Dấu ấn sức trẻ từ Dự án 174 ở Điện Biên

Dấu ấn sức trẻ từ Dự án 174 ở Điện Biên
Đội viên Lường Thị Diên, đảm nhận cương vị Phó Bí thư Đoàn xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ), trao đổi, sẻ chia kinh nghiệm coong tác với lãnh đạo Đội sản xuất số 1- Đoàn Kinh tế quốc phòng 379. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN
Đội viên Lường Thị Diên, đảm nhận cương vị Phó Bí thư Đoàn xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ), trao đổi, sẻ chia kinh nghiệm coong tác với lãnh đạo Đội sản xuất số 1- Đoàn Kinh tế quốc phòng 379. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Sau hành trình vượt hàng chục km tuyến đường 4H đi huyện Mường Nhé - huyện cực Tây Tổ quốc, chúng tôi cũng đặt chân tới huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên). Sau cơn mưa xối xả, khung cảnh bản làng vùng cao của các huyện Nậm Pồ, Mường Chà bị bao phủ bởi hơi nước và cái lạnh tê buốt. Con đường đất dài hơn 1km về từ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 379 - Quân khu 2 (đóng chân tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) về Đội sản xuất số 1 trở nên trơn trượt, lầy lội, đầy ổ gà, hố trũng. Đây cũng là con đường mà đội viên trí trức trẻ tình nguyện Lường Thị Diên thường đi bộ từ địa bàn về Đoàn Kinh tế Quốc phòng 379 để báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn được giao. Triển khai dự án 174 đợt 4, cô gái trẻ Lường Thị Diên (28 tuổi) được tăng cường về công tác tại xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) đảm nhận cương vị Phó Bí thư Đoàn xã.

Lường Thị Diên tâm sự: “Tôi tốt nghiệp Khoa Nông - Lâm, Đại học Tây Bắc năm 2014. Sinh ra và lớn lên tại địa bàn xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tôi thấu hiểu những khó khăn, vất vả của đồng bào dân tộc vùng cao nơi đây. Đây cũng là lý do thôi thúc tôi đăng ký tham gia dự án với mong muốn được ở lại địa phương để phát huy sức trẻ, đem những kiến thức đã được học trên ghế nhà trường trợ giúp cho người dân thay đổi cách nghĩ, có tư duy phát triển kinh tế; dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt đời thường”.

Sau hơn 1 năm công tác tại địa bàn, Lường Thị Diên không nhớ hết những lượt xuống cơ sở tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân. Các bản xa nhất, khó khăn nhất như: Đệ Tinh, May Hốc, Đề Pua, Chăn Nuôi... đôi chân của Diên cũng đã đặt đến. Sự hiện diện của Diên đã giúp người dân ở nhiều bản làng biết cách phòng chống rét hiệu quả cho gia súc; trồng và chăm sóc các loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống bằng các mô hình kinh tế; người dân không còn di, dịch cư tự do, chặt phá rừng trái phép làm nương. Với sự năng động, sáng tạo và nhiệt huyết, Diên còn đóng góp cho công tác Đoàn của địa phương đi vào nề nếp; huy động sức trẻ thanh niên thực hiện hàng trăm buổi lao động nạo vét kênh mương, khắc phục hậu quả mưa lũ và trao hàng trăm suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Đội viên Lường Thị Diên, đảm nhận cương vị Phó Bí thư Đoàn xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ), đang kiểm tra, chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN
Đội viên Lường Thị Diên, đảm nhận cương vị Phó Bí thư Đoàn xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ), đang kiểm tra, chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Đánh giá về kết quả thực hiện của Dự án 174, Trung tá Vũ Kiên Cường, Đội trưởng Đội sản xuất số 1, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 379 - Quân khu 2, cho biết: “Trong quá trình hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại địa bàn, các đồng chí Đội viên của dự án 174 rất năng nổ, nhiệt tình, đem hết sức trẻ để cống hiến cho nhân dân ở nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nổi bật nhất trong hoạt động của các Đội viên là đã hướng dẫn cho bà con địa phương triển khai được các mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả rất tốt. Hiện nay, tất cả các xã đều biết trồng lúa nước 2 vụ. Các thôn bản có khoảng 50% hộ gia đình biết làm nhà hợp vệ sinh; biết cách phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm và biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt”.

