Đắk Nông điều tiết, cân đối chi trả dịch vụ môi trường rừng

Đắk Nông điều tiết, cân đối chi trả dịch vụ môi trường rừng
Bảng thông báo một khoảnh rừng với diện tích hơn 23,5ha đã được một hộ dân M’Nông nhận giao khoán quản lý, bảo vệ. Ảnh: Ngọc Minh – TTXVN
Bảng thông báo một khoảnh rừng với diện tích hơn 23,5ha đã được một hộ dân M’Nông nhận giao khoán quản lý, bảo vệ. Ảnh: Ngọc Minh – TTXVN

“Sống” nhờ dịch vụ môi trường rừng

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông) là công ty lâm nghiệp có quy mô lớn nhất nhì tỉnh Đắk Nông hiện nay, có trụ sở chính đặt tại xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Hiện công ty được giao quản lý, bảo vệ hơn 23.000 ha rừng khu vực phía Nam tỉnh Đắk Nông (giáp với tỉnh Bình Phước).

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty Nam Tây Nguyên, hàng năm, đơn vị có gần 20.000 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Toàn bộ diện tích thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Nhờ một số thay đổi về chính sách, tiền dịch vụ môi trường rừng liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng trong các năm gần đây, có năm đạt trên 12 tỷ đồng.

“Đây là nguồn thu chính để chúng tôi đảm bảo việc quản lý, bảo vệ rừng, trong bối cảnh diện tích được giao quản lý, bảo vệ rộng hàng chục nghìn hecta. Trong khi việc khai thác lâm sản, chuyển đổi rừng bị cấm tuyệt đối. Thêm nữa, nhiều khu vực giáp ranh phức tạp, địa hình chia cắt, đi lại khó khăn", ông Nguyễn Ngọc Bình phân tích thêm.

Hiện nay, bên cạnh việc tập trung ngăn chặn các hành vi khai thác lâm sản, lấn chiếm đất lâm nghiệp, Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên còn triển khai nhiều giải pháp thí điểm về quản lý, bảo vệ rừng như: mô hình nông lâm kết hợp; giao khoán cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, quản lý, bảo vệ rừng tại một số khu vực phức tạp, khu vực giáp ranh…

Theo Chủ tịch Công ty Nam Tây Nguyên, kinh phí để thực hiện các nội dung này phần lớn cũng từ nguồn chi trả việc cung ứng các dịch vụ môi trường rừng. Việc thí điểm một số mô hình, cách thức quản lý, bảo vệ rừng mới để ổn định cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ một cách bền vững hơn đang là ưu tiên hàng đầu của đơn vị. Chủ trương này cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các ngành, các cấp liên quan.

Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động tại Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đạt gần 9 triệu đồng/tháng, thuộc loại cao nhất trong các công ty lâm nghiệp tại tỉnh Đắk Nông. Tiền dịch vụ môi trường rừng ở đơn vị này được chi trả hàng năm cũng thuộc loại cao nhất tỉnh.

Được biết, bên cạnh nguồn thu từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng, các công ty Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn có một nguồn thu quan trọng khác. Đó là nguồn hỗ trợ theo Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Chính phủ về việc phê duyệt đề án tăng cường quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 – 2020 (gọi tắt là Quyết định 2242). Theo đó, mỗi ha được hỗ trợ 200.000 đồng/năm.

Điều phối để bớt “thiếu trước, hụt sau”

Trái ngược với Công ty Nam Tây Nguyên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa (trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông, có trụ sở tại xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song) lại “dở sống dở chết” mấy năm nay vì thu không đủ chi. Lâm phần được giao cho Công ty Đức Hòa quản lý cũng là điểm nóng nhất nhì tỉnh Đắk Nông về tình trạng khai thác lâm sản trái phép; cũng như phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Theo ông Hoàng Thanh Lương, Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa, đơn vị được UBND tỉnh Đắk Nông giao quản lý gần 10.400 ha rừng, đất rừng. Theo thống kê mới nhất, tổng diện tích đất có rừng đơn vị đang quản lý chỉ hơn 4.500ha (chỉ chiếm khoảng 43% tổng diện tích được giao), phần diện tích còn lại (hơn 5.800ha) là đất đai người dân đã xâm canh, lấn chiếm và trồng các loại cây nông nghiệp, công nghiệp.

Đáng chú ý hơn, do phần lớn diện tích đất rừng Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa quản lý nằm trên lưu vực sông Sêrêpốk nên tiền dịch vụ môi trường rừng đơn vị nhận được rất thấp. Năm 2018, đơn vị chỉ nhận được khoảng 1,4 tỷ đồng (tương đương 310.000 đồng/ha/năm). Như vậy, tính thêm tiền hỗ trợ theo Quyết định 2242, tổng thu của Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa vào khoảng 2,2 đến 2,3 tỷ đồng/năm.

Cũng theo ông Hoàng Thanh Lương, tổng thu đạt thấp như vậy nên công ty thường xuyên trong tình trạng thu không đủ chi. Theo tính toán của công ty, tổng chi phí để đơn vị hoạt động mỗi năm tối thiểu là 3,7 tỷ đồng. Trong năm 2018, đơn vị đã phải “xin” UBND tỉnh Đắk Nông cấp thêm kinh phí 1,4 tỷ đồng để bù vào phần thiếu hụt.

Ngày 17/10 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2018. Theo đó, toàn bộ diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực sông Sêrêpốk của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được chi trả thêm số tiền hơn 135.000 đồng/ha. Với quyết định này, Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa được chi trả thêm hơn 500 triệu đồng so với năm trước.

Theo ông Hoàng Thanh Lương, việc được điều tiết, bổ sung tiền dịch vụ môi trường rừng có ý nghĩa rất quan trọng đối với công ty trong việc quản lý, bảo vệ rừng cũng như khuyến khích đội ngũ cán bộ, công nhân viên yên tâm công tác. Mong muốn của đơn vị là trong các năm tới, ngành chức năng tiếp tục có các chính sách, giải pháp kịp thời để giảm bớt sự chênh lệnh trong chi trả dịch vụ môi trường rừng giữa các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo 2 lưu vực chính: lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Sêrêpốk. Nhìn chung, mỗi hecta rừng thuộc lưu vực sông Đồng Nai được chi trả dịch vụ môi trường rừng cao hơn từ 2 – 2,5 lần so với thuộc lưu vực sông Sêrêpốk.

Việc điều phối tiền dịch vụ môi trường rừng được thực hiện từ năm 2018, nhằm giảm mức chênh lệch giữa hai lưu vực, đồng thời khuyến khích kịp thời hơn các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Năm nay, trên địa bàn toàn tỉnh, tổng số tiền mà các chủ rừng có diện tích được chi trả theo lưu vực sông Sêrêpốk nhận được gần 10 tỷ đồng.

Theo ông Lê Văn Quang, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông, việc điều tiết, cân đối kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông, lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng như nhiều đơn vị, cá nhân liên quan. Nhất là trong bối cảnh nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đang ngày càng quan trọng, thậm chí là vấn đề “sống còn” đối với nhiều đơn vị chủ rừng hiện nay.

Hưng Thịnh

Có thể bạn quan tâm