chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Từ nguồn tín dụng ưu đãi người dân ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp đã mạnh dạn trồng cây ăn quả. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Từ nguồn tín dụng ưu đãi người dân ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp đã mạnh dạn trồng cây ăn quả. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sốp Cộp Tòng Thị Kiên cho biết, sau hơn 15 năm thành lập, đối với huyện Sốp Cộp, chính sách tín dụng ưu đãi là nguồn lực quan trọng trong việc thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, qua đó làm thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn vay vốn để tập trung đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Tiêu biểu như mô trồng cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, trâu bò thịt... qua đó nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện nay, số hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm từ 4-6%, góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 36%.
Hữu Quyết - Nguyễn Chiến

Có thể bạn quan tâm