Tháng Hành động vì trẻ em:

Đi tìm công lý cho trẻ bị xâm hại, bạo hành

Đi tìm công lý cho trẻ bị xâm hại, bạo hành
Xót xa khi trẻ bị xâm hại, bạo hành
Để gặp Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, chúng tôi phải mất nhiều lần "lỡ hẹn" bởi bà rất bận rộn với các vụ kiện bảo vệ trẻ em. Bà cho biết, đang cùng lúc tham gia nhiều vụ việc bảo vệ trẻ em, mới nhất là vụ việc nghi án thầy giáo dâm ô 10 học sinh tiểu học tại huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ trong một lần tham gia phiên tòa bảo vệ trẻ em. Ảnh: TTXVN phát
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ trong một lần tham gia phiên tòa bảo vệ trẻ em. Ảnh: TTXVN phát
 
"Mỗi ngày chúng tôi nhận được hàng chục cuộc gọi, lá thư kêu cứu của trẻ em. Xót xa nhất là những bé gái bị xâm hại, hiếp dâm, trong đó nhiều em tật nguyền, kém phát triển trí tuệ"... Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ bắt đầu câu chuyện.
 
Đó cũng chính là lý do vào năm 2013, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Chi hội luật sư nhằm tham gia tố tụng, đòi công lý, quyền lợi cho trẻ em. Ban đầu chỉ có khoảng 10 luật sư tham gia cùng Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ. Càng về sau, tiếng vang của các vụ việc mà bà cùng cộng sự phụ trách đã thu hút nhiều luật sư thiện nguyện tham gia.
 
Mặc dù việc đi tìm chứng cứ, tham gia các phiên tòa tố tụng bảo vệ trẻ em là hoàn toàn miễn phí nhưng điều này không làm giảm sự nhiệt tình, tâm huyết của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ và cộng sự.

Hằng ngày, bà tự bỏ tiền túi, rong ruổi khắp mọi nẻo đường, vào đến tận “hang cùng ngõ hẻm” tìm nhân chứng, vật chứng để đòi lại công lý cho các em trước tòa.

Cũng từ lâu, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ và cộng sự ở Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng với khẩu hiệu “chỉ cần ở đâu có trẻ bị bạo hành và xâm hại, các luật sư sẽ có mặt”.
 
Không đếm được số vụ án Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đảm nhiệm nhưng có lẽ vụ án lấy đi nước mắt và để lại nhiều day dứt nhất đối với bà là vụ án anh rể xâm hại em vợ ở Quận 8.

Nạn nhân chưa đủ 16 tuổi đã bị anh rể hiếp dâm dẫn đến sinh con. Tuy nhiên, cơ quan Cảnh sát điều tra không khởi tố vụ án bởi không xác định được thời gian và địa điểm gây án.
 
Mỗi lần nhìn bé H (tên nạn nhân) ôm đứa con nhỏ ở trong căn phòng trọ tuềnh toàng cùng lời kêu cứu khẩn thiết, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ không kìm được nước mắt.

Bà đã từng đi khắp huyện Bình Chánh sang đến Quận 8 để cùng bé H tìm lại địa điểm em từng bị xâm hại với hy vọng vụ án được khởi tố.

Dù  vụ việc này chưa có kết quả cuối cùng  nhưng Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc đến cùng.
 
Không để trẻ "bơ vơ"
Không chỉ bảo vệ trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, nhiều lần “cánh tay” Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ và cộng sự còn vươn dài đến các địa phương khác với phương châm “dù trẻ em ở địa phương nào cũng không thể để trẻ bơ vơ”.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ thăm, động viên, tặng quà cho một em bé bị xâm hại tình dục. Ảnh: TTXVN phát
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ thăm, động viên, tặng quà cho một em bé bị xâm hại tình dục. Ảnh: TTXVN phát
 
Trong số các vụ việc bảo vệ trẻ em ở tỉnh xa, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhớ như in trường hợp ông Q - người cha ở tỉnh Bình Thuận đã lặn lội vào Thành phố Hồ Chí Minh để cầu cứu vì con gái bị xâm hại nhưng không đủ cơ sở để khởi tố vụ án.

Trước tình cảm người cha và cảm thương bé gái 13 tuổi bị người yêu của chị gái có hành vi dâm ô, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã nhận lời tham gia vụ việc.

Ngay ngày hôm sau, bà và cộng sự tức tốc lên đường tới Bình Thuận, tìm chứng cứ và gửi đơn yêu cầu khởi tố vụ án.

Sau khi có sự vào cuộc của Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, đối tượng dâm ô con gái ông Q đã phải nhận mức án phạt 3 năm tù giam.
 
Tâm huyết đeo đuổi nhiều vụ việc bảo vệ trẻ em nhưng có lúc Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ suýt không thể bảo vệ được mình khi chính bà bị người khác hành hung.
 
“Đó là thời điểm khi tôi và cộng sự tham gia đòi công lý cho một bé gái 13 tuổi tự tử vì bị hiếp dâm ở Cà Mau năm 2017”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhớ lại.

Ngay khi kết thúc phiên tòa, một số đối tượng lạ mặt đã lợi dụng sự lộn xộn để tấn công các luật sư. Các tin nhắn, cuộc gọi đe dọa gửi đến bà vẫn diễn ra hằng ngày và ngày càng nhiều hơn.
 
Tôi hỏi bà có sợ, chùn chân trước những mối đe dọa nguy hiểm không? Bà cười hiền: “Sợ chứ, sợ thì vẫn sợ nhưng nếu mình không đứng ra bảo vệ, không đòi công lý cho trẻ thì trẻ biết tìm ai?”.

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh - người cộng sự đồng hành với Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ trong nhiều vụ việc cho biết: Anh khâm phục sự dẻo dai, nhiệt tâm của bà trong công việc, nhất là đối với các vụ việc đi tìm công lý cho trẻ bị xâm hại, bạo hành.
 
"Cô Nữ vừa là cộng sự vừa là người thầy chỉ dẫn cho tôi rất nhiều trong việc thu thập tư liệu, tìm kiếm chứng cứ bảo vệ trẻ bị xâm hại, bạo hành", luật sư Đỗ Ngọc Thanh chia sẻ.
 
Không nề hà nguy hiểm, khó khăn, bất kể vụ việc khó như thế nào, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cũng là người tiên phong nhận nhiệm vụ.

Điều mà đến nay bà vẫn luôn trăn trở là làm sao để các quy định bảo vệ trẻ em hoàn thiện hơn, hình thức xử lý tội xâm hại trẻ em nghiêm minh hơn nhằm hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em./.
  Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm