Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:

Cô giáo trẻ nguyện gắn bó với ngôi trường vùng khó Cư San

Cô giáo trẻ nguyện gắn bó với ngôi trường vùng khó Cư San
Những đứa trẻ nơi đây đã coi cô Vân Nhi là mẹ. Ảnh: baomoi.com
Những đứa trẻ nơi đây đã coi cô Vân Nhi là mẹ. Ảnh: baomoi.com

Vượt 50 km đường rừng núi để đến trường

M’Đrăk là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, xã Cư San cách trung tâm huyện hơn 50km đường rừng núi, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông, dân tộc Dao di cư từ phía Bắc vào. Vì nhu cầu học tập của trẻ em nơi đây, năm 2010 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tô Hiệu được thành lập chỉ vỏn vẹn 11 cán bộ, giáo viên và 4 lớp học.

Cô Vân Nhi kể: Nhận quyết định về giảng dạy tại trường đầu năm 2012, ngày đầu tiên vì chưa rành địa hình nên cô đi nhờ xe một thầy giáo để vào trường. Từ 7h sáng bắt đầu xuất phát, 10km đầu tiên đường khá ổn, nhưng tiếp đó là quãng đường lầy lội sau những ngày mưa dầm, ổ voi ổ gà nhiều không đếm xuể, những vũng bùn sâu trơn trượt, có đoạn đá lởm chởm làm cho bánh xe liên tục chệch hướng. Loay hoay suốt 2 tiếng đồng hồ cũng chỉ đi được tầm 30km, vì đường trơn trượt không thể lái xe, các thầy cô xuống dắt bộ hàng cây số, có đoạn cả hai phải hợp sức lôi xe lên khỏi vũng lầy mới đi tiếp được. Quãng đường 50km cứ thế lùi về sau, khi đến trường cũng đã gần 11h trưa. Hỏi ra mới biết, con đường đến trường sẽ luôn là như thế, mùa nắng thì lồi lõm xóc tưng bừng, còn mùa mưa thì sình lầy nhiều không kể xiết. Càng về sau, cô Vân Nhi còn được trải nghiệm nhiều cung đường đến trường “thú vị” hơn: Băng qua rừng hoặc đi vòng qua huyện khác, vượt đò qua suối lớn mới đến được trường, có lúc hỏng xe dắt bộ trong rừng hay có những ngày thời tiết quá xấu phải đi 8 tiếng mới đến nơi.

Những khó khăn ban đầu dần dần qua đi, cô giáo trẻ sinh năm 1989 vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, gần gũi với học trò để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em. Thời gian rảnh, cô ghé thăm nhà học sinh để biết thêm về phong tục tập quán nơi đây.

Năm 2014, cô Vân Nhi lập gia đình với một thầy giáo dạy cùng trường. Sau lần đầu mang thai bị sảy, lần mang thai thứ hai, cô Nhi phải nằm bất động suốt 3 tháng để điều trị. Bước sang tháng thứ 5 của thai kì, cô trở lại trường nhưng không được về nhà mỗi cuối tuần vì quãng đường đi khó khăn quá. Cuối năm 2016, cô Vân Nhi sinh con khỏe mạnh bình thường nhưng khi con được 4 tháng tuổi, cô phát hiện con có những cơn co giật bất thường. Bác sĩ kết luận con cô có điểm bất thường ở não bộ nên gây ra các cơn co gồng mất ý thức. Thật may mắn, qua một thời gian điều trị, con đã đỡ nhiều, giảm dần những lần co giật nhưng vẫn ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và vận động, bởi vậy con non nớt và chậm hơn các bạn cùng lứa tuổi.

Hết thời gian nghỉ sinh, hai vợ chồng cô Vân Nhi đưa con vào trường. Có những lúc vì làm công tác đoàn thể nên cả hai vợ chồng đều bận, cô phải nhờ ông ngoại vào trông con.

Có lần trường tổ chức trung thu vào buổi tối, chồng cô đi công tác nên cô phải nhờ ông ngoại trông con giúp. Khi xong việc, cô về phòng cũng là lúc con lên cơn co giật, kéo dài gần 10 phút khiến cô hoảng loạn khóc ngất. May thay con dần hồi tỉnh. Nghĩ lại, cô vẫn sợ bởi đêm hôm tìm cách đến được bệnh viện huyện là cả một vấn đề lớn. Dù khó khăn triền miên nhưng thực sự chưa bao giờ cô nản chí, tự hứa sẽ không bỏ cuộc, một lòng gắn bó với mái trường này.

Đến tuổi con đi học mẫu giáo, vợ chồng cô Vân Nhi gửi con ở thị trấn cùng ông bà để tiện đi học. Sáng thứ 2, vợ chồng cô lại xuất phát lúc 4 giờ sáng về trường, trong tuần hễ rảnh được lúc nào cô lại chạy về với con.

Thương con nên có những đợt luân chuyển giáo viên vào cuối năm học, chồng cô Nhi muốn cô xin chuyển về gần nhà. Vợ chồng cô nhiều lần tranh cãi về việc này nhưng cô Nhi không muốn chuyển công tác.

Vân Nhi chia sẻ: May mắn khi cô luôn có mẹ ở bên. Mẹ cô là hiệu trưởng về hưu, thường động viên cô cố gắng công tác tốt, hoàn thành nhiệm vụ cao cả của một giáo viên vùng sâu, ở nhà đã có mẹ giúp trông cháu nên không cần nghĩ nhiều mà hãy làm theo điều lương tâm mách bảo. Vì vậy, cô chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình.

Tấm lòng luôn hướng về học trò

Trong cuộc trò chuyện với cô Vân Nhi, có thể thấy điều khiến cô trăn trở nhiều nhất chính là sự thiếu thốn, vất vả của học trò nghèo nơi vùng khó.

Những lúc rảnh rỗi, cô thường xuống khu nhà bán trú của học sinh để hòa vào cuộc sống thường ngày của các em. Đó là những dãy nhà tạm bằng ván, giường cũng bằng ván, mái tôn pro-xi măng. Cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả nên các em còn thiệt thòi nhiều lắm. Kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho học sinh hai buổi ăn trưa và tối, còn buổi sáng thì tự túc. Mỗi sáng vào lúc 4 giờ 30 đến 5 giờ, các em dậy gọi nhau đi nấu cơm, nấu canh để ăn bữa sáng. Thức ăn là mắm muối dầm với ớt, rau luộc, bí xào, hoặc “cao cấp” hơn nữa là cá khô, trứng hoặc mì tôm.

Vì thế, cô Nhi thường đi vận động bạn bè, người thân chia sẻ với các em nhiều đồ dùng cũ như áo quần, giày dép, mũ, sách truyện, báo… Mọi người cùng hào hứng chung tay giúp các em học sinh nghèo.

Với giọng rưng rưng, cô Vân Nhi kể nhiều về hoàn cảnh học sinh dù cô đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể giúp các em đến trường đi học. Có gia đình, cha mẹ đi làm thuê ở xa, để 5 anh em ở nhà tự chăm nhau. Anh lớn nhất học lớp 4 đã phải lo cho 4 đứa em. Nhiều lần cô Nhi đến thăm, thấy mấy anh em nhịn đói, cô mua đồ ăn cho các em, nhìn các em ăn vồ vập, ngấu nghiến mà thương trào nước mắt. Hay như em Giàng Thị Hà, học rất giỏi nhưng đang lớp 8 phải nghỉ học ở nhà để đi làm, chăm mẹ tàn tật. Cô Vân Nhi đã cố gắng xin học bổng hỗ trợ em, nhưng không đủ nuôi sống gia đình em để em yên tâm trở lại trường học.

Có năm học, khi đọc học bạ của học sinh, cô Vân Nhi gặp hai chị em trong một gia đình cùng học một lớp nhưng cha mẹ đều mất, người đỡ đầu là ông nội. Khi tìm hiểu, cô thấy hoàn cảnh của các em vô cùng khó khăn, đã là người dân tộc thiểu số lại không có bố mẹ chăm sóc. Cô thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên, ủng hộ cả vật chất và tinh thần để các em kiên trì đến lớp.

Bản thân cô Vân Nhi cũng đang hỗ trợ một học sinh ra học trung học phổ thông tại thị trấn. Em Ma Văn Chương, sau khi học hết lớp 9, được gia đình cô Nhi hỗ trợ tối đa tiền ăn học, sinh hoạt và tặng 1 chiếc xe đạp. Đã 2 năm nay, cứ cuối tuần em về nhà, đầu tuần lại quay trở lại thị trấn để đi học.

Cùng với cô Vân Nhi, các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tô Hiệu đã góp phần từng bước cải thiện cuộc sống và điều kiện học tập của học trò nơi đây. Từ một ngôi trường bé nhỏ, nay trường đã khang trang rộng rãi với đội ngũ cán bộ, giáo viên lên đến 42 người, có 4 khối với 15 lớp, sĩ số học sinh lên đến hơn 500 em.

Cô Vân Nhi bày tỏ: Nếu nói rằng sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp trồng người thì cô tin chắc rằng, hãy cứ yêu nghề, đam mê, hãy cứ truyền cảm hứng kể cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, nhất định sẽ gặt hái được quả ngọt. Cô cũng mong muốn có thật nhiều giáo viên giàu lòng nhiệt huyết đến đây công tác, giúp bù đắp phần nào những khó khăn mà học sinh vùng dân tộc thiểu số đang trải qua. Và trên hết, các thầy cô nơi đây luôn mong các ban, ngành, lãnh đạo cấp trên quan tâm đến những ngôi trường vùng sâu, vùng xa ở nhiều nơi trên đất nước này, để trẻ em được đến trường, được yêu thương và chăm sóc đủ đầy.
Việt Hà

Có thể bạn quan tâm