Chương trình 135 góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao Tuyên Quang

Chương trình 135 góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao Tuyên Quang
Nguồn vốn 135 đã giúp xã Lăng Can bê tông hoá được nhiều tuyến đường liên thôn bản. Ảnh: lambinh.tuyenquang.gov.vn
Nguồn vốn 135 đã giúp xã Lăng Can bê tông hoá
được nhiều tuyến đường liên thôn bản. Ảnh: lambinh.tuyenquang.gov.vn
Trước đây, mỗi khi có cuộc họp, người dân thôn Nà Mèn, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình phải đến nhà Trưởng thôn do cả thôn chưa có nhà văn hóa. Đầu năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ 135, thôn được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang, có sân tập luyện thể thao. Được cấp ủy, chính quyền xã Lăng Can và chi bộ thôn Nà Mèn tích cực tuyên truyền vận động, người dân đã tích cực tham gia đóng góp. Ngoài số tiền đầu tư của Nhà nước, nhiều hộ dân trong thôn đã ủng hộ bằng ngày công, một số hộ dân sẵn sàng hiến đất để xây dựng nhà văn hóa thôn. Ông Nông Đức Chinh, Trưởng thôn Nà Mèn, xã Lăng Can cho biết, trước đây, chưa có nhà văn hóa, việc họp hành sinh hoạt để tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ, được Nhà nước quan tâm xây dựng nhà văn hóa mới, người dân có chỗ hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dễ dàng hơn. Bà con trong thôn ai nấy đều rất vui mừng, phấn khởi. Bình An là xã vùng cao huyện Lâm Bình, trước đây giao thông rất khó khăn, cơ sở hạ tầng lạc hậu, kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, số hộ nghèo năm 2015 chiếm trên 78,6%. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn 135, bên cạnh việc lồng ghép với nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Bình An đã tổ chức lấy ý kiến người dân trong việc chọn các đầu điểm xây dựng. Nhờ đó, hầu hết các công trình sau khi được xây dựng đều đã phát huy hiệu quả, nêu cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cùng với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xã còn tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thông qua hỗ trợ cây, con giống, máy móc vật tư nông nghiệp. Đặc biệt, mô hình nuôi trâu sinh sản đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông Ma Công Khâm, Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, để phát huy hiệu quả nguồn vốn 135, xã đã lựa chọn những đầu điểm công trình có tính cấp thiết để đầu tư xây dựng. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, tất cả từ khâu từ chọn đầu điểm đến khi xây dựng, vận hành, chính quyền địa phương đều tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Đối với những thôn bản có đặc thù, điều kiện kinh tế khó khăn, xã đã chú trọng đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất của nhân dân, làm đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế. Công tác tuyên truyền về hiệu quả mang lại từ các công trình được xã chú trọng nên hầu hết những công trình đã triển khai được nhân dân quản lý, vận hành tốt phát huy được hiệu quả. Ông Ma Ngọc Trường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình cho biết, thực hiện chương trình 135, năm 2018, huyện Lâm Bình được phân bổ trên 12 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất. Toàn huyện đã xây dựng 14 công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, nâng cấp đường giao thông liên xã, liên thôn đã làm thay đổi diện mạo của huyện nghèo Lâm Bình. Việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế được huyện quan tâm thực hiện. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ mua sắm công cụ, máy móc phục vụ sản xuất;  hỗ trợ trâu, bò sinh sản, cây giống, được tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình 135,  các xã vùng cao của huyện Lâm Bình đã có diện mạo mới. Nguồn vốn từ chương trình 135 thực sự  trở thành "đòn bẩy" để người dân phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Văn Tý

Có thể bạn quan tâm