Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ III - năm 2019

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ III - năm 2019
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận những đóng góp của tỉnh Đắk Lắk với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đổi mới của đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mong muốn Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc Đắk Lắk tiếp tục đồng sức, đồng lòng xây dựng tỉnh giàu mạnh hơn nữa, đồng bào ngày càng có cuộc sống tươi đẹp, bình yên, hạnh phúc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Đảng và Nhà nước ta xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới. Trong thời gian qua, với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành trung ương, sự phối hợp của các đơn vị đứng chân trên địa bàn, sự hưởng ứng của đồng bào các dân tộc, tỉnh Đắk Lắk đã dấy lên phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần này là dịp để biểu dương các điển hình tiên tiến của tỉnh Đắk Lắk. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới và xây dựng Đắk Lắk giàu mạnh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh cùng đồng lòng tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác dân tộc. Cụ thể là nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, nhân dân về công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc; đổi mới về phương pháp và nội dung dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số; vận động già làng, trưởng bản, những cá nhân tiêu biểu làm lực lượng nòng cốt để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, vận động đồng bào tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước; quan tâm xây dựng và nhân rộng những điển hình tiên tiến trong từng dân tộc, từng địa bàn, chăm lo phát triển giáo dục đào tạo, phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào; quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cần sớm triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tiếp tục đẩy mạnh, huy động mọi nguồn lực phục vụ cho phát triển; đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh Đắk Lắk coi trọng mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với việc thực hiện các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, tiếp tục chăm lo các gia đình chính sách, tăng cường công tác dạy nghề, gắn với giải quyết việc làm của người lao động, nhất là đối với thanh niên dân tộc thiểu số. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng yêu cầu tỉnh Đắk Lắk phải thường xuyên nâng cao cảnh giác với âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công" nhằm góp phần giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự - an toàn xã hội, không để xảy ra "điểm nóng"; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, phát huy thành quả tốt đẹp quan hệ các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh bảo tồn và phát huy văn hoá các dân tộc ở Tây Nguyên; thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng và tôn giáo, gắn với chính sách dân tộc; kiên quyết ngăn chặn, không để kẻ xấu lợi dụng để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta. Tỉnh Đắk Lắk thành lập năm 1904. Toàn tỉnh hiện có 15 huyện, thị xã, thành phố; 184 xã, phường, thị trấn; trong đó có 4 xã biên giới, 608 buôn của đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh có 1,869 triệu người, với 48 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 35,7% dân số của tỉnh. Hiện có 2 huyện nghèo được thụ hưởng Chương trình 30a là M’Đrắk, Lắk; 51 xã đặc biệt khó khăn (trong đó có 1 xã biên giới) và 208 thôn, buôn đặc biệt khó khăn được vào diện đầu tư của Chương trình 135. Sau 5 năm thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả nổi bật, nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn, miền núi thực sự khởi sắc, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Buôn Ma Thuột hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng gấp 1,5 lần so với hiện nay; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 3-4%; nhựa hóa, bê tông hóa 98% các tuyến đường tỉnh, 93% các tuyến đường huyện, 66% các tuyến đường xã và liên xã; 62% số trường đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn buôn có trường hoặc lớp mẫu giáo; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã có bác sỹ. Tỉnh phấn đấu đưa tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn dưới 14%; 98% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình được sử dụng điện; 60% xã đạt tiêu chí quốc gia về chuẩn nông thôn mới. Đại hội đã bầu Đoàn Đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II; thông qua Quyết tâm thư. Nhân dịp này, 5 tập thể, 5 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 14 tập thể, 28 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen.

Anh Dũng – Tuấn Anh

Có thể bạn quan tâm