Dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số (Bài 2)

Dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số (Bài 2)
Bài 2: Giải pháp đồng bộ cải thiện chế độ dinh dưỡng giàu vi chất

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thấp còi cao ở phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số sẽ gây hậu quả lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực, làm chậm quá trình giảm nghèo, công bằng, phát triển kinh tế ở một số vùng khó khăn. Chính vì vậy, ngành y tế đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả với các giải pháp đồng bộ giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trong cả nước cũng như nhóm trẻ người dân tộc thiểu số.

Hiệu quả từ nhiều mô hình

Bác sỹ chuyên khoa I Phạm Thị Kim Thoa, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Lào Cai cho biết: Lào Cai gồm 25 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 64%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 19,6% và thấp còi là 35,1%; cao hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc (thể nhẹ cân là 16,2% và thấp còi là 26,7 %). Vì vậy, Lào Cai đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và chăm sóc y tế với trẻ bị suy dinh dưỡng.

Trẻ em dân tộc Mông ở huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh TTXVN
Trẻ em dân tộc Mông ở huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh TTXVN

Trước tình hình đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tài trợ để tỉnh thực hiện mô hình “Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng” tại xã Bản Phố, huyện Bắc Hà và Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai. Kết quả cho thấy: hơn 6.100 lượt trẻ được khám sàng lọc; khoảng 700 trẻ được điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính bằng các sản phẩm dinh dưỡng, trong đó 85,5% được điều trị khỏi, số trẻ bỏ cuộc và không phục hồi sau điều trị là 93 trẻ; đặc biệt trung bình trẻ tăng cân từ 0,5 – 5kg sau 6-12 tuần điều trị… Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm 5% so với trước can thiệp; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ có con dưới 5 tuổi biết được thời điểm cho trẻ ăn bổ sung đúng độ tuổi tăng 20% so với trước khi triển khai mô hình. Tỷ lệ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng 30% và phụ nữ sinh đẻ có can thiệp của cán bộ y tế tăng 10%... Qua đó, mô hình đã làm thay đổi nhận thức và thực hành của các bà mẹ, người chăm sóc trẻ về dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ nhỏ dựa vào các thực phẩm sẵn có tại các hộ gia đình.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Huy, Viện Dinh dưỡng quốc gia nêu rõ: Nhằm giảm mức thiếu an ninh thực phẩm và suy dinh dưỡng ở 3 tỉnh phía Bắc (Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang), dự án “Cải thiện an ninh thực phẩm hộ gia đình phụ nữ nông thôn nghèo thông qua mô hình chế biến thực phẩm dinh dưỡng qui mô nhỏ ở Việt Nam” đã được Viện Dinh dưỡng quốc gia triển khai từ tháng 11/2015 (kéo dài 28 tháng). Dự án hướng tới việc xây dựng dây chuyền cung ứng tiêu chuẩn của Viện nhằm giải quyết các rào cản của an ninh thực phẩm cho nhóm dân cư đích, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em ở 3 tỉnh của dự án. Dự án cũng thử nghiệm mô hình can thiệp, đánh giá hiệu quả thông qua các chỉ số suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ thiếu an ninh lương thực ở mức nặng của những hộ gia đình nữ nông dân nghèo; đẩy mạnh việc lồng ghép phân tích an ninh thực phẩm vào các chính sách và chương trình công cộng…

Qua triển khai dự án, khoảng 1.500 trẻ từ 6-24 tháng tuổi và bà mẹ của trẻ tại 9 xã can thiệp thuộc 3 tỉnh được hưởng lợi từ các dây chuyền thực phẩm sạch, an toàn, bảo đảm các vi chất dinh dưỡng như: nhà xưởng sản xuất cháo ngon (thành phần gồm gạo, chất khoáng có sắt và kẽm); sản phẩm bột rau được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên, sẵn có. Đồng thời, dự án còn tập huấn cho cán bộ làm công tác dinh dưỡng về nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại địa bàn để tăng khả năng chấp nhận và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng được sản xuất tại các cơ sở mới thiết lập.

Nâng cao chất lượng bữa ăn

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định: Thời gian tới, để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em nói chung và trẻ người dân tộc thiểu số nói riêng, Viện Dinh dưỡng quốc gia sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân; tập trung chăm sóc dinh dưỡng cho 1.000 ngày "vàng" đầu đời; can thiệp dinh dưỡng cho những đối tượng có nguy cơ cao; nghiên cứu xây dựng các chương trình, dự án và các giải pháp can thiệp đặc hiệu.

Đồng thời, ngành y tế tiếp tục triển khai các hoạt động dinh dưỡng tại trường học; tăng cường vi chất dinh dưỡng vào các sản phẩm thương mại trong nước và nhập khẩu; phát triển và nâng cao hiệu quả của mạng lưới dịch vụ, tư vấn và phục hồi dinh dưỡng phòng thừa cân béo phì và các bệnh không lây; nâng cao hoạt động của hệ thống giám sát dinh dưỡng trên toàn quốc. Ngành y tế sẽ tiến hành tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc vào năm 2019; tăng cường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất và cung ứng các thực phẩm an toàn cho người dân; duy trì và phát triển, nhân rộng các mô hình phát huy hiệu quả…

Về các giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho nhóm trẻ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Tiến sỹ Đào Lan Hương, Ngân hàng thế giới (World Bank) khuyến nghị: Khung hành động tối ưu hóa tình trạng dinh dưỡng cho nhóm trẻ dân tộc thiểu số tại Việt Nam cần tập trung mở rộng các can thiệp dinh dưỡng đặc hiệu thông qua ngành y tế; thực hiện các chiến lược ngành nhằm giải quyết các nguyên nhân chính gây suy dinh dưỡng; phối hợp các hoạt động, chính sách và đầu tư nhằm tạo điều kiện cho cộng tác liên ngành. Đồng thời, Việt Nam cần mở rộng cung ứng các dịch vụ về dinh dưỡng thông qua ngành y tế; giáo dục bà mẹ về chăm sóc thai nghén, sinh trưởng, phát triển của trẻ; tăng khoảng cách giữa các lần sinh.

Mặt khác, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần giúp người dân tăng cường tiếp cận chế độ ăn an toàn, giàu dinh dưỡng và đa dạng; giảm gánh nặng lao động cho phụ nữ; bổ sung vi chất cho các thức ăn chính; tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường…
Thu Phương

Có thể bạn quan tâm