Đắk Lắk khống chế được dịch lở mồm long móng

Đắk Lắk khống chế được dịch lở mồm long móng
Lợn bị lở mồm long móng được tập kết trước khi cho xuống hố chôn, tiêu hủy. Ảnh: Phan Quân - TTXVN
Lợn bị lở mồm long móng được tập kết trước khi cho xuống hố chôn, tiêu hủy. Ảnh: Phan Quân - TTXVN
Trước đó, ngày 22/12/2018, ổ dịch lở mồm long móng được phát hiện trên đàn bò 24 con của 10 hộ dân tại buôn Gram A1, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ. Sau gần một tuần đến ngày 27/12, số bò bị bệnh tăng lên 64 con của 19 hộ dân của hai buôn Gam A1 và Gam A2. Để ngăn chặn lây lan dịch bệnh và cảnh báo cho người dân, ngày 28/12, UBND thị xã Buôn Hồ đã công bố dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc; nghiêm cấm việc vận chuyển gia súc ra vào vùng có dịch. Bà Trần Thị Thêu, Trưởng trạm thú y thị xã Buôn Hồ cho biết: "Ngay sau khi xảy ra dịch bệnh đơn vị đã phối hợp với phòng chuyên môn Chi cục chăn nuôi và thú y triển khai các biện pháp khoanh vùng, tiêm phòng 800 liều vắc xin bao vây ổ dịch, sử dụng 30 lít hóa chất và 300kg vôi bột sát trùng chuồng trại, chữa trị cho đàn gia súc bị bệnh. Đến ngày 10/1/2019, toàn bộ 64 con gia súc bị lở mồm long móng đã được chữa trị khỏi bệnh, không có gia súc bị chết và không phát sinh thêm ổ dịch mới tại địa phương". Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, diễn biến thời tiết bất thường ảnh hưởng đến sức đề kháng của gia súc dễ phát sinh dịch bệnh; đặc biệt tập quán chăn thả rông gia súc của người dân, việc gia tăng mua bán, giết mổ gia súc trên địa bàn dịp cuối năm gây nguy cơ cao phát sinh dịch lở mồm long móng trên địa bàn. Thực hiện Chỉ thị số 25 của UBND tỉnh Đắk Lắk về tăng cường phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh đã hướng dẫn các Trạm chăn nuôi thú y, các huyện, thị xã, thành phố chủ động các biện pháp phòng dịch; trong đó, chú trọng bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi; triển khai tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc, thực hiện vệ sinh sát trùng chuồng trại chăn nuôi thường xuyên. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng yêu cầu các trạm kiểm dịch động vật phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào thị trường của tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, và các sản phẩm từ động vật không có nguồn gốc, hóa đơn vào địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo cho người dân về bệnh lở mồm long móng, các biện pháp phòng tránh để giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Phạm Cường

Có thể bạn quan tâm