Đẩy mạnh kiểm soát rác thải nhựa tại tỉnh Sơn La

Đẩy mạnh kiểm soát rác thải nhựa tại tỉnh Sơn La
Thực trạng rác thải nhựa

Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, độ cao trung bình 600-700 m so với mực nước biển, 97% diện tích tự nhiên thuộc lưu vực sông Đà, sông Mã. Bên cạnh 2 hệ thống sông chính, tỉnh Sơn La còn có hàng trăm con suối lớn, nhỏ, với nhiều thác nước có lưu vực. Đây là những nơi tập trung dân cư sinh sống, nếu không thu gom xử lý rác thải nhựa triệt để, sẽ là nguyên nhân gián tiếp gây ô nhiễm rác thải nhựa trên biển. Theo Liên hợp quốc ước tính, hơn 80% rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền, phần còn lại là nhựa được xả trực tiếp trên biển. 94% lượng nhựa đi vào môi trường biển, tập kết ở đáy đại dương, với mật độ ước tính 70 kg/km2 đáy biển, tương ứng khoảng 25,3 triệu tấn; chỉ 1% rác thải nhựa trên biển được tìm thấy nổi trên bề mặt, hoặc gần bề mặt biển.

Theo nghiên cứu (từ tháng 8/2018 đến tháng 9/2019) của nhóm tác giả Vũ Thị Liên và Trịnh Thế Linh thuộc Trường Đại học Tây Bắc về rác thải nhựa tại 7 huyện trong tỉnh Sơn La, có tới 85,71% số người ở địa phương cho biết do nhu cầu thiết yếu của cuộc sống cùng với ưu điểm từ nhựa bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp nên sản phẩm làm từ nhựa được ưa chuộng.

Túi nilon và các sản phẩm bằng nhựa đã trở thành những vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Thậm chí, tại các phiên chợ, rất dễ bắt gặp hình ảnh người dân vẫn đeo gùi trên lưng, nhưng trong gùi có rất nhiều túi nilon đựng các đồ khác nhau. Từ đồ ăn chế biến sẵn cho đến những thực phẩm tươi sống, các vật gia dụng đều được đựng bằng túi nilon. Thực tế cho thấy, người bán hàng sẵn lòng phục vụ người mua túi nilon, còn người mua chấp nhận sự phục vụ này...

Tại các chợ Trung tâm như: Chợ 7.2; Chợ Noong Đúc; Chợ thành phố Sơn La, Chợ Trung tâm thị trấn Hát Lót; Chợ huyện Mai Sơn; Chợ Trung tâm huyện Sông Mã; Chợ Trung tâm thị trấn Mộc Châu... chủ cửa hàng bán đồ khô cho biết, mỗi cửa hàng phải dùng đến hơn 2 kg túi nilon/ngày để đựng hàng cho khách. Còn tại các cửa hàng rau, thịt cá, cũng phải sử dụng từ 100-200 túi nilon/buổi, thậm chí có cửa hàng dùng khoảng 400 túi nilon/ngày. Mối người đi chợ có khoảng 4-5 túi, mỗi túi đựng một loại thực phẩm riêng trước khi cho vào túi lớn.

Chị Vàng Thị Chứ, thị trấn Mộc Châu chia sẻ: Việc sử dụng túi nilon gây nhiều độc hại, nhưng do rất tiện lợi và dễ dàng treo ở xe khi đi chợ nên mọi người vẫn cứ dùng. Thực tế chưa có sản phẩm nào thay thế được sự tiện lợi của túi nilon nên đa phần người dân vẫn sử dụng. Hy vọng, khi có các sản phẩm thân thiện với môi trường, sẽ thay thế được thói quen sử dụng sản phẩm từ nhựa và túi nilon.

Theo số liệu của Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ Đô thị Sơn La, năm 2019, toàn tỉnh phát sinh trên 300 tấn rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp/ngày không được phân loại, trong đó rác thải khó phân hủy chiếm đến 70% và được xử lý bằng cách đem chôn lấp.

