Doanh nghiệp và nhà khoa học "bắt tay" phát triển bền vững giống lúa

Doanh nghiệp và nhà khoa học "bắt tay" phát triển bền vững giống lúa
Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Tập đoàn Lộc Trời ký kết hợp tác chiến lược. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Tập đoàn Lộc Trời ký kết hợp tác chiến lược. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Theo đó, khi tiến hành hợp tác, hai bên sẽ đóng góp chuyên môn và nguồn lực để chọn tạo một giống lúa thuần mới được công nhận chính thức để sản xuất, kinh doanh giống và gạo; tổ chức tập huấn chuyên môn chọn tạo giống, duy trì giống đầu dòng; tiếp tục chuyển giao bản quyền thương mại các giống lúa; ứng dụng dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao như thiết bị bay không người lái để theo dõi, bảo vệ mùa màng; đưa chế phẩm sinh học giúp hạn chế, khắc phục ảnh hưởng của hạn mặn cho vụ đông xuân. Với lợi thế hiện có của mỗi bên, việc liên kết hợp tác này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế và củng cố vị thế là quốc gia có gạo ngon nhất thế giới. Cụ thể, ưu thế của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long là có đội ngũ các nhà khoa học với trình độ chuyên môn cao, có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại cũng như có đồng ruộng khảo nghiệm nhiều vụ trong năm. Trong khi đó, Tập đoàn Lộc Trời có thế mạnh với các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp ở nhiều vùng sinh thái khác nhau; có hệ thống nhà máy sản xuất giống cũng như hệ thống phân phối rộng khắp. Đồng thời, Lộc Trời có gần 1.000 kỹ sư nông nghiệp được biết đến là lực lượng 3 cùng sẽ giúp chuyển giao kiến thức gieo trồng các giống lúa và giải pháp quản lý mùa vụ cũng như dịch hại cho bà con nông dân nên có thể triển khai nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học về lúa nhanh và hiệu quả. Thời gian qua, hai đơn vị đã có nhiều hợp tác, trong đó 75% lúa giống của Lộc Trời hiện nay có nguồn gốc từ Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển giao cho Lộc Trời độc quyền khai thác giống lúa OM 5451 từ năm 2011. Đây cũng là một trong những giống lúa được tiêu thụ lớn nhất của Lộc Trời với khối lượng lên đến hơn 14.000 tấn. Tháng 4/2018, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chuyển giao độc quyền giống OM 9577 và OM 18 cho Lộc Trời, trong đó, giống OM 18 rất được nông dân, doanh nghiệp và thị trường ưa chuộng. Phát biểu tại lễ ký kết, Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, giữa hai đơn vị đã có mối quan hệ hợp tác từ rất lâu, nhưng nội dung hợp tác trước đây còn mang tính riêng lẻ, chưa có tính dài hạn. "Chính vì vậy, mục tiêu của thỏa thuận hợp tác chiến lược lần này sẽ toàn diện, có chiến lược lâu dài và có chương trình hành động cụ thể  hơn", ông Thạch nhấn mạnh và cho biết các lĩnh vực hợp tác sẽ tập trung vào chọn tạo giống lúa có đặc tính ưu việt; chuyển giao sản phẩm nghiên cứu; quy trình công nghệ mới, đào tạo và trao đổi chuyên gia… Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, đơn vị này có thể sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị từ sớm là nhờ có sự hỗ trợ của CLRRI. "Tôi tin tưởng hai đơn vị sẽ đạt các mục tiêu cam kết, sẽ xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam", ông Thòn nói. Chứng kiến lễ ký kết, ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, việc ký kết hợp tác này là cần thiết, bởi không chỉ vì lợi ích của hai bên, mà quan trọng hơn là vì lợi ích của ngành của ngành lúa gạo, trong đó, sâu xa hơn là lợi ích của bà con nông dân. Theo ông Bổng,  điều này mang ý nghĩa rất lớn vì sự hợp tác này sẽ tạo ra giống lúa ưu việt, gắn với xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Ngoài việc nhận chuyển giao độc quyền giống lúa từ Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long hay hợp tác đầu tư ngày từ đầu, ông Bổng cũng gợi ý hai đơn vị nên có thỏa thuận hợp tác cùng nhau làm, tức thay vì Lộc Trời đặt hàng CLRRI làm ra giống lúa nào đó thì nên cùng nhau đề ra mục tiêu và lập nhóm để cùng làm ra giống lúa có tính ưu việt nhất. Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long được thành lập từ năm 1977. Qua hơn 40 năm thành lập, Viện đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất hơn 180  giống lúa. Từ năm 2000 đến nay, Viện đã chủ động lai tạo thành công nhiều giống lúa có đặc điểm nổi trội về năng suất, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 120-130 ngày xuống 90-105 ngày, có khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất thuận khá, giúp nông dân trong vùng có điều kiện thâm canh, tăng vụ từ 2 lên 3 vụ, né mặn, tránh lũ. Ngoài ra, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng các qui trình kỹ thuật canh tác tiên tiến để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, có  11 quy trình kỹ thuật được công nhận ở cấp Quốc gia, trong đó có 5 quy trình kỹ thuật canh tác lúa, 2 quy trình kỹ thuật canh tác cây trồng cạn luân canh với lúa và 4 quy trình phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Những thành tựu này đã có những tác động nhất định đến phát kinh tế xã hội của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần đưa tiến bộ khoa học đến với sản xuất của người dân của khu vực đồng thời góp phần nâng cao nguồn lực khoa học công nghệ cho các địa phương, và tăng trưởng của các doanh nghiệp thông qua hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ.
Thanh Tuấn

Có thể bạn quan tâm