Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Thanh niên miền núi đẩy mạnh khởi nghiệp

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Thanh niên miền núi đẩy mạnh khởi nghiệp
Những năm gần đây, phong trào nuôi hươu tại xã Cúc Phương, Nho Quan phát triển khá mạnh. Người dân xây dựng nhiều trang trại nuôi với khoảng 500 con nhằm thu hoạch lộc hươu, có thể thu về khoảng 5-6 tỷ đồng/năm. Trong ảnh: Đàn hươu của một hộ dân trong xã. Ảnh: Ninh Đức Phương - TTXVN
Những năm gần đây, phong trào nuôi hươu tại xã Cúc Phương, Nho Quan phát triển khá mạnh. Người dân xây dựng nhiều trang trại nuôi với khoảng 500 con nhằm thu hoạch lộc hươu, có thể thu về khoảng 5-6 tỷ đồng/năm. Trong ảnh: Đàn hươu của một hộ dân trong xã. Ảnh: Ninh Đức Phương - TTXVN

Nho Quan là huyện miền núi có số xã nghèo và tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất tỉnh Ninh Bình. Điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều khó khăn, song trong những năm qua cùng với sự định hướng, đồng hành, hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn, Hội, phong trào “Thanh niên Nho Quan thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng. Nhiều mô hình phát triển kinh tế, tổ hợp tác thanh niên hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho thanh niên trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Nằm biệt lập ở vùng núi, trang trại nuôi con đặc sản của anh Đinh Văn Vương (sinh năm 1989) thôn Sấm 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, là mô hình tiêu biểu của thanh niên Nho Quan phát triển kinh tế. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, năm 2006 với số vốn ít ỏi được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và của gia đình, anh Vương đầu tư nuôi 30 con dê thương phẩm. Sau khi tìm hiểu và được sự hỗ trợ của đoàn thanh niên cơ sở, anh Vương quyết định đầu tư xây dựng trang trại nuôi con đặc sản; nhận trồng, bảo vệ rừng nhằm tạo môi trường tự nhiên trong chăn nuôi. Trên diện tích 11 ha đất được giao, ngoài diện tích trồng cây lâm nghiệp, anh Vương đang đầu tư nuôi nhiều con đặc sản như ong, lợn, gà và trồng lan, mỗi năm cho tổng thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Ngoài anh Vương, đến nay đã có hàng trăm mô hình thanh niên phát triển kinh tế thành công ở huyện miền núi Nho Quan. Nhiều mô hình cho thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm như: Mô hình rau an toàn của anh Hà Văn Phương, thôn Chàng, xã Sơn Lai (150 triệu đồng/năm); mô hình trang trại VAC của anh Bùi Văn Sinh, thôn Đồng Bài, xã Quảng Lạc (150 triệu đồng/năm); mô hình trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Văn Khoan, thôn Vân Trung, xã Thượng Hòa (500 triệu đồng/năm)…

Bí thư Đoàn Thanh niên xã Cúc Phương Đinh Xuân Tuyến cho biết: Phong trào khởi nghiệp của thanh niên xã miền núi Cúc Phương được đông đảo đoàn viên, thanh niên tích cực hưởng ứng bằng những hành động thiết thực, cụ thể thông qua việc ra đời và phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Nhiều thanh niên đã chủ động, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên huyện Nho Quan thành công có vai trò rất lớn của các cấp bộ Đoàn trong việc phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm, hỗ trợ nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật… cho đoàn viên, thanh niên. Hàng năm, Hội Liên hiệp thanh niên huyện Nho Quan cũng phối hợp với Trung tâm hỗ trợ thanh niên nông thôn (Trung ương Đoàn), Tỉnh Đoàn Ninh Bình tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh cho thanh niên địa phương.

Đam mê với nghệ thuật điêu khắc từ nhỏ đã là động lực thôi thúc anh Nguyễn Văn Túc, xã Sơn Thành, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình mở xưởng sản xuất, điêu khắc tượng. Xưởng điêu khắc Thanh Túc với nhiều nhân công lao động cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm chính là kết quả của rất nhiều nỗ lực không biết mệt mỏi, mồ hôi, nước mắt và cả quyết tâm không ngừng nghỉ của chàng thanh niên trẻ. Bên cạnh đó, anh Túc còn nhận dạy nghề cho nhiều thanh niên, đoàn viên tại địa phương góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người lao động. Ảnh: Hải Yến -TTXVN
Đam mê với nghệ thuật điêu khắc từ nhỏ đã là động lực thôi thúc anh Nguyễn Văn Túc, xã Sơn Thành, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình mở xưởng sản xuất, điêu khắc tượng. Xưởng điêu khắc Thanh Túc với nhiều nhân công lao động cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm chính là kết quả của rất nhiều nỗ lực không biết mệt mỏi, mồ hôi, nước mắt và cả quyết tâm không ngừng nghỉ của chàng thanh niên trẻ. Bên cạnh đó, anh Túc còn nhận dạy nghề cho nhiều thanh niên, đoàn viên tại địa phương góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người lao động. Ảnh: Hải Yến -TTXVN

Huyện Đoàn Nho Quan cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức các lớp tập huấn về quản lý nguồn vốn vay và giải ngân vốn cho đoàn viên thanh niên. Đến nay, tổng số tổ vay vốn tiết kiệm do đoàn thanh niên quản lý là 78 tổ, với tổng dư nợ 70,9 tỷ đồng.

Phó Bí thư Huyện Đoàn Nho Quan Đinh Ngọc Vường cho biết: Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong huyện luôn đồng hành, khuyến khích thanh niên làm giàu trên mảnh đất quê hương, đặc biệt chú trọng định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ vốn vay cho thanh niên. Đến nay, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, hăng say lao động sản xuất trở thành những chủ trang trại, doanh nghiệp trẻ năng động, sáng tạo có thu nhập cao, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn huyện Nho Quan tiếp tục định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế, nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên hoạt động hiệu quả, góp phần cùng thanh niên miền núi thoát nghèo, ổn định cuộc sống và xây dựng quê hương.
Thùy Dung 

Có thể bạn quan tâm