Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ III - năm 2019

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ III - năm 2019
Quang cảnh đại hội. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Quang cảnh đại hội. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Đại hội đã bầu ra 59 đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc dự kiến diễn ra trong tháng 11/2020 tại Hà Nội.

Phát biểu tại đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Y Thông đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt, hiệu quả chính sách dân tộc giai đoạn vừa qua. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng dân tộc thiểu số đã chuyển biến tích cực, đồng bào luôn đoàn kết, có ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, chủ động trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông cũng lưu ý, Thanh Hóa cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc. Tỉnh Thanh Hóa cũng cần đặc biệt phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng; quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.
 
Đại diện Ủy ban dân tộc trao Bằng khen cho cá nhân và tập thể tiêu biểu có thành tích xuất sắc. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Đại diện Ủy ban dân tộc trao Bằng khen cho cá nhân và tập thể tiêu biểu có thành tích xuất sắc. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Thời gian tới, các dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, một lòng son sắt theo Đảng, phấn đấu thoát nghèo bền vững. Qua đó đưa đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày một nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh. Cụ thể mục tiêu đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo ở 11 huyện miền núi tăng 2,5 - 2,7 lần so với năm 2018 (bình quân khoảng 3,7 triệu đồng/người/tháng); tỷ lệ hộ nghèo giảm bằng bình quân chung của tỉnh; 100% đường giao thông thôn, bản được cứng hóa; 95% các công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu; 100% thôn, bản có điện lưới; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về giáo dục; 60% số xã ở 11 huyện miền núi phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm; kiên quyết xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc biên cương, Tổ quốc.
 
Trong 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ II - năm 2014, đồng bào dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, kinh tế - xã hội có bước phát triển khá toàn diện; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014 - 2018 đạt 8,7%. Đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Người nghèo đã tiếp cận thuận lợi, đầy đủ hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,3%/năm (theo tiêu chí nghèo đa chiều). Hiện nay, 100% số xã miền núi, vùng dân tộc đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 87%.

Nhiều phong trào thi đua yêu nước được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể phát động thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số hưởng ứng, tham gia. Đồng bào đã tích thực hiện học tập và làm theo Bác, phong trào “Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới”... Nhiều già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng trở thành tấm gương đoàn kết dân tộc, gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa.

Từ những phong trào thi đua trên đã xuất hiện nhiều gương sáng điển hình trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: Gia đình chị Hà Thị Xinh, người Mường (huyện Bá Thước), gia đình anh Lương Văn Dương, người Thái (huyện Ngọc Lặc), gia đình anh Ngô Xuân Phong, người Mường (huyện Cẩm Thủy),...

Tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban dân tộc Y Thông đã trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban dân tộc cho 9 cá nhân và 5 tập thể tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 1 tập thể và 1 cá nhân có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trịnh Duy Hưng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm