Chương trình âm nhạc đặc sắc của người Khơ Mú giữa Thủ đô Hà Nội

Chương trình âm nhạc đặc sắc của người Khơ Mú giữa Thủ đô Hà Nội
Trình diễn điệu "Múa tra hạt" của người Khơ Mú tại Điện Biên. Ảnh: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Trình diễn điệu "Múa tra hạt" của người Khơ Mú tại Điện Biên.
Ảnh:  Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: Ban tổ chức chương trình muốn giới thiệu đến công chúng Thủ đô loại hình văn hóa dân gian độc đáo của người Khơ Mú ở Nghệ AnĐiện Biên. Thông qua đó, góp phần giáo dục di sản văn hóa phi vật thể, tăng cường sự hiểu biết về văn hóa dân tộc nói chung và âm nhạc dân gian của người Khơ Mú nói riêng, giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm tự hào và yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc. Những người làm chương trình hy vọng sẽ mang đến nhiều điều mới lạ và bổ ích về dấu ấn văn hóa của người Khơ Mú cho công chúng trong và ngoài nước. Chương trình "Âm nhạc của người Khơ Mú ở Nghệ An và Điện Biên" diễn ra trong 2 ngày 23-24/11 giới thiệu đến công chúng cách chế tác nhạc cụ truyền thống (các loại sáo, đàn trống, đàn môi, ống gõ...); cách thực hành trình diễn với làn điệu hát tơm của nhóm Khơ Mú đến từ tỉnh Nghệ An; thưởng thức các điệu múa dân gian như: thằm đao đao, múa sạp, múa boòng bụ (dỗ ống), múa lắc eo tự biên của nhóm Khơ Mú đến từ tỉnh Điện Biên. Du khách được giao lưu, hòa mình vào các điệu múa trống chiêng, múa sạp với sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Nhạc cụ truyền thống của người Khơ Mú khá phong phú và độc đáo gồm: bộ nhạc khí (sáo dọc ba lỗ, sáo dọc bốn lỗ, sáo ngang, khèn bè); bộ gảy (đàn trống, đàn môi); bộ gõ (ống gõ, ống giỗ, cồng chiêng). Nhạc cụ của người Khơ Mú thường được dùng vào các dịp lễ tết, cưới hỏi, mừng nhà mới, hay những dịp lễ hội của cộng đồng. Ngoài nhạc cụ truyền thống, các hình thức diễn xướng dân gian như: hát (tơm), các điệu múa tự biên, tự diễn với nhịp điệu nhanh, mạnh, uyển chuyển được xem là một trong những yếu tố đặc trưng tộc người độc đáo, mang sắc thái văn hóa riêng. Trong khi người Khơ Mú ở miền núi Nghệ An đã bảo tồn và sử dụng đa dạng nhạc cụ trong đời sống hàng ngày thì người Khơ Mú ở Điện Biên bảo lưu và duy trì được nhiều điệu múa truyền thống của tộc người. Trong khuôn khổ chương trình, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn tổ chức tọa đàm về Người Khơ Mú ở Lào, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam" do Tiến sĩ Frank Porschan thuyết trình với sự tham gia của các cán bộ nghiên cứu thuộc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Viện Dân tộc học, Viện Âm nhạc Việt Nam và sinh viên của một số trường đại học như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Lý Thanh Hương

Có thể bạn quan tâm