Đắk Lắk thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Đắk Lắk thiệt hại nặng nề do mưa lũ
Ngập lụt tại huyện Buôn Đôn. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Ngập lụt tại huyện Buôn Đôn. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Tỉnh lộ 1, tuyến giao thông huyết mạch nối thành phố Buôn Ma Thuột với các huyện biên giới Buôn Đôn, Ea Súp hiện tại ở nhiều điểm vẫn còn ngập sâu trong nước, gây khó khăn cho việc đi lại. Tại một số địa điểm nước ngập sâu, chảy xiết, lực lượng chức năng đã phải làm cọc tiêu hướng dẫn, hoặc lập rào chắn không cho các phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Ông Mai Văn Ân, Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ huyện Buôn Đôn, cho biết: Tuyến tỉnh lộ 1 đoạn qua huyện có hai điểm ngập lụt tại xã Ea Huar và xã Ea Wer. Hạt đã huy động lực lượng, cán bộ nhân viên phối hợp với lực lượng công an và chính quyền địa phương khắc phục những điểm ngập lụt. Đối với những điểm ngập lụt sâu, nguy hiểm thì đơn vị đã bố trí người kịp thời hỗ trợ nhân dân di chuyển và cắm biển cấm xe lưu thông nhằm đảm bảo an toàn trên tuyến tỉnh lộ.

Ông Khăm Phon Lào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn, cho biết, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 trên địa bàn huyện có mưa gió kéo dài từ 21 giờ ngày 6/8 đến 15 giờ ngày 7/8. Lượng mưa ước khoảng hơn 90 mm kéo dài nhiều giờ nên mực nước trên các ao hồ, sông suối đạt mức báo động 1. Nhiều xã bị ngập lụt cục bộ gây ngập úng cho một số hộ dân, các công trình công cộng và cây cối, hoa màu vụ hè thu năm 2019. Mưa lớn đã làm Trường Tiểu học Nguyễn Du và Trường Mầm non Hoa Anh Đào, Trạm Y tế xã Ea Wer ngập trong nước, nhiều thiết bị đồ dùng học tập bị hư hỏng. Tại các xã Ea Huar, Ea Wer, Ea Bar hàng trăm ngôi nhà đã bị đã bị nước tràn vào. Nhiều diện tích cây trồng bị nhấn chìm, vật nuôi bị cuốn trôi.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác trực tiếp xuống các xã chỉ đạo công các ứng phó, động viên nhân dân có nhà cửa bị ngập, cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại; di dời người dân có nhà cửa bị ngập đến nơi an toàn.

Tại huyện Ea Súp mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Mực nước hồ Ea Súp hạ hiện tại cao hơn mực nước dâng bình thường 50 cm, từ đêm ngày 6/8 hồ đã mở xả ba cửa. Để đối phó với lũ dữ, từ 5 giờ sáng cùng ngày UBND huyện Ea Súp đã huy động hàng trăm chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân tổ chức di dời người cùng tài sản, gia súc, gia cầm của dân đến vùng an toàn.

Tính đến cuối giờ chiều 7/8 mưa lũ đã làm hơn 6.010 ha cây trồng các loại, chủ yếu là lúa nước và các cây ngắn ngày bị ngập; 585 nhà bị ngập; 167 gia súc, 1.211 gia cầm bị chết. Nhiều tuyến đường giao thông bị ngập sâu, sạt lở chia cắt các thôn, các xã. Hầu hết các hệ thống kênh mương bị ngập, sạt lở (14 km kênh chính Đông, kênh chính Tây; 35 km kênh cấp I...). Ước tổng số tiền bị thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, các công trình của Nhà nước là hàng trăm tỷ đồng.

Ngập lụt tại huyện Ea Súp. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Ngập lụt tại huyện Ea Súp. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Ông Nguyễn Thiên Văn, Bí thư Huyện ủy Ea Súp, cho biết, hiện tại huyện Ea Súp chưa có thiệt hại về người, thiệt hại về cây trồng là khoảng 5.000 ha, chủ yếu là cây ngắn ngày như lúa, đậu, ngô… Lũ cũng cuốn trôi một số gia súc của người dân. Hiện còn bốn xã là Ea Rốk, Ia J’Lơi, Ia Lốp, Ia Rvê đang bị chia cắt do ngập lụt, người và phương tiện chưa lưu thông được. Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng chức năng như công an, quân đội, thanh niên cùng nhân dân tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn sau khi nước rút phải nhanh chóng tổ chức tiêu độc, khử trùng, đảm bảo đời sống nhân dân, kiên quyết không để đồng bào bị đói trong những ngày mưa lũ và dịch bệnh xảy ra trên người khi lũ rút.

Theo ông Đặng Văn Chiền, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, trong 12 giờ qua (từ 20 giờ ngày 6/8 đến 8 giờ ngày 7/8) trên địa bàn các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Buôn Ma Thuột có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được có nơi lên đến 363,4 mm. Trong 12 giờ tới thời tiết tại huyện nói trên tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, cá biệt có nơi mưa to, lượng mưa phổ biến 80 - 150 mm, có nơi cao hơn. Tại các xã thuộc huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’Gar có khả năng xảy ra lũ quét sườn dốc, sạt lở vùng ven sông, ngập úng vùng trũng thấp. Đặc biệt là Tỉnh lộ 1 (đoạn đi Buôn Đôn, huyện Ea Súp) có khả năng bị ngập sâu và chia cắt. Ngoài việc di dời dân thì huyện Ea Súp cũng cần có biện pháp chống lũ cho các hồ đập trên địa bàn.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã cử cán bộ tổ chức trực tại các vị trí đường bị nước ngập sâu, không cho người dân qua lại; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, di dời tài sản, vật nuôi. Các đơn vị quản lý hồ đang thực hiện các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình và nhân dân vùng hạ du.
Anh Dũng – Tuấn Anh

Có thể bạn quan tâm