Chung tay xây dựng Công viên địa chất núi lửa Krông Nô

Chung tay xây dựng Công viên địa chất núi lửa Krông Nô
Trong hang động phát hiện nhiều thạch nhũ và cấu trúc đặc trưng núi lửa phun trào. Ảnh: Đức Hùng
Trong hang động phát hiện nhiều thạch nhũ
và cấu trúc đặc trưng núi lửa phun trào. Ảnh: Đức Hùng
Từ năm 2007, Bảo tàng Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tiến hành nghiên cứu khu vực Krông Nô để xây dựng một Công viên địa chất sau khi thấy dạng đá Bazan đặc biệt tại khu vực này, tuy nhiên quá trình nghiên cứu gặp nhiều trở ngại nên chương trình không được thực hiện.

Đầu năm 2014, Tỉnh ủy Đắk Nông tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh lập kế hoạch khảo sát Hệ thống hang động khu vực Krông Nô, người có ý kiến tâm huyết đề xuất về vấn đề này khi đó là đồng chí Trần Quốc Huy, nguyên Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh được UBND tỉnh giao trách nhiệm chủ trì triển khai thực hiện vấn đề này.

Chương trình được tỉnh phối hợp với các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Địa chất (thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam  (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tư vấn và thực hiện.

Chương trình lúc triển khai ban đầu với tên là: "Đề án Nghiên cứu, điều tra, đánh giá Di sản địa chất (DSĐC) và xây dựng Công viên địa chất (CVĐC) khu vực Krông Nô tỉnh Đăk Nông”, tỉnh giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý. Trong quá trình thực hiện thấy phần lớn nội dung mang tính khoa học cao về các lĩnh vực địa chất, thiên nhiên và văn hóa, nhất là đa dạng địa chất, nên đề nghị tỉnh chuyển thành Đề tài khoa học và giao cho Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý; cơ quan chủ trì là Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, tác giả đề tài là Tiến sĩ La Thế Phúc.

Từ những căn cứ nghiên cứu khoa học ban đầu và các Di sản  thực tế  tại địa phương cũng như tham khảo Công viên đá Đồng Văn (là Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận từ  năm 2010) thì mục tiêu xây dựng Công viên địa chất núi lửa Krông Nô là hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực.
 
Khảo sát hang động núi lửa Krông Nô. Ảnh: Quang Mích
Khảo sát hang động núi lửa Krông Nô. Ảnh: Quang Mích
Kế hoạch và lộ trình xây dựng CVĐC núi lửa Krông Nô được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2014, được sự tư vấn của các nhà khoa học, Tỉnh đã mời Bảo tàng Địa chất (thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là đơn vị tư vấn cho tỉnh thực hiện chủ trương xây dựng CVĐC, sau này thống nhất đơn vị chủ nhiệm đề tài là Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Trong thời gian này UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hành chính để thực hiện đề tài này trong đó có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng Công viên địa chất Núi lửa Krông Nô.

Ngày 26/12/2014 tại Hà Nội, tỉnh phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản tổ chức họp báo công bố tài liệu kết quả nghiên cứu ban đầu để giới thiệu về Hệ thống Hang động núi lửa khu vực Krông Nô nhằm thu hút đầu tư.

Tháng 12/2014, tỉnh tham dự Hội nghị về mạng lưới Công viên Địa chất Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 4 tại Nhật Bản (viết tắt là APGN4).

Tháng 9/2016 tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Vương quốc Anh (viết tắt là GGN7), mục đích giới thiệu, tuyên truyền quảng bá về Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, kêu gọi sự ủng hộ của UNESCO, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN), các chuyên gia Công viên địa chất quốc tế ủng hộ tỉnh Đắk Nông trong lộ trình xây dựng Công viên địa chất núi lửa Krông Nô. Bên cạnh đó tỉnh cũng đã tham dự Hội nghị Công viên địa chất tại Hà Giang tổ chức từ ngày 18 - 19/6/2016 để chia sẻ kinh nghiệm cũng như bàn phương hướng thành lập, quản lý mạng lưới Công viên địa chất quốc gia khi có đủ điều kiện.

Giai đoạn 2, theo kế hoạch, đề tài dự kiến sẽ được gấp rút hoàn thành với thời gian 24 tháng kể từ khi ký hợp đồng triển khai. Hợp đồng được ký kết từ tháng 6/2016, thì đến tháng 6/2018 đề tài sẽ kết thúc.

Một số nội dung chính trong giai đoạn này gồm: Tham dự Hội nghị CVĐC toàn cầu lần thứ 7 tại Anh quốc từ ngày 24 - 30/9/2016; Triển khai tuyển chọn logo cho CVĐC Núi lửa Krông Nô; Triển khai công tác khảo sát thực địa và các nhiệm vụ của đề cương được duyệt; Tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức về Di sản địa chất và Công viên địa chất Krông Nô; Mời chuyên gia nước ngoài khảo sát đánh giá triển vọng CVĐC và trao đổi kinh nghiệm xây dựng và phát triển CVĐC...; Hoàn thiện hồ sơ CVĐC, đón đoàn thẩm định và phục vụ công tác thẩm định của cấp thẩm quyền xét duyệt danh hiệu CVĐC; Xét duyệt và Đón nhận danh hiệu CVĐC vào cuối năm 2018.

Giai đoạn 3, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển “CVĐC Núi lửa Krông Nô” trình Chính phủ phê duyệt và vận hành khai thác ổn định CVĐC.

Có thể thấy, khu vực Krông Nô đã hội tụ đủ các điều kiện để xây dựng CVĐC cấp quốc gia hướng tới CVĐC toàn cầu. Việc xây dựng CVĐC là phù hợp với xu thế khách quan, phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập của tỉnh. Vì vậy cần có thái độ hay cách nhìn thật khách quan và đúng đắn hơn để thấy được vị trí, tầm quan trọng của CVĐC trong phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của tỉnh khi hệ thống hang động núi lửa Krông Nô trở thành Công viên địa chất toàn cầu. Các cấp ủy Đảng và chính quyền cần ủng hộ và chung tay chung sức nhanh chóng để có bộ hồ sơ trình lên UNESCO quốc tế cấp phê duyệt danh hiệu CVĐC toàn cầu.

Cùng với đó, để CVĐC Krông Nô trở thành hiện thực, sớm đi vào hoạt động phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, các sở, ban ngành, địa phương tăng cường  sự phối hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền bảo vệ di sản để tránh không bị xâm hại; phối hợp tích cực sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý hồ sơ triển khai các bước để CVĐC Krông Nô sớm hoạt động hiệu quả và phát triển.
Theo baodaknong.org.vn

Có thể bạn quan tâm