Chuyện người đi gieo chữ ở vùng cao Tây Bắc (Bài 1)

Chuyện người đi gieo chữ ở vùng cao Tây Bắc (Bài 1)
Bài 1: Nặng lòng với miền đất khó

Nhiều thầy cô giáo từ miền xuôi lên vùng cao, biên giới công tác, tận mắt thấy cuộc sống khó khăn nơi đây muốn bỏ về, nhưng nhìn khuôn mặt học sinh nhem nhuốc, ánh mắt hồn nhiên, trìu mến như muốn níu kéo nên thương trò, rồi họ quyết định ở lại và gắn bó với mảnh đất biên viễn nắng và gió này.
 
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu Học Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: Quý Trung - TTXVN
 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu Học Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu).  Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Thương trò vùng sâu

Chúng tôi đi xe ô tô từ thành phố Lai Châu hơn gần ngày đường mới vào trung tâm xã Pa Ủ của huyện Mường Tè (Lai Châu). Pa Ủ thuộc là xã biên giới, tất cả dân địa phương là dân tộc La Hủ, đời sống rất khó khăn. Thầy cô giáo phải thường xuyên trèo đèo, lội suối về các bản, gặp phụ huynh để vận động đưa học sinh ra lớp. Về trường ở bán trú, học sinh được thầy cô giáo yêu thương như con, mua quần áo, dày dép và lo lắng từ miếng ăn đến giấc ngủ.
 
Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 2- trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu Học Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) cách đọc bài môn tiếng Việt. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 2- trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu Học Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu)  cách đọc bài môn tiếng Việt. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Sau giờ học trên lớp, các em cùng các thầy cô giáo ra vườn chăm sóc luống rau xanh và hái rau về cải thiện bữa ăn tối. Trời đông biên giới lạnh, chúng tôi trò chuyện ấm cúng bên mâm cơm gia đình thầy giáo Hà Ánh Hùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Pa Ủ. Thầy giáo Hùng cho biết, xã Pa Ủ thuộc địa bàn biên giới, cách xa trung tâm huyện và tỉnh, khó khăn về nhiều mặt, trình độ dân trí thấp, giao thông cách trở… giáo viên miền xuôi lên công tác, nếu không chịu khó, không yêu nghề, yêu trẻ, sẽ bỏ về.

Theo thầy Hà Ánh Hùng, giáo viên phải vượt qua nhiều khó khăn để mang con chữ lên với vùng đặc biệt khó khăn biên giới. Những dịp hè, tết, giáo viên phải về trường sớm so với các vùng thuận lợi khác, để vận động, đưa các em về trường học chữ. Các em về trường rồi, giữ các em lại càng khó hơn. Vì vậy, bằng tình yêu thương, các thầy cô đã chăm sóc các em như con mình, tổ chức các hoạt động để học sinh muốn ở lại trường, không bỏ về bản.
 
Hoạt động ngoài giờ học sinh chăm sóc vườn rau, tăng gia sản xuất giúp cho học sinh có thêm kỹ năng trong cuộc sống. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
 Hoạt động ngoài giờ học sinh chăm sóc vườn rau, tăng gia sản xuất giúp cho học sinh có thêm kỹ năng trong cuộc sống. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Nhớ lại buổi đầu vào Pa Ủ nhận công tác, thầy giáo Hùng chia sẻ: Năm 2007, anh lên mảnh đất này dạy chữ, chưa có điện thắp sáng và sóng điện thoại, giao thông đi lại vất vả. Học sinh ít, trường lớp tạm bợ, nơi ăn chốn nghỉ của thầy cô và trò chật vật. Học sinh bỏ học theo bố mẹ vào rừng ở, tỷ lệ chuyên cần thấp...  Trong những năm qua, chính sách đầu tư của Nhà nước cho vùng biên giới, đặc biệt là dân tộc La Hủ, hiện nay đời sống của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 94% (năm 2015) xuống còn 72%. Cơ sở vật chất đường, điện, trường, trạm được đầu tư khang trang, kiên cố. Phụ huynh quan tâm đến việc học của con cái nên tỷ lệ chuyên cần luôn đạt 95%.

