Đắk Nông tập trung khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất sau bão số 12

Đắk Nông tập trung khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất sau bão số 12
Bão số 12 làm hàng nghìn trụ tiêu gãy đổ, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân các huyện Krông Nô, Đắk Song, Đắk G’Long. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN
Bão số 12 làm hàng nghìn trụ tiêu gãy đổ, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân các huyện Krông Nô, Đắk Song, Đắk G’Long. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Theo báo cáo nhanh của các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, bão số 12 đã làm cho gần 250 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng, mất trắng ước thiệt hại hơn 15 tỷ đồng; nhiều đoạn kênh mương của các công trình thủy lợi cũng bị sạt lở do mưa lũ. Các huyện bị thiệt hại nặng về sản xuất do mưa bão là Krông Nô, Đắk G’long, Cư Jút…

Krông Nô là địa phương có diện tích cây trồng bị ảnh hưởng nặng nhất của tỉnh Đắk Nông do cơn bão số 12 gây ra. Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, thống kê của sơ bộ, toàn huyện có khoảng 150 ha cây trồng bị hư hại nặng. Diện tích cây trồng bị thiệt hại tập trung ở các xã Đắk Drô, Nâm N’Đir, Buôn Choah.

Đặc biệt, việc xả lũ của Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah đã làm cho dọc bờ sông Krông Nô qua địa phận các xã Đắk Nang, Đức Xuyên, Nâm Nđir nhiều khu vực bị sạt lở mạnh cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân.

Nhiều diện tích cây công nghiệp đang trong thời kỳ kinh doanh bị bão quật đổ rạp gây thiệt hại cho các nông hộ vài trăm đến cả tỷ đồng. Gia đình bà Hoàng Thị Hoà, thôn Đắk Tâm, xã Đắk Drô, huyện Krông Nô có 600 trụ tiêu kinh doanh bị ngã đổ hoàn toàn, thiệt hại ước tính khoảng 500 triệu đồng. Sau khi bão đi qua, gia đình bà Hòa đang huy động nhân công dựng lại vườn tiêu để vớt vát phần nào tài sản. “Thiệt hại của gia đình là rất lớn, mong chính quyền có biện pháp hỗ trợ để gia đình bớt đi phần nào khó khăn”, bà Hòa nói.

Ngay sau bão tan, UBND huyện Krông Nô đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan và các địa khẩn trương xuống thống kê thiệt hại để có hướng hỗ trợ cho bà con ổn định cuộc sống, sớm khôi phục lại sản xuất. Đồng thời, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ ở những nơi xung yếu để xử lý tình huống kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, nhất là trong thời điểm thủy điện BuônTua Srah xả lũ.

Việc khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau bão tại các huyện khác như Cư Jút, Đắk G’long cũng đang được người dân tiến hành khẩn trương.

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông cho biết, hiện tại các địa phương đang khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê chi tiết mức độ thiệt hại về diện tích cây trồng, vật nuôi để làm cơ sở hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Huy động lực lượng tại chỗ để giúp bà con sửa sang nhà cửa, vườn, khôi phục sản xuất.

Đối với với nhà cửa, hạ tầng giao thông, thủy lợi, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với các địa phương kiểm tra, đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại và đề xuất phương án khắc phục kịp thời đảm bảo an toàn cho công trình và ổn định đời sống nhân dân.

Tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ 15 tỷ đồng để kịp thời hỗ trợ kinh phí cho bà con khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Anh Dũng 

Có thể bạn quan tâm