Cuộc sống người dân sau tái định cư các dự án thủy điện ở Quảng Nam còn khó khăn

Cuộc sống người dân sau tái định cư các dự án thủy điện ở Quảng Nam còn khó khăn
Phần lớn đất tái định canh bị đánh giá là kém màu mỡ, độ dốc lớn, không phù hợp sản xuất nông nghiệp.Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN
Phần lớn đất tái định canh bị đánh giá là kém màu mỡ, độ dốc lớn, không phù hợp sản xuất nông nghiệp.Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN
Trong những năm qua, thực hiện quy hoạch phát triển thủy điện theo phê duyệt, tỉnh Quảng Nam đã triển khai 25/46 dự án thủy điện; trong đó, 10 dự án thủy điện có di dân, tái định cư. 

Theo báo cáo giám sát của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh, trong 10 dự án thủy điện thực hiện di dân, tái định cư có 4 dự án lập phương án quy hoạch di dân, tái định cư theo quy định. Với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi 4 dự án thủy điện là 3.163 hộ; số hộ phải tái định cư theo quy hoạch là 1.749 hộ với 8.450 nhân khẩu. Trong đó, tái định cư tập trung là 1.069 hộ/5.325 nhân khẩu, tại 14 khu/28 điểm; tái định cư xen ghép là 381 hộ/1.908 nhân khẩu; tái định cư tự do 299 hộ/1.240 nhân khẩu. Đối với diện tích đất thu hồi để thực hiện 4 dự án thủy điện trên là hơn 8.062 ha. Tổng mức đầu tư bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư của 4 dự án là hơn 2.939 tỷ đồng.

Mặc dù, công tác bồi thường, di dân, tái định cư các công trình thủy điện thực hiện đảm bảo tiến độ; đa phần đất ở các khu, điểm tái định cư được bố trí gần các trục đường giao thông, khu sản xuất, cơ bản theo quy hoạch và phù hợp với đặc thù khu vực miền núi; kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh được đầu tư tương đối đồng bộ…

Tuy nhiên, đời sống người dân sau tái định cư thủy điện còn nhiều khó khăn. Cụ thể, đối với đất ở nhiều khu, điểm tái định cư chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt chưa đảm bảo nhu cầu tách hộ, giãn dân, gia tăng dân số; có những nơi bố chí đất ở không đúng phương án quy hoạch, bố trí ở nơi có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao, không đảm bảo an toàn nên sau tái định cư lại quy hoạch chuyển sang địa điểm mới.

Ngoài ra, nhà ở do chủ đầu tư xây dựng không phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào; chất lượng xây dựng không đảm bảo, nhiều công trình sau thời gian ngắn sử dụng đã xuống cấp hư hỏng; nhiều nơi có tình trạng người dân bỏ hoang sau khi nhận bàn giao hoặc xây dựng lại ngôi nhà cũ bên cạnh để sinh hoạt. Đồng thời, công tác quản lý chất lượng công trình công cộng tại các khu, điểm tái định cư còn hạn chế. Một số tuyến đường giao thông, hệ thống nước sinh hoạt sử dụng không lâu đã bị hư hỏng, xuống cấp không được duy tu, bảo dưỡng. Các công trình trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng xây dựng chưa đảm bảo tiêu chuẩn, không phù hợp với phong tục tập quán của người dân nên hiệu quả sử dụng không cao…

Đặc biệt, thực trạng chung của các khu, điểm tái định cư các thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là thiếu đất sản xuất nghiêm trọng; đất sản xuất bố trí không đảm bảo ổn định đời sống của người dân; không thuận lợi cho sản xuất nên người dân bỏ hoang.

Trưởng ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thị Tuyết Thanh cho biết, qua quá trình giám sát các công trình tái định cư của các thủy điện trên địa bàn Quảng Nam cho thấy, hầu hết các khu tái định cư còn nhiều khó khăn bất cập. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp của các hộ dân tại các khu, điểm tái định cư vẫn chưa được cấp, gây ảnh hưởng đến việc hưởng lợi của người dân từ công tác quản lý, bảo vệ rừng theo Nghị định 75 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ phát triển sản xuất và ổn định sinh kế của người dân sau tái định cư các dự án thủy điện theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện, gây ảnh hưởng đến người dân. Việc chuyển đổi tạo việc làm cho người dân sau tái định cư đã được thực hiện nhưng trình độ dân trí không cao, lớn tuổi nên việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề gặp khó khăn, có rất ít lao động địa phương làm việc tại các công ty thủy điện. Một số khu, điểm tái định cư chưa coi trọng việc bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống, dẫn đến một số di sản văn hóa truyền thống không được thực hành, bảo tồn, dễ bị biến dạng, mai một…
 
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, trước thực trạng trên, Chính phủ và các bộ ngành cần đánh giá cụ thể, toàn diện về lợi ích của việc xây dựng các công trình thủy điện mang lại so với những tác động tiêu cực về xã hội, môi trường, đất đai, hệ lụy về đời sống, sản xuất của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng hạ du, để xem xét việc đầu tư các dự án thủy điện thuộc thẩm quyền, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Ngoài ra, cần có quy định, cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy điện trích một phần nguồn thu từ thủy điện để duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho người dân sau tái định cư; đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng bị ảnh hưởng dự án; sớm tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt dự án ổn định sản xuất, đời sống cho người dân sau tái định cư theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Quảng Nam cần rà soát các dự án thủy điện theo quy hoạch; cân nhắc các tác động của thủy điện về xã hội, môi trường, đất đai, sinh kế của người dân khi có chủ trương đầu tư xây dựng, nhất là các dự án thủy điện có di dân, tái định cư, ảnh hưởng đến đất rừng; kiểm tra đánh giá toàn bộ các công trình xây dựng cơ bản tại các khu, điểm tái định cư về mức độ hoàn thành, chất lượng công trình và có những biện pháp xử lý tồn tại. Các công ty thủy điện cần phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại các khu, điểm tái định cư, hỗ trợ nguồn lực để địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo…
Trần Tĩnh

Có thể bạn quan tâm