Chỉ dẫn địa lý – Khẳng định danh tiếng, định vị cà phê Sơn La trên bản đồ cà phê Việt Nam

Chỉ dẫn địa lý – Khẳng định danh tiếng, định vị cà phê Sơn La trên bản đồ cà phê Việt Nam
Đón nhận Chứng nhận Chỉ dẫn địa lí cho sản phẩm Cà phê Sơn La do Cục Sở hữu trí tuệ cấp - Ảnh: Nguồn internet
Đón nhận Chứng nhận Chỉ dẫn địa lí cho sản phẩm Cà phê Sơn La do Cục Sở hữu trí tuệ cấp - Ảnh: Nguồn internet

Ngày 21/8, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La và Lễ công bố Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La được Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn, Hội Cà phê tỉnh Sơn La và các doanh nghiệp thành viên tổ chức ngày 23/8, tại Hà Nội nhân sự kiện “Ngày hội chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La tại Hà Nội”, nhằm đưa sản phẩm cà phê Sơn La danh tiếng, có hương vị đặc thù của Tây Bắc đến gần với người tiêu dùng Thủ đô và bạn hàng trong cả nước.

Vùng nguyên liệu cà phê Arabica chủ lực

Nằm trên vùng núi phía Tây Bắc, Sơn La có núi non trùng điệp, khí hậu ôn hòa và thổ nhưỡng phù hợp cho cây cà phê Arabica sinh trưởng và phát triển với hương vị đặc trưng. Cà phê Sơn La được trồng từ thế kỷ 19, phát triển từ năm 1945, trên các sườn dốc của chân dãy núi thấp, sườn đồi với độ cao phổ biến từ 600m – 1200m. Cây cà phê, mảnh đất và con người Sơn La đã “hòa quyện” tạo nên những hạt cà phê thơm ngon, được thị trường trong nước và thế giới ưu chuộng. Đến nay, Sơn La được biết đến là vùng cà phê Arabica lớn nhất cả nước.

Được thiên nhiên ưu đãi và với thế mạnh phát triển vùng trồng cà phê, tỉnh Sơn La đã quy hoạch vùng trồng cà phê tập trung, chú trọng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến. Đông thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, liên kết và phát triển cà phê tại Sơn La theo hướng bền vững và gia tăng giá trị thông qua chế biến. Cây cà phê đang trở thành một cây công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của người dân tại Sơn La, danh tiếng của cà phê Sơn La đã từng bước có vị thế trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sản phẩm cà phê Sơn La đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Mỹ, Nhật, EU và nhiều thị trường khác. Hơn 10 năm qua, sản phẩm cà phê đã trở thành một trong 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với vị trí xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Đóng góp vào kết quả đó có một phần không nhỏ của ngành cà phê Sơn La, vùng nguyên liệu cà phê Arabica lớn thứ 2 trong cả nước – với diện tích gần 20.000 ha, sản lượng 30.000 tấn/năm, tập trung tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp và thành phố Sơn La.

Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội cà phê tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2017 – 2022, đồng thời là Giám đốc Công ty cà phê, cây ăn quả Sơn La khẳng định: Thời gian qua, cây cà phê từ cây “xóa đói giảm nghèo” nay đã trở thành cây làm giàu cho hơn 16.000 nghìn hộ nông dân của tỉnh Sơn La. Các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã gắn bó, gìn giữ và phát triển cây cà phê, Hội cà phê Sơn La cũng tham gia quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Sơn La” cho sản phẩm cà phê của tỉnh Sơn La. Đồng thời, chú trọng phổ biến, nâng cao kiến thức về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm cà phê... góp phần xây dựng vùng nguyên liệu cà phê ngày càng ổn định và bền vững.

Chỉ dẫn địa lý – Khẳng định danh tiếng cà phê Sơn La

Năm 2017, sản phẩm cà phê Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00058 cho sản phẩm cà phê Sơn La với 3 loại sản phẩm là cà phê nhân, cà phê rang xay và cà phê bột. Đây là sự khẳng định về danh tiếng và chất lượng của cà phê Sơn La với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân nhằm duy trì và phát triển thương hiệu cà phê Sơn La.

