Dân vận khéo ở vùng biên giới Lai Châu (Bài 2)

Dân vận khéo ở vùng biên giới Lai Châu (Bài 2)
Bài 2 (Bài cuối): Vận động người dân phát triển kinh tế, bảo vệ biên giới

Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã thực hiện 4 cùng với nhân dân “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc” để tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới của người dân. Theo ông Chu Lê Chinh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu, Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, đồng bào dân tộc chiếm trên 85% nên làm tốt công tác dân vận đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biên giới, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc là nội dung rất quan trọng.
 
Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu thường xuyên phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và bà con nhân dân các xã vùng biên đi tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu thường xuyên phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và bà con nhân dân các xã vùng biên đi tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN

Để giúp nhân dân vùng biên nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới, bộ đội Biên phòng Lai Châu đã triển khai tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như tuyên truyền tập trung tại các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, sử dụng hệ thống loa truyền thanh không dây; tuyên truyền tận hộ dân... Nét nổi bật trong công tác dân vận mà bộ đội Biên phòng Lai Châu đã thực hiện là hướng dẫn nhân dân khai hoang để chăn nuôi, trồng trọt, định canh, định cư nơi biên giới, cùng với bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới.

Anh Phản Mô Chờ, bản Mô Chi, xã Pa Ủ (huyện Mường Tè) chia sẻ, bà con trong bản được cán bộ Đồn Biên phòng Pa Ủ giúp đỡ rất nhiều. Bộ đội Biên phòng vừa làm nhà cho dân, tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vừa hướng dẫn dân cách trồng cây sa nhân, trồng lúa nước, chăn nuôi bò.
 
Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu hướng dẫn bà con nhân dân sử dụng máy cày làm đất để trồng lúa nước. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu hướng dẫn bà con nhân dân sử dụng máy cày làm đất để trồng lúa nước. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN

Ông Ly Phí Giá, Chủ tịch UBND xã Pa Ủ khẳng định việc phối hợp với Đồn Biên phòng trong công tác dân vận, đặc biệt là tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, bảo vệ đường biên, mốc giới là nhiệm vụ quan trọng hàng dầu của địa phương. Mỗi tháng hai lần, xã cử dân quân tự vệ và người dân phối hợp với Đồn Biên phòng Pa Ủ tuần tra biên giới, bảo đảm an ninh quốc gia và giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.

Để giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đồn Biên phòng Pa Ủ đã hỗ trợ người dân triển khai mô hình nuôi bò tập trung, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước 2 vụ/năm và chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như thảo quả, sa nhân tím… Khi mới vận động bà con chuyển về sống tập trung tại các bản, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ nhận thấy bà con nhân dân vùng biên chưa quen với cách thức chăn nuôi khoa học nên nhiều dự án hỗ trợ của Nhà nước hiệu quả không cao. Rút kinh nghiệm từ những chương trình trước, năm 2016 khi Đồn Biên phòng Pa Ủ cùng các cấp, các ngành huyện Mường Tè và xã Pa Ủ triển khai mô hình nuôi bò tập trung ở hai bản Mô Chi và Tân Biên, đồn đã không giao con giống cho bà con tự chăm sóc mà cử cán bộ trực tiếp xuống cùng nhân dân chăn thả, chăm sóc tập trung. Nhờ đó tỷ lệ con giống sinh trưởng được đảm bảo, phát triển tốt, nhân dân tiếp thu, tích lũy được kinh nghiệm trong chăn nuôi.
 
Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu hướng dẫn bà con nhân dân nuôi bò tập trung và cùng nhân dân chăm sóc. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu hướng dẫn bà con nhân dân nuôi bò tập trung và cùng nhân dân chăm sóc. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN

Từ đàn bò ban đầu giao nhận là 40 con, sau gần 3 năm với sự hỗ trợ của các chiến sỹ Biên phòng trong cách chăn thả, chăm sóc, đến nay đàn bò của xã Pa Ủ đã phát triển lên 54 con. Theo kế hoạch, đến năm 2020, đàn bò sẽ nhân đôi, khi ấy Đồn sẽ bàn giao cho các hộ gia đình tự chăm sóc. Đây chính là mô hình giúp dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững ở một xã nghèo vùng biên giới.

Cùng với mô hình nuôi bò tập trung là mô hình thâm canh lúa nước. Năm 2018, Đồn Biên phòng Pa Ủ kết hợp với các hộ dân ở bản Hà Xi gieo cấy thử nghiệm giống lúa thơm với diện tích hơn 1 ha, bước đầu cho thu hoạch hơn 2 tấn/ha. Những mảnh đất bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm nay đã biến thành một màu xanh của sự no ấm. Những ruộng lúa nước xanh mướt giữa núi rừng đại ngàn đang trong thời kỳ sinh trưởng, phát triển, chuẩn bị làm đòng. Chị Ly Mò Mư ở bản Hà Xi, xã Pa Ủ cho biết, trước đây người La Hủ chỉ biết trồng lúa nương thôi. Có Bộ đội Biên phòng về hướng dẫn trồng lúc nước được nhiều thóc hơn nên giờ bà con La Hủ sẽ làm theo Bộ đội Biên phòng.

Thiếu tá Trần Hà Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết, nhờ thực hiện tốt công tác dân vận khéo đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng biên giới. Nhân dân tích cực lao động, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó nhân dân tích cực khôi phục, duy trì và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc, xóa bỏ tập tục lạc hậu; tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng; củng cố khối đại đoàn kết, giữ gìn an ninh, trật tự bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. (Hết)
Công Tuyên
TTXVN

Có thể bạn quan tâm