Chuyển biến tích cực trong công tác xử lý chất thải y tế ở Tuyên Quang

Chuyển biến tích cực trong công tác xử lý chất thải y tế ở Tuyên Quang
Thực hiện nghiêm quy định về xử lý rác thải y tế

Xác định được tính chất nguy hại của rác thải y tế, lãnh đạo ngành y tế tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của Bộ Y tế, đồng thời quán triệt đến các cơ sở y tế thực hiện nghiêm các quy định trong công tác quản lý, phân loại rác thải y tế tại các bệnh viện. Tại Bệnh viện đa khoa Na Hang, các thùng đựng, túi đựng chất thải được bệnh viện mua sắm đầy đủ và sử dụng hiệu quả, việc phân loại rác thải y tế được chú trọng ngay tại nơi phát sinh theo đúng quy định.

Hệ thống xử lý rác y tế trên 22 tỷ đồng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải cho bệnh viện và các cơ sở y tế quanh vùng. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Hệ thống xử lý rác y tế trên 22 tỷ đồng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải cho bệnh viện và các cơ sở y tế quanh vùng. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Là một trong những bệnh viện lớn nhất tỉnh, Bệnh viện đa khoa Tuyên Quang từng là điểm nóng về tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong quá trình xử lý rác thải y tế. Thế nhưng hiện nay, nhờ Bộ Y tế đầu tư khu xử lý chất thải tập trung mà tình trạng ô nhiễm đã không còn.

Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Trọng Thuật, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, trung bình một ngày bệnh viện có khoảng 150 kg rác thải lây nhiễm cần xử lý, tuy nhiên trước đây bệnh viện chỉ có một hệ thống lò đốt đã xuống cấp, gần như 100% rác thải y tế kể cả độc hại và không độc hại đều mang đốt. Do bệnh viện nằm ngay trung tâm thành phố, hệ thống xử lý rác lạc hậu nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân trong khu vực. Giờ đây, được Bộ Y tế đầu tư một hệ thống xử lý rác y tế hiện đại, trị giá trên 22 tỷ đồng, tất cả rác thải lây nhiễm và không lây nhiễm đều được xử lý triệt để, nước thải của các phòng xét nghiệm, của bệnh nhân đều được xử lý đạt tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bà Đỗ Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong thời qua nhận thức của cán bộ y tế và lãnh đạo các đơn vị trong ngành y tế về vấn đề xử lý rác thải y tế đã có nhiều sự thay đổi. Ai cũng ý thức được tác hại khôn lường nếu rác thải y tế lọt ra ngoài môi trường, từ nhận thức đó mà tất cả nhân viên y tế ở các cơ sở y tế đã thực hiện phân loại rác thải theo đúng quy định. Đặc biệt, thời gian qua ngành y tế Tuyên Quang còn được đầu tư 2 hệ thống xử lý chất thải rắn ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang và Bệnh viện Đa khoa huyện Hàm Yên. Đây là 2 hệ thống xử lý rác thải hiện đại có công suất lớn, không chỉ đảm bảo tiêu hủy được rác thải cho 2 bệnh viện đó mà còn cho các cơ sở y tế lân cận.

Hệ thống xử lý rác y tế trên 22 tỷ đồng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải cho bệnh viện và các cơ sở y tế quanh vùng. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Hệ thống xử lý rác y tế trên 22 tỷ đồng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải cho bệnh viện và các cơ sở y tế quanh vùng. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Cần sự chung tay của các ngành

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xử lý rác thải y tế, tuy nhiên do đặc thù là tỉnh miền núi, hệ thống các lò đốt ở các bệnh viện tuyến huyện đã được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp nhưng không có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xử lý rác thải y tế.

Bác sĩ Phạm Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Na Hang thừa nhận, hiện nay lò đốt của Bệnh viện đã xuống cấp. Ngoài ra, do vị trí đặt lò đốt quá gần nhà dân nên mỗi lần xử lý rác vẫn gây mùi khó chịu cho các hộ xung quanh.

Nhân viên y tế ở các cơ sở y tế Tuyên Quang thực hiện phân loại rác thải theo đúng quy định. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Nhân viên y tế ở các cơ sở y tế Tuyên Quang thực hiện phân loại rác thải theo đúng quy định. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Tuyên Quang hiện có 14 bệnh viện công lập và gần 190 cơ sở y tế tư nhân. Hệ thống y tế ngày càng hoàn thiện đang dần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân đến các cơ sở y tế ngày càng đông dẫn tới sự tăng vọt rác thải y tế.

Bà Đỗ Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang đánh giá, hiện nay nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao. Với mong muốn được chăm sóc sức khỏe từ ban đầu, lượng bệnh nhân đến các cơ sở y tế ngày càng đông. Hiện tại, công suất sử dụng giường bệnh khoảng 140% đến 170%, do đó nguồn rác thải cứ tăng thêm từ 40% tới 70%. Ngoài ra, các bệnh viện, cơ sở y tế được đầu tư hệ thống xử lý rác thải rắn bằng lò đốt nhưng nhiều lò đốt đã xuống cấp. Vì vậy, chất lượng xử lý rác thải khó đảm bảo yêu cầu. Trong khi đó, nhiều cơ sở y tế ở Tuyên Quang vẫn chưa được cấp phép xả thải lỏng, chưa có hệ thống dẫn nước thải y tế riêng.

Nhân viên y tế ở các cơ sở y tế Tuyên Quang thực hiện phân loại rác thải theo đúng quy định. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Nhân viên y tế ở các cơ sở y tế Tuyên Quang thực hiện phân loại rác thải theo đúng quy định. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Chia sẻ về giải pháp t­­­rong thời gian tới, bà Đỗ Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang cho biết thêm: "Vấn đề rác thải thì không phải ngày một ngày hai, còn bệnh viện, còn bệnh nhân thì còn rác thải, do vậy đây là nội dung xuyên suốt trong quá trình thực hiện khám bệnh tại cơ sở. Đứng trước thực tế khó khăn của các đơn vị, chúng tôi cũng muốn đề xuất các cấp, các ngành sẽ xem xét bổ sung kinh phí để được sửa chữa, nâng cấp các lò đốt rác đã xuống cấp, trong khi chờ đợi được xây dựng mới”.
Nguyễn Văn Tý 

Có thể bạn quan tâm