Ông Phạm Quang An, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với cà phê Sơn La góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho cà phê của tỉnh miền núi phía bắc Sơn La vươn ra thị trường quốc tế. Chỉ dẫn địa lý được lựa chọn là đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ, giúp định vị vị trí của cà phê Sơn La trên bản đồ cà phê Việt Nam, đặc biệt là cà phê Arabica - loại cà phê có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị cà phê, phát triển ngành cà phê trong nước bền vững, nâng cao vị thế cà phê Sơn La.

Ngày 23/8, nhân sự kiện “Ngày hội chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La tại Hà Nội”, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn, Hội Cà phê tỉnh Sơn La và các doanh nghiệp thành viên tổ chức công bố Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La nhằm đưa sản phẩm cà phê Sơn La danh tiếng, có hương vị đặc thù của Tây Bắc đến gần với người tiêu dùng Thủ đô và bạn hàng trong cả nước. Các sản phẩm được bảo hộ bao gồm cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột. Đặc trưng cà phê Sơn La là vị chua thanh, đắng nhẹ, hương trái cây quyến rũ. Đặc biệt phù hợp cho quý khách hàng muốn thưởng thức hương vị của ly cà phê nguyên chất.

Những năm gần đây, vấn đề phát triển thương hiệu cho cà phê đã được tỉnh Sơn La quan tâm với nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp bảo hộ và phát triển chỉ dẫn địa lý cho cà phê Sơn La. Với hướng tiếp cận phù hợp từ quy hoạch, lựa chọn sản phẩm bảo hộ và đặc biệt là thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn vào quá trình bảo hộ và phát triển thương mại sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Nhiều tiếp cận mới đã giúp cho chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La đạt được những thành công.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La dựa trên mục tiêu nâng cao giá trị thông qua việc bảo hộ các sản phẩm cà phê chế biến sâu ngoài sản phẩm nguyên liệu, do đó cà phê rang, cà phê bột Sơn La được nhà nước bảo hộ, làm nền tảng để doanh nghiệp đầu tư cho chế biến, hình thành sản phẩm mang thương hiệu cà phê Sơn La trên thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội cà phê tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2017 – 2022, đồng thời là Giám đốc Công ty cà phê, cây ăn quả Sơn La nhấn mạnh: Xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê gắn với doanh nghiệp làm nền tảng, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, thúc đẩy liên kết hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã áp dụng các tiến bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tuân thủ các bộ tiêu chuẩn chất lượng trong xuất khẩu như bộ tiêu chuẩn cà phê 4C, UTZ… từng bước thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ ra thị trường, xây dựng sản phẩm “cà phê Sơn La - product of Vietnam” trên thị trường quốc tế. Hiện Sơn La có sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến lớn như: Công ty xuất nhập khẩu cà phê Minh, Công ty Cát Quế, Phúc Sinh, Công ty TNHH cà phê Sơn La, Hợp tác xã Bích Thao…

Hoạt động chế biến cà phê thành phẩm cung cấp cho thị trường trong nước đã được đẩy mạnh 5 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, nhà máy tăng lên. Tuy mới gia nhập thị trường sản phẩm chế biến, nhưng sản phẩm chế biến từ cà phê Sơn La đã được người tiêu dùng đón nhận với các sản phẩm cà phê nguyên chất dùng cho pha máy hiện đại, pha phin truyền thống và cà phê hòa tan tiện dụng. Các doanh nghiệp sản xuất cà phê Sơn La mong muốn và nỗ lực để định vị lại thói quen tiêu dùng cà phê nguyên chất, nhằm bảo vệ sức khỏe công đồng, từng bước xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Sơn La nói riêng trên thị trường trong nước và quốc tế.
HL

Có thể bạn quan tâm