Dạy tiếng Khmer cho học sinh đồng bào dân tộc

Dạy tiếng Khmer cho học sinh đồng bào dân tộc
Trong những năm qua, việc vận động học sinh đồng bào dân tộc ra lớp được xem là nhiệm vụ quan trọng của việc giáo dục ngôn ngữ, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Thầy Trần Văn Khỏe, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Những năm trước, trường rất khó trong việc vận động và duy trì học sinh đồng bào dân tộc ra lớp, do phụ huynh các em chủ yếu làm thuê nên vào dịp hè, nhiều em phải theo gia đình đi làm ăn ở xa, đến lúc nhập học, các em thường không về kịp. Đặc biệt, một số bé gái khi học khoảng lớp 4, 5 là gia đình bắt phải nghỉ học ở nhà giữ em, phụ giúp gia đình nên trường cũng rất khó trong công tác vận động. Những lúc đó, trường đã tích cực xuống tận nhà để giải thích ý nghĩa việc học của các cháu để phụ huynh hiểu, nên các năm gần đây không còn tình trạng học sinh bỏ học nữa”.



Tiết học tiếng dân tộc của học sinh Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3.
Tiết học tiếng dân tộc của học sinh Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3.
Vận động học sinh ra lớp đã khó, để các em hứng thú và học tập ngày càng tốt hơn là việc càng khó hơn. Hiểu được điều đó, hàng năm, các trường thường xuyên hỗ trợ cho các em học sinh đồng bào dân tộc như: tập, viết, gạo... Em Sa May, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, cho biết: “Trước đây, em chỉ có thể nói được tiếng Khmer chứ không biết đọc hay viết. Nhưng từ khi được đi học đến nay, em đã biết được phụ âm, nguyên âm, biết ghép vần. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này thành giáo viên mang chữ viết, tiếng nói về cho dân tộc mình”.
Thầy Sơn Rích, giáo viên dạy tiếng dân tộc, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Tổ trưởng Tổ bộ môn Khmer, Phòng GD&ĐT thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chương trình dạy tiếng Khmer được áp dụng giảng dạy cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 và thực hiện dạy 4 tiết/tuần. Đối với giáo viên dạy tiếng dân tộc phải đạt chuẩn về trình độ đào tạo và có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc theo quy định của Bộ GD&ĐT. Hàng năm, tôi thường xuyên được cử đi tập huấn ở các tỉnh như: Sóc Trăng, Trà Vinh… để nâng cao kiến thức, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy. Theo tôi, trong chương trình dạy tiếng Khmer cho học sinh hiện nay, do chưa có mẫu chữ, các chữ viết hoa rất khó viết và sách giáo khoa chưa có nhiều, nên đây là khó khăn nhất đối với giáo viên dạy tiếng dân tộc hiện nay”.

Dạy tiếng Khmer ở cấp tiểu học là quá trình dạy cho các em về ngôn ngữ giao tiếp lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm trong quá trình dạy và học. Thầy Danh Sóc Kha, giáo viên dạy tiếng dân tộc, Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3, huyện Long Mỹ, cho biết: “Tôi thấy việc đưa vào giảng dạy tiếng Khmer cho học sinh người đồng bào dân tộc rất thiết thực. Đây là môn học giúp cho các em hình thành và phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, góp phần rèn luyện tư duy, cung cấp kiến thức cơ bản, cần thiết về ngữ âm, chữ viết, từ vựng, ngữ pháp tiếng dân tộc. Đặc biệt, qua đây còn giúp các em bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ, góp phần bảo tồn, phát huy những phong tục tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình…”. Hiện tại, trường có 11/19 lớp và 4 giáo viên dạy tiếng dân tộc, trong đó có hơn 52% học sinh của trường là người dân tộc.

Nhờ sự quan tâm của Chính phủ, UBND tỉnh, mà trong những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh Hậu Giang đã từng bước khắc phục khó khăn trong công tác dạy và học tiếng Khmer cho học sinh đồng bào dân tộc. Vì vậy, năm học 2014-2015 vừa qua, Sở GD&ĐT tỉnh đã vinh dự nhận được bằng khen của Bộ GD&ĐT về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục dân tộc. Thầy Phạm Minh Cường, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Trong những năm qua, việc dạy và học tiếng Khmer cho học sinh tiểu học luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Ở một số trường hiện nay đang thiếu giáo viên dạy tiếng dân tộc nên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với các sở, ban, ngành xin tuyển thêm biên chế để xây dựng đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó cũng sẽ tiếp tục tiến hành bồi dưỡng, tổ chức cho giáo viên dạy tiếng dân tộc đi tham dự tập huấn để nắm vững mục tiêu, định hướng, phương pháp giảng dạy phù hợp, nhằm đáp ứng tốt cho nhu cầu dạy và học”.

Hiện nay, toàn tỉnh Hậu Giang có 13/169 trường tiểu học dạy tiếng dân tộc với hơn 2.700 học sinh người dân tộc đang theo học. Việc dạy và học tiếng Khmer cho học sinh không những cung cấp tri thức, mà còn góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm