Dịch bệnh do chủng mới virus Corona: Các địa phương tích cực triển khai bài bản công tác phòng, chống dịch bệnh

Dịch bệnh do chủng mới virus Corona: Các địa phương tích cực triển khai bài bản công tác phòng, chống dịch bệnh
Hải Phòng thành lập đội phản ứng nhanh chống dịch

Ngày 31/1, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phạm Thu Xanh đã ký Quyết định số 94/QĐ-SYT về việc thành lập Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.

Theo đó, Sở Y tế thành lập Đội thường trực chống dịch nCoV gồm 3 tổ: Tổ chuyên môn, Tổ thông tin và tổng hợp báo cáo, Tổ hậu cần. Sở giao các Bệnh viện: Hữu nghị Việt Tiệp, Trẻ em, Kiến An, mỗi bệnh viện thành lập tối thiểu 2 đội cơ động.

Các Đội cơ động này thực hiện nhiệm vụ theo lệnh điều động của Sở Y tế và Ban Chỉ đạo thành phố phòng, chống dịch nCoV; thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm dịch do nCoV tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu.

Sở Y tế Hải Phòng cũng đã công bố danh sách các cơ sở y tế trên địa bàn có khả năng thu dung và điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh do nCoV. Trong trường hợp khi dịch bệnh bùng phát, lan rộng, ngành chức năng chỉ đạo tiếp nhận điều trị theo quy mô dịch, cụ thể: dưới 300 bệnh nhân, tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Trẻ em; trên 300-500 bệnh nhân, tiếp nhận điều trị tại cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (An Đồng, An Dương); trên 500-1.000 bệnh nhân, thực hiện di dời bệnh nhân của Bệnh viện Y học cổ truyền (An Đồng, An Dương) để lấy toàn bộ cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và Bệnh viện Y học cổ truyền làm nơi tiếp nhận điều trị.

Trong trường hợp dịch bệnh do nCoV lây lan ra cộng đồng, các bệnh viện nói trên chủ động triển khai kế hoạch mở rộng việc thu dung, điều trị bệnh nhân; sử dụng Bệnh viện Kiến An với sức chứa trên 1.000 giường để làm bệnh viện dã chiến tiếp nhận điều trị; đồng thời huy động các bệnh viện tư nhân tham gia thu dung, điều trị bệnh nhân.

Liên quan đến việc truy tìm một nữ hành khách trên chuyến bay VJ 286 của Hãng hàng không Vietjet Air, ngay sau khi Sở Y tế Hải Phòng phát đi Văn bản hỏa tốc số 208/SYT-NVY ngày 30/1/2020 gửi Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng đề nghị phối hợp, điều tra xác minh địa chỉ nơi cư trú của bà Cao Thị Thu Thủy đi trên chuyến bay VJ 286 của Vietjet Air từ thành phố Hồ Chí Minh tới Hải Phòng, hạ cánh lúc 2 giờ 30 ngày 30/1 tại sân bay Cát Bi, chiều cùng ngày, cơ quan chức năng đã tìm thấy công dân này và thực hiện các hoạt động giám sát sức khỏe, điều tra dịch tễ, quản lý điều trị theo quy định.

Qua kiểm tra sức khỏe toàn diện, kết quả lâm sàng của chị Cao Thị Thu Thủy (38 tuổi, tại địa chỉ số 122 đường Nguyễn Công Trứ, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) tốt, không ho, không sốt, nhịp tim đều, rõ... Hiện Đoàn giám sát, Trung tâm Y tế quận Lê Chân tiếp tục tư vấn, theo dõi, giám sát tình trạng sức khỏe của chị Cao Thị Thu Thủy hằng ngày trong vòng 14 ngày theo quy định, để đảm bảo an toàn cho cá nhân chị cũng như cộng đồng.

Quảng Ninh chỉ đạo “nội bất xuất, ngoại bất nhập” các đường mòn lối mở và cửa khẩu quốc gia

Chiều 31/1, tại cuộc họp khẩn chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra do Thường trực Tỉnh ủy chủ trì, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng khẳng định, đối với các đường mòn lối mở, các cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô sẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; không tổ chức đưa người Việt Nam xuất cảnh, kể cả giấy thông hành hàng ngày; không cho người nhập cảnh ở tất cả các đường mòn, lối mở và 2 cửa khẩu nói trên. Trong trường hợp cần, tỉnh sẽ ra lệnh tạm dừng xuất, nhập cảnh 24 giờ đối với các cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Bất cứ trường hợp nào lọt vào từ biên giới, qua cửa khẩu và gây ra nhiễm bệnh, nhiễm dịch, bí thư, chủ tịch các địa phương phải chịu trách nhiệm.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng lưu ý các địa phương, ban, ngành cần quyết liệt, sâu sát từng ngày, từng giờ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh do nCoV gây ra khi đang có diễn biến phức tạp; xây dựng các kịch bản đối phó, các điều kiện y tế phải đảm bảo như khu vực cách ly, khu vực bệnh viện điều trị, bệnh viện dã chiến, trang thiết bị y tế như máy đo thân nhiệt, máy xét nghiệm nhanh…

Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao doanh nghiệp nước ngoài có tinh thần trách nhiệm cao. Các đơn vị này đã chủ động hủy vé bay sang Việt Nam đối với các chuyên gia người Trung Quốc đang ở trong vùng dịch. Đối với người không trong vùng dịch, khi sang Việt Nam sẽ được cách ly sau 14 đến 15 ngày, nếu điều kiện bình thường sẽ cho sinh hoạt chung với cộng đồng.

Quảng Ninh chỉ đạo ngành Y tế, chính quyền địa phương chủ động hỗ trợ doanh nghiệp về thiết bị, máy đo thân nhiệt, chủ động làm xét nghiệm. Doanh nghiệp chủ động kiểm tra, theo dõi sức khỏe đối với các chuyên gia Trung Quốc.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhận định: Dự kiến, Quảng Ninh có nguy cơ cao xuất hiện tình hình người Việt Nam đi từ tâm dịch đi ra, có mặt tại cửa khẩu Móng Cái. Do vậy, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trong trường hợp có dịch, ngành Y tế cần sớm xây dựng kịch bản với tình huống xuất phát từ Móng Cái để đảm bảo vận hành chống dịch thuần thục. Việc diễn tập phải hoàn thành trước ngày 3/2 và được tổ chức ở thành phố Móng Cái.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng phê bình cấp ủy, chính quyền thành phố Móng Cái và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái chậm trễ trong việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 30/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong công tác phòng chống dịch do nCoV gây ra; phê bình ngành Du lịch để khách du lịch từ tâm dịch Vũ Hán vào Hạ Long và yêu cầu chính quyền thành phố Hạ Long, Sở Du lịch cần có các biện pháp giám sát các khách du lịch này.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các khách sạn 4, 5 sao có cách phòng vệ như tự mua sắm thiết bị đo thân nhiệt, có giải pháp giám sát tình hình sức khỏe của khách du lịch và báo cáo kịp thời cho các ngành chức năng khi có nghi vấn người nhiễm dịch bệnh.

Ngành Y tế không được để thiếu khẩu trang cho người dân trong điều kiện bình thường, điều kiện có dịch; xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi trữ, tăng giá thuốc, vật tư tiêu hao, đặc biệt là khẩu trang y tế.

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định Quảng Ninh sẽ không tổ chức lễ hội trong dịp này, không tuyên truyền quảng bá các lễ hội. Các lễ hội xuân truyền thống chỉ tổ chức phần nghi lễ gọn nhẹ.

Ngành Giáo dục vẫn duy trì học sinh đến trường, tuy nhiên ngành Y tế cần tổ chức tiêu độc, khử trùng các cơ sở trường học trong những ngày cuối tuần này. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cần tăng cường trang bị kiến thức, khẩu trang y tế phòng ngừa dịch cho học sinh, sinh viên.

Các sở, ban ngành và các địa phương phải thực hiện trực 24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ cuối tuần; tổ chức đoàn kiểm tra đi giám sát các địa phương, nhất là các địa phương biên giới trọng điểm.

Đến 11 giờ ngày 31/1, tỉnh Quảng Ninh chưa phát hiện ca bệnh dương tính với nCoV gây ra. Số ca viêm đường hô hấp cấp tính có yếu tố dịch tễ liên quan nCoV đang điều trị tại Quảng Ninh là 6 ca (Móng Cái: 2 ca, Hải Hà: 2; Ba Chẽ 1; Hạ Long: 1 ca). Hai ca tại Móng Cái đang được cách ly, theo dõi điều trị tại Trung tâm Y tế Móng Cái (trong đó 1 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV), 4 ca có kết quả Realtime-PCR dương tính với cúm A…

Ngày 30/1, Sở Y tế Quảng Ninh đã thành lập 3 nhóm giám sát đi hỗ trợ công tác đáp ứng điều trị tại các cơ sở điều trị trong toàn ngành; cấp phát bổ sung môi trường lấy mẫu bệnh phẩm cho các đơn vị; bổ sung vật tư phòng chống dịch gồm 850 ngàn chiếc khẩu trang 3 lớp, khẩu trang N95, kính bảo hộ, 15 ngàn quần áo bảo hộ; tiếp tục tổng hợp yêu cầu bổ sung vật tư, trang thiết bị của các đơn vị để cung ứng. Ngày 1/2, tỉnh sẽ mua bổ sung 10 máy đo thân nhiệt, phương tiện vận chuyển…

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Huyện ủy Hải Hà cho biết, các khu công nghiệp trên địa bàn đã bố trí 15 phòng nếu phát hiện công nhân nghi lây nhiễm sẽ cách ly, theo dõi sức khỏe.

