Đời sống người dân 6 xã vùng biên Gia Lai đã cải thiện nhờ có điện

Đời sống người dân 6 xã vùng biên Gia Lai đã cải thiện nhờ có điện
Đường đến xã biên giới Ia Dom. Ảnh: baogialai.com.vn
Đường đến xã biên giới Ia Dom. Ảnh: baogialai.com.vn
Huyện Đức Cơ có chiều dài đường biên giới 35km; trong đó có hai xã Ia Pnôn và Ia Dom. Với Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, xã Ia Dom đã sớm được đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ nhiều hoạt động quan trọng. Nhờ vậy, Ia Dom đã được tỉnh Gia Lai công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015. Trong khi đó, Ia Pnôn nằm ở khu vực khó khăn, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đặc biệt về lưới điện quốc gia. Thấu hiểu những khó khăn của người dân, thực hiện chương trình “thắp sáng vùng biên”, Công ty Điện lực Gia Lai đã đầu tư đồng bộ và hoàn tất các hạng mục lưới điện nông thôn vào năm 2009, giúp nhân dân tại Ia Pnôn có điện sinh hoạt, sản xuất. Ông Rơ Châm Blê, làng Ba, xã Ia Pnôn chia sẻ, trước kia, khi không có điện, cuộc sống trong làng rất khó khăn. Nằm ở vị trí biên giới, xa trung tâm, nên người dân phải sử dụng đèn dầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp hoàn toàn bằng các phương pháp thủ công, kinh tế gặp nhiều khó khăn. “Từ khi được sử dụng điện, người dân trong làng ai cũng phấn khởi. Giờ đây, nhà nào cũng có tivi, có nhà còn sắm được cả tủ lạnh, sinh hoạt đỡ vất vả hơn nhiều. Có điện, người dân đã biết sử dụng máy bơm nước, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên kinh tế cũng dần ổn định”, ông Rơ Châm Blê vui vẻ nói. Đến nay, ngoài xã Ia Dom đã đạt chuẩn nông thôn mới, xã Ia Pnôn cũng đã đạt 10/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 17 triệu đồng/người/năm. Ia Púch và Ia Mơr là 2 xã biên giới của huyện Chư Prông với chiều dài đường biên 42km, nên hai địa phương này có điện sau so với các xã khác trong huyện. Hiện nay, Công ty Điện lực Gia Lai đã triển khai và hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp đường điện, hệ thống lưới điện nông thôn giai đoạn 2 trên địa bàn huyện, mang đến niềm vui cho các hộ dân trên địa bàn huyện và thay đổi diện mạo vùng biên. Chị Rơ mah Bé, làng Chư Kó, xã Ia Púch, huyện Chư Prông phấn khởi cho biết, từ khi có điện về làng, đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Người dân đã dùng điện cho việc trồng trọt, tưới tiêu, tưới cà phê. Ngoài ra, các em học sinh cũng có điều kiện để học tập tốt hơn, an ninh tại các xóm làng được đảm bảo. Đến nay, từ một xã vùng biên nghèo, đặc biệt khó khăn, cả Ia Mơ và Ia Púch đã đạt 6/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm hơn 4% trong năm 2018. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, trước đây, không có điện nên việc người dân tiếp cận các thông tin về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, từ khi có điện đến nay, đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện có những đổi thay, người dân đã được tiếp cận thông tin qua hệ thống đài phát thanh, tivi. Cùng với đó, người dân đã từng bước chuyển đổi nhận thức, đưa một số hệ thống máy móc sử dụng điện như máy bơm, máy tuốt lúa,… vào sản xuất nên đời sống vật chất, sinh hoạt cũng có những thay đổi. Hiện nay, hệ thống lưới điện tại tỉnh Gia Lai gồm 4.500km đường dây trung áp, 4.400km đường dây hạ áp và 4.200 trạm biến áp, cấp điện cho 222/222 xã, phường, thị trấn; 100% thôn, buôn được cấp điện, với hơn 330.000 khách hàng, đạt 98% về số hộ có điện. Công suất của Công ty Điện lực Gia Lai hiện nay khoảng 250MW, sản lượng điện thương phẩm khoảng hơn 1 tỷ kW/h. Theo ông Lê Quang Trường, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai, tại các xã biên giới, điều kiện đặc biệt khó khăn, địa hình phức tạp, cùng với tình trạng tách làng tách hộ, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế; dân cư thưa thớt nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh kém; rừng tự nhiên, rừng cao su ảnh hưởng đến hành lang lưới điện khiến việc đưa điện về nông thôn tại biên giới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngành điện Gia Lai đã khắc phục khó khăn để cấp điện cho 6 xã vùng biên này, giúp các xã đạt tiêu chuẩn số 4 (tiêu chí điện nông thôn) về xây dựng nông thôn mới. Tiêu chí này là tiền đề để các bộ tiêu chí khác về nông thôn mới hoàn thành. “Sắp tới, Công ty Điện lực Gia Lai sẽ triển khai trạm biến áp 110kV Ia Grai và đưa vào hoạt động, nhằm theo đúng dự kiến đến 2020 mỗi huyện sẽ có 1 trạm biến áp 110kV. Cùng với đó, ngành điện Gia Lai sẽ triển khai dự án KfW 3.1 có tổng số vốn 170 tỷ đồng với 200km đường dây trung áp, 200km đường dây hạ áp và khoảng 86 trạm biến áp, đưa điện đến những vùng thôn buôn cuối cùng của tỉnh Gia Lai, đặc biệt tại các thôn, làng ở các xã vùng biên”, ông Trường nhấn mạnh. Cũng theo ông Trường, thực hiện Hiệp định Năng lượng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia, từ tháng 5/2011, đơn vị đã chính thức cấp điện cho tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia. Đến năm 2015, đã xây dựng xong trạm biến áp 110kV và cấp điện cho tỉnh nước bạn trên đường dây 35kV, với sản lượng trung bình hàng năm là 40 triệu kWh, góp phần gắn chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Việc phủ kín điện cho các hộ dân vùng biên đã góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân, diện mạo vùng biên. Qua đó, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại tỉnh Gia Lai.

Dư Toán

Có thể bạn quan tâm