Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019: Nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế

Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019: Nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổng Thư ký Đại lễ Vesak 2019 trả lời câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổng Thư ký Đại lễ Vesak 2019 trả lời câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN

Tại buổi họp báo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tổng Thư ký Vesak Liên hợp quốc 2019, cho biết: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12-14/5/2019 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam) với chủ đề: Cách tiếp cận của Giáo hội về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, tính đến thời điểm này đã có 1.650 đại biểu thuộc 570 phái đoàn quốc tế và cá nhân thuộc 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia Đại lễ, trong đó có các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Myanmar; Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống – Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan… Sẽ có 398 bài tham luận bằng tiếng Anh của các học giả quốc tế và 110 bài tham luận bằng tiếng Việt của các học giả trong nước được trình bày trong các diễn đàn của Đại lễ.

Diễn đàn của Đại lễ gồm các chủ đề: Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục; Phật giáo và cách mạng 4.0; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trả lời câu hỏi của các nhà báo tại buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trả lời câu hỏi của các nhà báo tại buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN

Tại Đại lễ còn có các hoạt động văn hóa tâm linh: Lễ tắm Phật truyền thống; Đàn lễ cầu nguyện âm siêu dương thái, quốc thái dân an, đất nước hội nhập phát triển theo nghi lễ Phật giáo truyền thống đặc trưng ba miền Bắc, Trung, Nam; Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; Các triển lãm ảnh về các chùa di sản thế giới của Việt Nam…

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Đại lễ, Bộ Công an và các cục chức năng của Bộ, Công an thành phố Hà Nội và Công an các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình đã có kế hoạch, phương án về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ… Ban Tổ chức đã phân khu riêng biệt rộng hơn 4.000 m2 dành riêng cho đầu bếp và chế biến các món ăn chay. Khu nhà ăn rộng 3.200 m2 dành cho tiệc buffet phục vụ các đại biểu chính thức. Các phật tử và nhân dân tham dự Đại lễ sẽ được phát cơm hộp miễn phí. Bộ Y tế giúp đỡ Ban tổ chức trong công tác chăm sóc sức khỏe và an toàn thực phẩm tại Đại lễ.  

Đại diện Phật giáo quốc tế trả lời câu hỏi của các nhà báo tại buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN
Đại diện Phật giáo quốc tế trả lời câu hỏi của các nhà báo tại buổi họp báo.
Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật Giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, khẳng định truyền thống lịch sử giá trị nhân bản của Phật giáo - một tôn giáo hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trong suốt chiều dài lịch sử, tăng cường mối quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Giáo hội Phật giáo các nước trên thế giới. Đồng thời, Đại lễ khẳng định nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế về tôn giáo.

Đại lễ cũng là dịp giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, văn hóa lịch sử, truyền thống và lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Thanh Tuấn

Có thể bạn quan tâm