Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai lần thứ III - năm 2019

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai lần thứ III - năm 2019
Quang cảnh đại hội. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Quang cảnh đại hội. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Tham dự Đại hội có 248 đại biểu đại diện cho gần 500.000 người dân tộc thiểu số đến từ 24 thành phần dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đây là những điển hình trong phong trào Thi đua yêu nước ở địa phương, cơ quan, đơn vị trong giai đoạn 2014-2019.

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, luôn giữ vị trí trọng yếu trong xây dựng và bảo vệ đất nước với 25 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh.
Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết, để phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao ý thức năng lực tự lực, tự cường của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2024, Lào Cai sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Trong 5 năm qua, hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc và miền núi tỉnh Lào Cai luôn được đặc biệt quan tâm xây dựng và củng cố, hoạt động có hiệu quả.
Các cá nhân và tập thể vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Các cá nhân và tập thể vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Tính đến hết năm 2018, Lào Cai có gần 10.000 cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số (chiếm 32,6% toàn tỉnh), trên 18.500 đảng viên là người dân tộc thiểu số (chiếm gần 40%). Năng lực trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ vùng dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng thời, Lào Cai cũng phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số với những tấm gương tiêu biểu như: ông Hoàng Văn Tích, người có uy tín xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên; bà Lý Thị Chày, người có uy tín xã Minh Tân, huyện bảo Yên; ông Vàng A Tùng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ngải Thầu Thượng, xã Ngải Thầu, huyện Bát Xát; ông Ma Seo Páo, người uy tín thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát... Hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc và miền núi tỉnh Lào Cai ngày càng được xây dựng, củng cố, hoạt động có hiệu quả, đã trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Với trên 120 chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số miền núi và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, Lào Cai đã tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng dân tộc thiểu số, phát triển văn hóa - xã hội, nhất là hỗ trợ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai giảm nhanh, bình quân 5-6%/năm, đến hết năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 16,25%. Giai đoạn 2019-2024, Lào Cai đặt mục tiêu tiếp tục giảm nhanh hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm vùng đặc biệt khó khăn, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong vùng dân tộc thiểu số, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng. Để đạt mục tiêu trên, tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh yêu cầu các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị 40-CT/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh; Chương trình hành động của UBND tỉnh Lào Cai về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đến năm 2020... Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong việc thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc... Dịp này, 10 nghệ nhân có nhiều cống hiến trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của Lào Cai đã được nhận danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú"; 64 cá nhân và 1 tập thể nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" vì có nhiều thành tích trong công tác dân tộc tỉnh Lào Cai giai đoạn 2014-2018.
Hương Thu

Có thể bạn quan tâm