Đánh giá kết quả chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2020

Đánh giá kết quả chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2020
Trồng cà phê góp phần nâng cao đời sống. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
 Trồng cà phê góp phần nâng cao đời sống. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Tại hội nghị, đại biểu một số tỉnh, cơ quan đơn vị đã đưa ra những bài học, kinh nghiệm trong quá trình quản lý, thực hiện tái canh cây cà phê tại địa phương. Ông Vũ Hồng Long, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, trên địa bàn huyện hiện đang canh tác 45.000 ha cây cà phê. Địa phương này đã triển khai quyết liệt và xây dựng kế hoạch dài hạn để thực hiện tái canh cây cà phê. Trong 10 năm qua, huyện Di Linh đã tái canh trên 24.000 ha cây cà phê, trong đó tái canh trắng trên 14.000 ha, ghép trên 9.000 ha, trung bình mỗi năm thực hiện 2.500 ha. Sau khi thực hiện tái canh, năng suất tăng lên rõ rệt, có diện tích thu hoạch tới 7- 10 tấn/ha, còn trung bình đạt 3,2 tấn/ha. Ông Đoàn Thế Hiệu là một nông dân ở xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, gia đình ông canh tác 2 ha cà phê và nay đã tái canh toàn bộ diện tích trên. Trước đây, gia đình ông thực hiện ghép chồi, năng xuất chỉ đạt 2,5- 3 tấn/ha và chỉ thu hoạch được trong 1- 3 năm. Từ khi gia đình ông thực hiện ghép thân, năng suất cà phê đã tăng lên 5- 6 tấn/ha, tuổi thu hoạch lên tới 7 năm mà vẫn cho năng xuất cao… Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá, cây cà phê là cây nông sản chủ lực của Việt Nam. Hiện nay, các tỉnh chuyên canh cà phê đã thực hiện tái canh được trên 10%, nhưng tỷ lệ này vẫn còn thấp. Thứ trưởng đề nghị các tỉnh cần xác định tái canh là công việc thường xuyên, cần tiếp tục thực hiện bằng kinh nghiệm thực tiễn 10 năm qua và ứng dụng kỹ thuật mới; cần đánh giá lại từng mô hình thực hiện, tại sao Lâm Đồng thực hiện với diện tích tái canh cao, nhưng Đắk Nông, Gia Lai lại đạt thấp. Lâm Đồng tái canh chủ yếu theo phương pháp ghép trong khi các tỉnh khác lại trồng mới… Hiện nay, thế giới đang canh tác cà phê chè có giá cao, trong khi Việt Nam chủ yếu trồng cà phê vối, năng xuất cao nhưng giá thành thấp. Bởi vậy nên các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh cần nghiên cứu, phát triển thêm dòng cà phê chè, thêm các dòng đặc sản để làm phong phú, đa dạng, đồng thời tăng giá tri các sản phẩm cà phê Việt Nam…, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 9/2019, cả nước có 20 tỉnh trồng cà phê, tỉnh nhiều nhất là Đắk Lắk với gần 210.000 ha, Lâm Đồng trên 170.000 ha và Đắk Nông khoảng 130.000 ha. Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất cà phê tập trung chính của cả nước. Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới; trong đó đứng thứ nhất thế giới nhiều năm liền về sản xuất và xuất khẩu cà phê vối. Trong giai đoạn 2014 - 2020, tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên (tính đến tháng 6/2019) là 118.202 ha, đạt trên 98,5% kế hoạch; trong đó diện tích tái canh là 84.165 ha, diện tích ghép cải tạo là 34.037 ha (chủ yếu tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông). Tỉnh Lâm Đồng tái canh lớn nhất với trên 58.200 ha, Đắk Lắk gần 29.000 ha, Đắk Nông trên 16.400 ha; Gia Lai gần 12.000 ha, Kon Tum gần 2.800 ha... Để tái canh cà phê bền vững, Dự án VnSAT đã tham gia tổ chức đào tạo, tập huấn của dự án đã thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra: với 19.614 hộ nông dân, 19.322 ha được đào tạo, tập huấn các giải pháp kỹ thuật nhằm tái canh bền vững và thích ứng biến đổi khía hậu. Diện tích cà phê tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới, đã từng bước phát huy tiềm năng về năng suất và chất lượng cà phê nhân, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến 2025 tiếp tục duy trì ổn định diện tích 600.000 ha; năng suất 2,7-2,9 tấn/ha, sản lượng 1,8-2 triệu tấn/năm; tiếp tục tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗi, phấn đấu đến 2025 tái canh và ghép cải tạo thêm từ 30.000 – 40.000 ha…
Chu Quốc Hùng

Có thể bạn quan tâm