Tại tỉnh Điện Biên, Dự án 174 thực hiện đợt 4 giai đoạn 2016 – 2018 có 35 Đội viên được tăng cường về các địa bàn khó khăn nhất tại các huyện như: Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên Đông… Đây là những Đội viên trẻ, có trình độ, nhiệt huyết, sáng tạo giúp cho cấp ủy chính quyền các địa phương những sáng kiến hay về đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân. Nhiều tri thức trẻ qua quá trình công tác đã khẳng định năng lực bản thân và được bổ nhiệm tại một số vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền, tham gia thực hiện có hiệu quả nhiều dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia như: Đề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé; xây dựng nông thôn mới; phòng chống ma túy, HIV AIDS nơi vùng biên…

Ông Mùa A Hòa, Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: Từ khi có sự giúp sức của các trí thức trẻ tình nguyện, kinh tế của địa phương có nhiều chuyển biến rõ rệt. Các tổ chức đoàn thể ở cơ sở được củng cố và đi vào hoạt động có nề nếp hơn. Các mô hình kinh tế nhỏ, phù hợp với điều kiện địa bàn mà các Đội viên đề xuất, thực hiện đã đổi thay nếp nghĩ, cách làm và giúp bà con tiếp cận được tư duy mới trong phát triển kinh tế xã hội. Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tại cơ sở của các Đội viên đã góp một phần không nhỏ trong việc ổn định, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.

Với những kết quả đạt được trong các đợt tăng cường từ năm 2010 đến nay, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện thuộc Dự án 174 đã ghi được dấu ấn tốt đẹp với cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào cộng đồng các dân tộc vùng sâu, vùng xa tại Điện Biên. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Đoàn Kinh tế Quốc phòng 379 - Quân khu 2, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa, dự án cần tăng cường số lượng Đội viên, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc nhằm thu hẹp những hạn chế về địa bàn rộng, đường xá đi lại khó khăn. Cùng với đó là sự quan tâm của các cấp ngành đối với điều kiện ăn ở, sinh hoạt, làm việc của các Đội viên tại cơ sở; bố trí biên chế việc làm cho các trí thức trẻ tình nguyện sau khi dự án kết thúc, để từ đó hình thành nên những đội ngũ cán bộ giàu nhiệt huyết, tận tâm và am hiểu đặc thù của từng địa phương.

Đại tá Dương Mạnh Hùng, Phó Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 379 - Quân khu 2 cho biết: Dự án 174 đã giúp mang lại nhiểu lợi ích thiết thực đối với nhân dân địa phương. Với kiến thức, trình độ lý luận đã được trang bị từ môi trường Đại học, các Đội viên đã áp dụng, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các lĩnh vực khuyến nông- khuyến lâm, từ đó đưa kinh tế gia đình của người dân phát triển, đời sống từng bước được nâng lên. Đại tá Dương Mạnh Hùng mong muốn rằng trong đợt 5, Chính phủ sẽ tạo điều kiện để đơn vị được tiếp tục nhận các Đội viên tri thức trẻ tình nguyện đưa đến các vùng sâu, vùng xa giúp cấp ủy chính quyền địa phương, nhân dân các dân tộc trên địa bàn ổn định chính trị và phát triển về kinh tế.

Với những kết quả đã đạt được, Dự án 174 đã ghi dấu ấn sức trẻ trên miền đất khó nơi cực Tây của Tổ quốc, thể hiện tinh thần không ngại khó, vượt gian khổ của lực lượng thanh niên trong thời đại mới với quyết tâm đưa các tỉnh miền núi khó khăn vươn lên, xóa dần khoảng cách với các tỉnh miền xuôi.

Hải An - Vũ Lợi

Có thể bạn quan tâm