Trong bữa cơm, tôi hỏi cô giáo Bùi Thị Tháp (vợ thầy Hùng) có nhớ các con ở quê không? Thầy Hùng thay lời vợ nói “nhớ cũng đành chịu”. Cô giáo Bùi Thị Tháp quê ở Hòa Bình lên vùng đất khó Pa Ủ công tác, cạnh trường của thầy Hùng. Thương cảnh nam giới ở một mình, cô giúp thầy Hùng bữa cơm, giặt hộ bộ quần áo, rồi nảy sinh tình cảm. Năm 2009, họ nên duyên vợ chồng, tổ chức đám cưới tại bản Mu Chi trong niềm vui hân hoan của đồng nghiệp và học sinh, phụ huynh. Từ đó đến nay, vợ chồng thầy giáo Hùng gắn bó với đất và người Pa Ủ, không muốn rời xa. Vì công việc, vợ chồng thầy Hùng phải gửi hai con nhỏ cho ông bà nội chăm sóc, mỗi năm được hai dịp hè và Tết về nhà. Hết phép, vợ chồng chia tay con về trường công tác, lòng quặn thắt. Nhớ con bao nhiêu, họ lại dồn tình yêu thương cho những đưa trẻ vùng cao.

Vượt khó cắm bản
 
Nói đến dạy và học ở các điểm trường lẻ vùng cao của một trong những huyện nghèo nhất của cả nước là nghĩ ngay đến những gian khó, vất vả. Những ngày này, trên những điểm trường xa xôi, khó khăn ấy ở huyện vùng cao Bát Xát (Lào Cai), đội ngũ các thầy cô giáo vẫn miệt mài gắn bó với công việc "gieo chữ", ươm những mầm xanh.

Những ngày đầu bỡ ngỡ đặt chân đến điểm trường Mầm non Ngải Thầu, xã Dền Thàng, huyện Bát Xát, Lào Cai, hai cô giáo trẻ Lê Thị Tuyết và Trương Bích Hương thật khó để hình dung chặng đường sắp tới sẽ khó khăn như thế nào. Khung cảnh hoang vu, hẻo lánh trước mắt khác xa với những gì các cô mường tượng về một ngôi trường khang trang, đủ đầy tiện nghi khi còn ngồi trên giảng đường. Giấc mơ ấy giờ hiện lên trần trụi với những trận gió rít lạnh lẽo, đường núi đá lởm chởm, sự khác biệt về ngôn ngữ văn hóa với người dân bản địa và cả những cô đơn chờ đón.

Nói về gian khó khi đặt chân lên xã Dề Thàng của huyện Bát Xát, cô giáo Lê Thị Tuyết chia sẻ: Thật ngỡ ngàng, không thể tin được vào mắt mình! Quãng đường 35km ở dưới xuôi rất bình thường, nhưng so với trên này càng đi càng thấy xa. Những ngày đầu, tôi đã khóc vì quá vất vả, nhớ nhà. Lên đến đây, nhà ở quá tạm bợ, chật chội, hiu quạnh, chỉ có núi nối núi và rừng thăm thẳm, mọi thứ đều mông lung. Cô đã định bỏ về nhưng vì nghề nên cố gắng ở lại.

Điểm trường Mầm non Ngải Thầu cách trung tâm hơn 10 km, nhưng đường trơn trượt, gồ ghề nên đi mất gần một giờ đồng hồ, đây là điểm xa nhất của xã Dề Thàng. Cô giáo Tuyết và cô giáo Hương gắn bó với điểm trường này 5 năm rồi, nhiều lần đi ra đi vào bị ngã xe, lấm lem bùn đất, nhưng đi nhiều, ngã nhiều rồi cũng quen. Năm học 2019 - 2020, điểm bản có 41 cháu mầm non, con em của đồng bào dân tộc Mông.

“Khó khăn như vậy nhưng khi nhìn thấy học sinh thân yêu, lòng yêu nghề lại trỗi dậy mạnh mẽ. Các em học sinh mặt nhem nhuốc, mắt đen lay láy vô tư tinh nghịch. Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, còn nhỏ tuổi, nhưng các em học sinh đã phải vừa giúp đỡ việc gia đình vừa đi học. Học sinh chăm ngoan, nghe lời, đã bù đắp lại những khó khăn thiếu thốn của các thầy cô giáo cắm bản nơi đây”, cô giáo Trương Bích Hương cho hay. (Còn tiếp)
 
Việt Hoàng - Lục Thu - Khánh Cường
TTXVN

Có thể bạn quan tâm