Đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động trẻ khu vực nông thôn miền núi

Đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động trẻ khu vực nông thôn miền núi
Trên những cánh đồng lúa trên địa bàn nông thôn tỉnh Cao Bằng chủ yếu là người già và phụ nữ làm việc. Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN.
Trên những cánh đồng lúa trên địa bàn nông thôn tỉnh Cao Bằng chủ yếu là người già và phụ nữ làm việc. Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN.

Lao động trẻ khu vực nông thôn được hiểu là những người lao động có độ tuổi từ 18 - 35 đang làm nghề nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Đây là lực lượng nòng cốt, rất quan trọng, là chủ thể trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực trạng lao động trẻ đến các thành phố lớn làm việc đang kéo theo nhiều hệ lụy như nhiều khu vực nông thôn chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ em, dẫn đến thiếu hụt về nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp…

Xã Đức Long, huyện Hòa An (Cao Bằng) có trên 1.500 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu, thế nhưng trên các cánh đồng trồng rau màu của xã thấy rất ít bóng dáng thanh niên từ 18 - 35 tuổi. Bà Nông Thị Thu, 63 tuổi, ở xóm Phia Gào, xã Đức Long, cho biết xóm Phia Gào cũng như nhiều xóm khác trong xã đều rất ít lao động trẻ ở nhà do không có việc làm thường xuyên, thu nhập từ đồng ruộng lại thấp. Ít ruộng, vườn nên một số thanh niên sau khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp không tìm được việc làm đã “ly nông, ly hương” đi đến các thành phố ngoại tỉnh để mưu sinh.

Đến xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa - nơi trồng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh Cao Bằng, rất cần lao động trẻ trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển mía, nhưng tại các cánh đồng mía chỉ thấy các bà, các mẹ đã 50 - 60 tuổi, hay những phụ nữ trẻ đem theo con nhỏ đang chăm sóc mía.

Trên những cánh đồng lúa trên địa bàn nông thôn tỉnh Cao Bằng chủ yếu là người già và phụ nữ làm việc. Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN.
Trên những cánh đồng lúa trên địa bàn nông thôn tỉnh Cao Bằng chủ yếu là người già và phụ nữ làm việc. Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN.

Ông Trương Đàm Hưng, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết: Hiện nay, việc lao động trẻ nông thôn kéo ra thành thị tìm việc làm đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp; giá lao động mùa thu hoạch mía tăng trong khi chất lượng, năng suất thấp vì phần lớn lao động là người già. Địa phương rất khó giữ lao động trẻ ở lại nông thôn bởi chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa cao, nhiều thanh niên đã học nghề nhưng không thể làm nghề. Mặt khác, người dân không có vốn để đầu tư phát triển ngành nghề hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mặc dù lên thành phố làm việc lương không cao, nhưng có thu nhập ổn định nên đã thu hút lực lượng thanh niên.

Theo Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, lực lượng lao động từ 15 - 49 tuổi trên địa bàn tỉnh hiện có trên 361.000 người; trong đó lực lượng thanh niên gần 150.000 người, chiếm 28,82% dân số và 50,6% lực lượng lao động của tỉnh. Giai đoạn  2015 - 2019, tổng số lao động được tạo việc làm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt bình quân hơn 10.000 người/năm (số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng). Tuy vậy, đào tạo nghề để lao động trẻ có việc làm tại chỗ lại rất ít được quan tâm. Giải quyết được bài toán đào tạo nghề để lao động trẻ có việc làm tại chỗ sẽ là giải pháp then chốt, hạn chế tình trạng lao động trẻ kéo ra thành thị làm việc, khiến lao động nông thôn ngày càng trở nên khan hiếm.

Ông Nông Minh Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng cho biết, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để tạo việc làm tại chỗ cho lực lượng lao động nông thôn, trong đó có lực lượng lao động trẻ như: Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động… Bên cạnh đó, Sở tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề với việc làm; xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động… Trong lĩnh vực nông nghiệp, các ngành chức năng tỉnh phải xác định đào tạo nghề, lựa chọn nghề đào tạo là để làm nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Điều này sẽ góp phần thu hút được lực lượng lao động nông thôn, trong đó có lực lượng lao động trẻ.

Trên những cánh đồng rau màu trên địa bàn nông thôn tỉnh Cao Bằng chủ yếu là người già và phụ nữ làm việc. Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN.
Trên những cánh đồng rau màu trên địa bàn nông thôn tỉnh Cao Bằng chủ yếu là người già và phụ nữ làm việc. Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN.

Thực tế, trong công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các giải pháp đồng bộ về khoa học kỹ thuật, vốn sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng đưa vào quy hoạch và từng bước được các địa phương thực hiện. Chẳng hạn như, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hà Quảng đã tổ chức cho lao động nông thôn áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất gừng, nghệ, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu các sản phẩm. Bước đầu, mô hình sản xuất gừng, nghệ tại các xã Lũng Năm, Vân An, Tổng Cọt (huyện Hà Quảng) và một số mô hình thanh niên lập nghiệp tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Quảng Uyên đã cho thu nhập ổn định, thu hút được nhiều lao động tại chỗ.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng Nông Minh Huân cho biết thêm, hiện nay việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xác định là gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, từ nguồn vốn phân bổ của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Sở  Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chỉ đạo Trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng đào tạo ba nghề là nghề hàn, nghề sản xuất ván nhân tạo và nghề vận hành máy thi công nền. Đây là ba nghề trọng điểm hướng tới việc khai thác tiềm năng sẵn có của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ có những giải pháp để tạo điều kiện cho lực lượng lao động trẻ các địa phương tham gia những khóa đào tạo ba nghề trọng điểm này.

Trên những ruộng mía ở xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa, chủ yếu là người già làm việc. Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN.
Trên những ruộng mía ở xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa, chủ yếu là người già làm việc. Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN.

Rời xa lũy tre làng để mưu sinh ở các trung tâm thành phố ngoại tỉnh trở thành xu thế của nhiều lao động trẻ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Xu thế này giúp lao động trẻ của tỉnh có cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập, có điều kiện học tập và tiếp cận tiến bộ của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, để phát huy được vai trò của lao động trẻ tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, đòi hỏi các ngành chức năng tỉnh Cao Bằng cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa, trong đó có việc đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lực lượng lao động này.
Chu Hiệu

Có thể bạn quan tâm