Đánh thức vùng đất tiềm năng "Đà Lạt thứ 2” của Tây Nguyên

Đánh thức vùng đất tiềm năng "Đà Lạt thứ 2” của Tây Nguyên
Đường vào Khu du lịch sinh thái Măng Đen. Ảnh: dulichmangden.com
Đường vào Khu du lịch sinh thái Măng Đen. Ảnh: dulichmangden.com

Trong năm 2018, kinh tế của huyện phát triển ổn định, tăng trưởng đạt mức 16,2%. Sản xuất nông nghiệp được chú trọng với việc tập trung hỗ trợ giống đảm bảo cho nhân dân sản xuất theo kế hoạch. Cùng đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng được quan tâm thường xuyên.

Đặc biệt, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trồng thử nghiệm mô hình các loại cây dược liệu mới được đẩy mạnh. Nhờ đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 133,6 tỷ đồng. Thu hút đầu tư vào địa bàn có chuyển biến tích cực, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn đến tìm hiểu cơ hội. Kon Plông đang vươn lên thành vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Để từng bước thực hiện đánh thức “nàng tiên nữ giữa đại ngàn Măng Đen”, nhiều năm qua, chính sách phát triển mang tính đặc thù vùng đã được Đảng và Nhà nước phê duyệt với nhiều ưu đãi. Với địa thế ở nơi có độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, nhiệt độ tại Kon Plông mát mẻ quanh năm, thổ nhưỡng nơi này phù hợp với nhiều loại cây trồng giá trị cao...

Ngoài ra, vùng đất còn có nhiều danh lam thắng cảnh với hệ thống sông, suối, thác nước đẹp đã đưa vào sử dụng như: thác Pa Sỹ, hồ Ðắk Ke, Toong Ðam; đặc biệt Khu du lịch sinh thái Măng Ðen phù hợp du lịch dã ngoại... Ðây là tiềm năng thuận lợi để Kon Plông trở thành trung tâm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Hiện huyện Kon Plông đang thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhiều dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh, cá nước lạnh... Điển hình là dự án nông trại hữu cơ của các doanh nghiệp Hàn Quốc, Tập đoàn Vin Group, dự án du lịch sinh thái suối nước nóng của Công ty TNHH thực phẩm Quang Hiếu. Địa phương còn tập trung phát triển cây cà phê xứ lạnh gắn với chuổi liên kết tiêu thu sản phẩm trên địa bàn sáu xã (Hiếu, Pờ Ê, Măng Bút, Ðắk Long, Pờ Ê, Đăk Tăng) với tổng diện tích cà phê xứ lạnh đến cuối năm 2018 đạt 921,15 ha.

Người dân địa phương đã xây dựng thành công thương hiệu Kon Plông với nhiều loại cây trồng, nông sản như: bí nhật, cà chua bi, xà lách; hoa ly, hoa lan, dâu tây, đồng tiền; nấm các loại; vang sim, sâm dây; gạo đỏ... Các sản phẩm bắt đầu có chỗ đứng trên địa bàn và vươn ra nhiều tỉnh ở Tây Nguyên.

Ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon Plong cho biết, thời gian tới, huyện tập trung thu hút nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu Trung tâm huyện, khu du lịch, khu công nghiệp.

Huyện phát triển nông nghiệp đi vào chiều sau theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, công chức, công vụ với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bức phá, hiệu quả”.

Kon Plông đang chuyển mình thay da đổi thịt từng ngày với một diện mạo mới, sức sống mới đang hiện hữu. Sự sáng tạo của chính quyền địa phương và đồng lòng của người dân đã đánh thức tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này.
Quang Thái

Có thể bạn quan tâm