Chương trình 135 góp phần giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số Yên Bái

Chương trình 135 góp phần giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số Yên Bái
Người dân thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, đổ sân xây dựng nhà văn hóa thôn. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN
Người dân thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, đổ sân xây dựng nhà văn hóa thôn.
Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Yên Bái là tỉnh miền núi, có 81 xã và 177 thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các xã thuộc khu vực II được hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình 135 của Nhà nước. Toàn tỉnh hiện có 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 55,5%, đời sống người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các dân tộc. Tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% hộ nghèo.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm tới công tác xóa đói, giảm nghèo đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để tạo nguồn lực cho đồng bào các xã đặc biệt khó khăn, việc hỗ trợ phát triển sản xuất, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn là một trong những việc làm đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đỗ Quang Vịnh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cho biết, thực hiện Chương trình 135, từ năm 2016 đến tháng 6/2018, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Yên Bái đã được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 447,6 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ phát triển sản xuất 86 tỷ đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng trên 351 tỷ đồng, dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở hơn 10 tỷ đồng…

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ 135 mà anh Cháng A Vàng, thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có tiền mua giống gà đen của người Mông về nuôi. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ 135 mà anh Cháng A Vàng, thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có tiền mua giống gà đen của người Mông về nuôi. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Theo Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2018, từ nguồn vốn Chương trình 135 đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho trên 24 nghìn hộ gia đình ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, người dân có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Một số mô hình đem lại hiệu quả và được nhân rộng như mô hình trồng quế tại huyện Văn Yên, mô hình trồng nghệ, rừng cây lâm nghiệp tại huyện Trấn Yên, mô hình chăn nuôi dê sinh sản huyện Văn Chấn...

Hồng Ca là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên (Yên Bái), ở cách trung tâm huyện 40km, xã có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó gần 90% dân tộc Tày và Mông. Đồng bào dân tộc thiểu số đông nên trình độ dân trí còn thấp, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Người dân sống chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn lạc hậu.

Trước đây, người dân từ các thôn, bản xuống trung tâm xã phải mất nửa ngày bởi đường đi lại khó khăn. Từ khi được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Hồng Ca đến các thôn, bản, việc đi lại của bà con trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.

Anh Cháng A Vàng chăm sóc diện tích tre măng bát độ của gia đình. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN
Anh Cháng A Vàng chăm sóc diện tích tre măng bát độ của gia đình.
Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Anh Sổng A Dũng - Trưởng thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca cho biết, nhờ có đầu tư, hỗ trợ của nhà nước mà tuyến đường nối từ thôn xuống trung tâm xã được bê tông hóa, thuận lợi hơn cho người dân trong việc đi lại, giao lưu, buôn bán hàng hóa, các cháu học sinh đến trường.

Bên cạnh việc đầu tư, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn từ Chương trình 135 còn hỗ trợ bà con trong xã phát triển sản xuất và mang lại những hiệu quả thiết thực, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, đời sống người dân bước đầu được nâng lên.

Anh Cháng A Vàng, thôn Khuôn Bổ chia sẻ, trước đây gia đình anh là một hộ nghèo trong thôn, kinh tế gia đình rất khó khăn. Năm 2014, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ giống cây tre măng bát độ và cây quế. Sau gần 4 năm, tre măng bát độ đã cho thu hoạch, với 150 gốc tre anh thu về được hơn 10 triệu đồng. Đồi quế của gia đình cũng sinh trưởng, phát triển tốt 1-2 năm nữa có thể tỉa cành bán. Nhờ có thêm thu nhập mà gia đình anh đã thoát nghèo.

Trong hai năm 2015-2016, nguồn vốn 135 đã hỗ trợ xã Hồng Ca xây dựng tuyến đường nối từ các thôn, bản đến trung tâm xã có tổng chiều dài trên 1.700 mét, trị giá trên 2 tỷ đồng; hỗ trợ cây quế giống cho 617 hộ gia đình, với số tiền trên 591 triệu đồng; hỗ trợ 70 triệu đồng cho 35 hộ nuôi lợn thịt và 2 máy tách hạt cho 2 hộ. Ngoài ra, còn hỗ trợ sửa chữa chợ trung tâm xã và ngầm tràn với trị giá 650 triệu đồng.

Có thể khẳng định nguồn vốn Chương trình 135 bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Diện mạo xã nông thôn miền núi đặc biệt khó khăn đang dần khởi sắc, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ông Cháng A Sai - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết, Chương trình 135 đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, mức thu nhập người dân tăng đáng kể từ 20 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên mức 28 triệu đồng/người/năm (năm 2018). Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã ngày càng giảm, từ 45% năm 2016 xuống còn 18% năm 2018.

Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh, bền vững đối với vùng cao, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách Đảng, Nhà nước, tỉnh Yên Bái còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với đồng bào. Đó là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chính sách giao thông nông thôn; chính sách hỗ trợ thiệt hại sau bão lũ. Từ đó, góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Đinh Thùy

Có thể bạn quan tâm