Đắk Nông gặp khó khăn trong công tác quản lý rừng giáp ranh

Đắk Nông gặp khó khăn trong công tác quản lý rừng giáp ranh
Hàng trăm gốc thông đã bị đốn hạ, đốt cháy. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN
Hàng trăm gốc thông đã bị đốn hạ, đốt cháy. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông) được giao quản lý, bảo vệ gần 24.000 ha rừng, đất rừng tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Đây là đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng với diện tích lớn nhất tỉnh hiện nay và cũng là đơn vị có diện tích rừng nhiều nhất tại phía Nam tỉnh Đắk Nông.

Theo ông Phạm Hòa Dũng, Giám đốc Công ty, chủ trương đóng cửa rừng của Chính phủ là một chủ trương đúng, kịp thời, giúp đơn vị bảo vệ, quản lý diện tích rừng, trữ lượng rừng hiệu quả hơn. Việc cấm tuyệt đối khai thác rừng tự nhiên đã ngăn chặn được tình trạng lợi dụng chủ trương, định mức để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Nhờ vậy, đến nay độ che phủ, trữ lượng, chất lượng rừng đã tăng lên đáng kể và tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Bên cạnh việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có và để các khu vực đất trống đồi trọc tự tái sinh rừng tự nhiên, Công ty đang xin chủ trương Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và các ngành chức năng mở rộng diện tích rừng trồng. Việc làm này không nằm ngoài mục đích nâng cao độ che phủ, trữ lượng rừng cũng như chủ động nguồn nguyên liệu gỗ từ rừng trồng phục vụ sản xuất kinh doanh.

“Chúng tôi có nhiều thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ và nâng cao độ che phủ rừng. Đó là chủ trương kịp thời của Chính phủ và là cơ sở pháp lý quan trọng để tạo sự thống nhất trong thực thi của các cấp, ngành, đơn vị liên quan; đồng thời hiện có nhiều chính sách hỗ trợ về pháp lý cũng như tài chính trong công tác trồng rừng, phát triển rừng”, ông Dũng cho biết thêm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy đơn vị vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, nhất là tại khu vực giáp ranh với huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước). Nguyên nhân là do diện tích rừng Công ty được giao quản lý, bảo vệ rất lớn; địa hình nhiều khu vực đồi dốc, đi lại khó khăn. “Để đi đến được các lâm phần giáp ranh hai tỉnh Đắk Nông – Bình Phước, chúng tôi phải đi vòng hơn 100 km, nếu đi xuyên rừng bằng xe gắn máy phải mất từ 5 - 6 giờ mới đến nơi. Trong khi đó, người dân tại chỗ chỉ cần khoảng 30 phút là có thể vào được vùng lõi phá rừng, lấn chiếm đất sản xuất”, ông Dũng phân tích thêm.

Theo Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, hiện trong lâm phần do đơn vị quản lý vẫn còn tình trạng người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tiếp tục phá rừng và lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Chỉ tính riêng tại các lâm phần tiếp giáp với huyện Bù Gia Mập đã có hàng trăm hộ dân.

Ông Nguyễn Duy Tân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tuy Đức cho rằng, việc quản lý rừng, đất rừng tại khu vực phía Nam tỉnh Đắk Nông (giáp ranh với Bình Phước) gặp nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý rừng, đất rừng tại đây như: Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới, Công ty TNHH Hoàng Ba, Công ty TNHH đầu tư - thương mại Long Sơn… đều để mất rừng với diện tích lớn trong thời gian dài.

“Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng bùng phát vào những năm 2008 – 2009. Có đơn vị mỗi năm làm mất cả trăm ha rừng. Mặc dù tình trạng này đã giảm trong những năm gần đây, nhưng hiện vẫn chưa chấm dứt”, ông Tân thông tin.

Theo ngành chức năng huyện Tuy Đức, hiện nay việc giải quyết hậu quả của việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng trước đó vẫn còn khó khăn. Kết quả thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông đầu năm 2018 cho thấy, một số đơn vị để mất rừng với số lượng lớn trong thời gian dài như: Công ty TNHH Hoàng Ba (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) để mất hơn 200 ha; Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Bảo Châu (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) để mất gần 100 ha…

Do vậy, ngành chức năng hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước đang phối hợp để giải quyết tình trạng người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ yêu cầu được canh tác tại một số khu vực thuộc lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên.

Kết quả thẩm tra xác định, các hộ dân đều đã được cấp nhà ở và đất canh tác tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Việc các hộ dân vẫn tiếp tục phá rừng, lấn chiếm đất rừng là do tập quán của bà con, chưa hiểu rõ chủ trương đóng cửa rừng của Chính phủ cũng như công tác tuyên truyền chưa hiệu quả.

Ngành chức năng của huyện Tuy Đức đang xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và các đơn vị liên quan để giải quyết hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại khu vực giáp ranh với Bình Phước. Trong đó ưu tiên hàng đầu là chặn đứng tình trạng phá rừng theo yêu cầu của Chính phủ và giải quyết hài hòa các vấn đề của các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Hưng Thịnh

Có thể bạn quan tâm