Ngoài rác thải sinh hoạt, theo nghiên cứu của nhóm tác giả Vũ Thị Liên và Trịnh Thế Linh, có 80,48% số người ở các địa phương tỉnh Sơn La cho biết, còn một lượng lớn rác thải nông nghiệp không được phân loại, xử lý, mà vứt bừa bãi ra môi trường. Lượng rác thải này tồn đọng ở các mương, suối, sông, dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, gia tăng gánh nặng bệnh tật. Nguồn rác thải nhựa xuất phát từ dùng nilon để quây ruộng lúa chống chuột, túi nilon để bọc quả như trồng ổi, xoài... bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Các rác thải là bao bì, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật tồn tại ở dạng chai nhựa, túi nilon, túi nhựa tráng kẽm khó phân hủy và được xếp vào danh mục chất thải nguy hại. Hiện nay, rác thải từ vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom và xử lý xử lý theo quy định về rác thải nguy hại của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hiện tại, công nghệ xử lý rác thải nhựa ở tỉnh Sơn La vẫn đang được chôn lấp là chủ yếu, một phần được xử lý bằng phương pháp đốt tiêu hủy với quy mô khác nhau nhưng đều không đem lại hiệu quả về môi trường và kinh tế. Chôn lấp gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, ngân sách Nhà nước, chi phí xã hội, lãng phí phần rác có giá trị tái chế, gây ô nhiễm thứ cấp nguồn nước, đất lâu dài. Đốt tiêu hủy xử lý triệt để hơn, tiết kiệm tài nguyên đất, nhưng đầu tư nhiều, thời gian triển khai dài, phát sinh khí thải đi-ô-xin, gây ô nhiễm môi trường...

Cần có những hành động thực chất

Trước những nguy hại của việc thải rác thải nhựa và túi nilon ra môi trường, cùng với việc lượng rác thải nhựa gia tăng, tỉnh Sơn La đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng túi nilon và rác thải nhựa, đồng thời, ban hành Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 29/11/2018 về việc Tổ chức triển khai thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các Sở, ngành và địa phương tỉnh Sơn La cũng tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân nâng cao ý thức thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị; phát động mỗi cán bộ, công chức viên chức và người lao động hành động và vận động người thân thực hiện “nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, đặc biệt, đối với các cơ sở có phát sinh và sử dụng nhiều sản phẩm túi nilon, nhựa khó phân hủy như bệnh viện, các cơ sở y tế...

Để hạn chế sử dụng ống hút nhựa, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có 1 cơ sở sản xuất ống hút được làm từ tre, nứa bằng nguyên liệu sẵn có. Hiện cơ sở sản xuất ống hút tre đang có 7 xưởng sản xuất đặt tại các vùng nguyên liệu ở Sơn La như: Chiềng Cọ, Chiềng Xôm (thành phố Sơn La), Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn. Mỗi xưởng có khoảng 10 công nhân làm việc thường xuyên với sản lượng khoảng 4.000 ống hút/ngày. Ống hút tre được cơ sở xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Singapore. Ngoài ra, cơ sở còn thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền hạn chế thói quen sử dụng ống hút nhựa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chung tay vì môi trường không rác thải nhựa, nói “không” với “ống hút nhựa”, một số nhà hàng đã sử dụng bao bì túi giấy, một số người dân vẫn duy trì việc gói thức ăn bằng lá dong, lá chuối, đựng thức ăn cho trẻ đi học bằng hộp đựng làm từ mây tre đan...

Nhà nghiên cứu Vũ Thị Liên, Trường Đại học Tây Bắc cho biết: Các phong trào, các đợt tuyên truyền trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn chủ yếu tập trung vào việc nêu cao ý thức của người sử dụng, chưa tập trung vào các hành động cụ thể. Hay nói cách khác, truyền thông về rác thải nhựa vẫn chỉ dừng lại ở các khẩu hiệu tuyên truyền, các hoạt động trong những buổi ra quân, chưa tạo được sức lan tỏa cũng như có sự chung tay của người dân... Thậm chí, chính những người đi tuyên truyền, vận động người dân cũng vẫn đang sử dụng những sản phẩm từ nhựa và túi nilon. Điều đó dẫn đến hiệu quả tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa và túi nilon đến với người dân chưa cao.

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng rác thải nhựa, tỉnh Sơn La đưa ra một số giải pháp kiểm soát rác thải nhựa như: Tăng cường nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, kiểm soát hiệu quả và thay thế rác thải nhựa; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về rác thải nhựa, quản lý rác thải nhựa cần dựa vào hoạt động cộng đồng; đẩy mạnh thanh, kiểm tra và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực môi trường; phát triển làng nghề mây, tre đan... thân thiện với môi trường; gắn xây dựng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới; Khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng chống rác thải nhựa.
Hoàng Nam

Có thể bạn quan tâm