Chủ động nguồn nguyên liệu gỗ bền vững

Chủ động nguồn nguyên liệu gỗ bền vững
Người dân xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đang khai thác gỗ bán cho các doanh nghiệp. Ảnh: Quang Đán - TTXVN
Người dân xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đang khai thác gỗ bán cho các doanh nghiệp. Ảnh: Quang Đán - TTXVN
Với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, các thị trường đều hướng đến quy định nghiêm ngặt điều kiện truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp khi nhập khẩu. Hay những quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa phải được đảm bảo mới có thể xuất khẩu vào một số thị trường. Do đó, việc chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng sẽ quyết định sự thắng lợi của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đây cũng là khối thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành công nghiệp gỗ. Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các thị trường trong khối này đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2017, chiếm  18,3% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa khai thác được hết lợi thế từ các thị trường này. Hàng hóa vào các thị trường này sẽ phải đảm bảo có xuất xứ từ các nước thành viên CPTPP. Chỉ riêng với hai hiệp định trên, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, với việc vẫn phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau đòi hỏi chúng ta phải siết chặt quản lý nguồn gỗ nhập khẩu. Nguồn nguyên liệu hợp pháp bền vững trong nước ngày càng chủ động sẽ là lợi thế của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, đồng thời duy trì được khả năng xuất siêu ở mức cao hơn. Đây chính là cơ sở để hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia tăng trưởng bứt phá để hướng tới một trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp, chất lượng và bền vững của thế giới. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt trên 9,3 tỷ USD. Chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản là ngành hàng nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhất, đóng góp vào sự tăng trưởng xuất khẩu. Đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu trên phải kể đến 27 triệu m3 gỗ khai thác trong nước, chiếm 75% sản lượng gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ. Đây là một trong những hiệu quả từ Chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Chương trình đã góp phần phát triển nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước đáp ứng phần lớn nguyên liệu chế biến gỗ, giảm mạnh tỷ trọng nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành chế biến gỗ phát triển, sử dụng nhiều nguyên liệu gỗ đã tạo ra thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ, do đó đòi hỏi nguồn cung nguyên liệu gỗ ngành càng tăng. Với nguồn gỗ nhập khẩu, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, gỗ nhập khẩu phải đảm bảo 100% gỗ sạch. Điều sẽ là điều khó khăn trong thời gian tới vì khối lượng gỗ nhập khẩu hàng năm rất lớn và từ nhiều thị trường khác nhau. Chính sách xuất khẩu của các nước cũng khác nhau. Do đó, việc lựa chọn thị trường gỗ nhập khẩu 100% gỗ sạch là một thách thức với doanh nghiệp. Trong khi đó, lượng cung gỗ trong nước đã và đang từng bước đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với khối lượng ngày càng lớn. Tuy nhiên, chất lượng gỗ rừng trồng cũng cần phải cải thiện; việc sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả và bền vững. Công ty Scansia Pacific là một trong các doanh nghiệp cung cấp cho IKEA, một công ty Thụy Điển là nhà phân phối nội thất hàng đầu thế giới. Từ năm 2016, IKEA yêu cầu toàn bộ các sản phẩm gỗ phải được làm từ nguồn gỗ có chứng chỉ quản trị bền vững và bảo vệ sinh thái FSC. Trước thách thức đó, Scansia Pacific đã chọn tỉnh Thừa Thiên Huế để xây dựng mô hình liên kết giữa các hộ dân có rừng trồng nhỏ lẽ, thành diện tích đủ lớn để chứng nhận FSC. Kết quả đáng khích lệ là từ năm 2016 đến nay, doanh nghiệp đã có 3.000 ha rừng keo của 609 hộ dân đã dược cấp chứng chỉ FSC. Ông  Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT công ty Scansia Pacific cho rằng, chỉ có con đường liên kết tiến đến phát triển rừng trồng hợp pháp và đúng quy chuẩn FSC là con đường phát triển bền vững đúng đắn nhất của ngành. Liên kết bền vững ấy mang lại lợi ích cho người dân, mang đến cho họ cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời mang lại nguồn nguyên liệu chủ động và hiệu quả cho doanh nghiệp. “Ngoài vai trò của nhà nước trong việc chủ trương phát triển rừng trồng, lâm dân hưởng ứng, còn có sự đóng góp nhiệt tình của khối doanh nghiệp đi tìm đầu ra cho sản phẩm từ gỗ rừng trồng”, ông Nguyễn Chiến Thắng chỉ ra. Để đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngành sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Ngành sẽ tăng cường việc kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác trồng rừng từ quảng canh sang thâm canh rừng. Bên cạnh đó, ngành sẽ đẩy nhanh triển khai thực hiện Đề án Quản lý rừng bền vững. Tổng cục Lâm nghiệp cũng tiếp tục rà soát, rút kinh nghiệm để hoàn thiện và nhân rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp vơi người trồng rừng nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, chế biến. Chuỗi giá trị sản phẩm sẽ phát triển lên, chia sẻ lợi ích, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người trồng rừng.
Bích Hồng

Có thể bạn quan tâm