Đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Cần Thơ

Đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Cần Thơ
Tổ hợp tác đan đát tại ấp Thời Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ giúp cho nhiều hội viên dân tộc Khmer có việc làm thu nhập ổn định. Ảnh: baocantho.com.vn
Tổ hợp tác đan đát tại ấp Thời Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ giúp cho nhiều hội viên dân tộc Khmer có việc làm thu nhập ổn định. Ảnh: baocantho.com.vn

Năm 2019, thành phố Cần Thơ đặt chỉ tiêu đào tạo nghề tối thiểu cho 20% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động, chưa qua đào tạo nghề và có nhu cầu học nghề (khoảng 440 người), đồng thời thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm sau đào tạo cho các học viên người dân tộc. Học viên được học tập trung tại các trường Cao đẳng nghề và các cơ sở dạy nghề với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người/khóa học. Người học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng) được hỗ trợ chi phí học nghề một lần cho từng đối tượng. Trường hợp đã hỗ trợ học nghề nhưng bị mất việc thì UBND quận, huyện xem xét tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm, tối đa không quá 2 lần.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố mở các lớp dạy nghề theo nhu cầu lao động của doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại địa phương. Doanh nghiệp tham gia đào tạo trên tinh thần tự nguyện và cam kết tiếp nhận học viên dân tộc thiểu số vào làm việc trong thời gian tối thiểu 1 năm sau khi tốt nghiệp. Hiện nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố đã đồng ý tham gia liên kết trong công tác đào tạo và tiếp nhận lao động là người dân tộc như Công ty Yamaha Motor Vietnam Chi nhánh Cần Thơ, Công ty may giày Taekwang, Công ty may giày Bitis, Nhà máy may Vinatex Cần Thơ... Dự kiến số lao động được đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại các đơn vị này là 300 người.

Ngành lao động thành phố cũng tập trung giải quyết dứt điểm những bất cập tồn tại trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động dân tộc thiểu số, nhất là trong việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của đồng bào hiện chưa được chú trọng đúng mức; nhiều ngành nghề học viên có nhu cầu thật sự lại không có trong danh mục đào tạo nghề. Theo thống kê của Ban Dân tộc thành phố Cần Thơ, hầu hết các cơ sở dạy nghề cho người dân tộc trên địa bàn hiện nay đều tập trung vào các ngành may gia dụng, may công nghiệp, đan lát, kết cườm hoặc nghề nông nghiệp... Trong khi đó, thế hệ thanh thiếu niên dân tộc có điều kiện tiếp xúc với tri thức, xu hướng mới thì lại quan tâm đến các ngành kỹ thuật, thiết kế, công nghệ thông tin hiện đại nhiều hơn; tuy nhiên những ngành này hầu như “vắng bóng” tại các lớp đào tạo.

Trước thực tế này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ chủ trương trong thời gian tới chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội và Phòng Dân tộc tại các quận, huyện trên địa bàn chủ động đăng ký và lựa chọn đơn vị đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động địa phương. Mục tiêu là đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, xây dựng các mô hình đào tạo nghề theo hướng phi nông nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho học viên. Bên cạnh đó, Sở tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; thường xuyên kiểm định chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo.

Trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có 27 dân tộc thiểu số đang cư trú với 36133 người, chiếm tỷ lệ 3,04% tổng số dân toàn thành phố. Số người trong độ tuổi lao động khoảng 21907 người; trong đó, số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo đang làm trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể khoảng 2190 người. 72% số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo có nhu cầu học nghề. Do đó, việc thực hiện các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố là rất cần thiết.
Hồng Giang

Có thể bạn quan tâm