Từ ngày 1/2, công nhân ở các khu công nghiệp huyện Hải Hà quay trở lại làm việc, nơi có các chuyên gia người Trung Quốc. Các doanh nghiệp có sử dụng chuyên gia nước ngoài đã chủ động tự bố trí máy đo thân nhiệt, chuẩn bị khẩu trang, phương tiện đưa đón tập trung đối với công nhân người nước ngoài; bố trí khu sinh hoạt của công nhân cách ly 15 ngày, nếu không phát sinh người mắc bệnh sẽ cho số lao động này hòa nhập với cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh có 670 người lao động người nước ngoài; trong đó có 661 người Trung Quốc, nhưng 610 người về Trung Quốc về ăn Tết. Hiện có 170 người Trung Quốc về ăn Tết đã quay trở lại Việt Nam. Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Tuấn thông tin: Các doanh nghiệp nước ngoài phối hợp tích cực với ngành chức năng, tuân thủ cách phòng dịch của Việt Nam.

Bác bỏ thông tin Bệnh viện C Thái Nguyên có bệnh nhân nhiễm nCoV

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Bệnh viện C tỉnh Thái Nguyên khẳng định đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện chưa phát hiện, tiếp nhận và điều trị trường hợp nào bị dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Đây là thông tin xuyên tạc, sai sự thật, phản ánh không đúng tình hình dịch bệnh, gây hoang mang dư luận.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên, trưa 31/1, tài khoản facebook cá nhân có nickname Ngô Thị Trang có đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật về việc tại Bệnh viện C hiện có 3 bệnh nhân bị nhiễm nCoV gây ra đến từ Vũ Hán (Trung Quốc). Thông tin này ngay sau khi đăng tải, đã thu hút hàng trăm lượt theo dõi, chia sẻ, bình luận. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên đang phối hợp với Công an tỉnh Thái Nguyên và lực lượng chức năng thành phố Sông Công triệu tập đối tượng phát tán thông tin sai sự thật, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cũng trong chiều 31/1, Bệnh viện C Thái Nguyên đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh viêm phổi cấp do nCoV gây ra. Tại buổi tập huấn, gần 100 cán bộ chủ chốt ở các khoa phòng của Bệnh viện C, Trung tâm Y tế Phổ Yên, Trung tâm Y tế Sông Công, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình được cung cấp kiến thức về dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV gây ra, đường lây, đối tượng lây nhiễm, biểu hiện và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, phát hiện sớm từ ca bệnh đầu tiên, cách ly và điều trị kịp thời. Đồng thời, các cán bộ chủ chốt trên còn được hướng dẫn về kỹ thuật giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm, chẩn đoán, điều trị đối với bệnh do nCoV gây ra.

Bên cạnh đó, các bác sĩ, cán bộ y tế cũng được trang bị kiến thức ở các tình huống ứng phó ở từng thời điểm, như: Khi chưa ghi nhận trường hợp bệnh trên địa bàn; khi phát hiện các trường hợp nhiễm dịch bệnh do nCoV gây ra nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ; khi dịch bùng phát ở cộng đồng cũng đã được xây dựng cụ thể và thống nhất trong các bệnh viện, trung tâm y tế.

Ngày 31/1, Ủy ban Nhân dân huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã ra thông báo về việc không tổ chức Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa xuân Canh Tý 2020 để tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra

Trước đó, theo kế hoạch, Lễ hội Lồng sẽ diễn ra vào ngày 3/2 (tức ngày mùng 10 tháng Giêng). Đây là lễ hội xuống đồng lớn nhất của đồng bào Tày, Nùng ở tỉnh Thái Nguyên được tổ chức thường niên vào ngày 10 tháng Giêng.

Ủy ban nhân dân huyện Định Hóa cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn dừng việc tổ chức các lễ hội, các hoạt động tập trung đông người để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo nội dung Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của cấp trên về phòng chống dịch bệnh.

Cùng ngày, Ủy ban Nhân dân Thị xã Phổ Yên cũng đã ra công văn về việc dừng tổ chức Lễ kỷ niệm 1476 năm ngày Đức vua Lý Nam Đế lên ngôi hoàng đế thành lập nước Vạn Xuân dự kiến tổ chức vào ngày 5/2/2020 (tức ngày 12 tháng Giêng).

Tỉnh Thái Nguyên cũng đồng loạt triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Thực hiện: Minh Huệ - Văn Đức - Thu Hằng - Quân Trang

Có thể bạn quan tâm